Tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ nợ xấu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại
TCCS - Ngày 2-1-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020; Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ nợ xấu
Ngày 2-1-2019, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 - lĩnh vực đóng góp quan trọng vào thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước trong năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ và chủ động theo dõi sát tình hình để tham mưu kịp thời cho Chính phủ các biến động vĩ mô.
Nhấn mạnh vị trí của ngành ngân hàng đối với sự thịnh vượng của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ nhiệm vụ phát triển với tốc độ cao liên tục trong những thập niên tới. Muốn vậy, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành ngân hàng phải tiếp tục đóng góp cho sự thịnh vượng bằng tăng trưởng cao. Trên tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn “ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới phát triển, đưa đất nước tiến lên”.
Đánh giá cao thành tích đạt được năm 2019 của ngành ngân hàng, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỷ lệ nợ xấu giảm. Dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD, gấp 2,5 lần từ đầu nhiệm kỳ và gấp gần 6 lần so với năm 2011. Trong năm qua, chúng ta bỏ ra 500 nghìn tỷ đồng để mua dự trữ ngoại hối, tăng cung tiền lớn như vậy nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều trở ngại, cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thị trường tài chính thế giới biến động.
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi, phức tạp từ các hành vi gian lận, lừa đảo, tấn công mạng dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... ảnh hưởng uy tín của nhiều ngân hàng. Việc quản lý các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, fintech, trí tuệ nhân tạo... đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Ngân hàng Nhà nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp bởi đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng. Cùng với đó thực hiện mục tiêu kép là tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, cạnh tranh khu vực và quốc tế và đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp với phương châm dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tín dụng ngân hàng với thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.
Bên cạnh đó, chú ý công tác dự báo, ứng phó chính sách trước biến động quốc tế, khu vực. Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều ngân hàng thương mại lọt vào tốp ngân hàng đứng đầu khu vực và thế giới. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính và văn minh ngân hàng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành ngân hàng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng báo cáo về kết quả công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần vào kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức thấp, giữ nền tảng vĩ mô ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ, các bộ, ngành điều hành giúp kinh tế tăng trưởng tốt.
Thành công nữa là Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát được mặt bằng lãi suất ổn định và thời điểm phù hợp đã điều chỉnh lãi suất điều hành, giảm được lãi suất cho vay; cân đối hài hòa giữa người vay và người gửi tiền, nguồn vốn bảo đảm để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Đặc biệt, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Ngân hàng Nhà nước đã giữ ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức rất lớn 79 tỷ USD - là tấm đệm phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô, trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Thanh khoản hệ thống được bảo đảm, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế.
Từ ngày 16-9-2019, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; từ ngày 19-11-2019 giảm 0,2-0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.
Trong bối cảnh chịu áp lực từ biến động thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều chỉnh tỷ giá mua/bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng bám sát diễn biến thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường diễn biến ổn định, thanh khoản dồi dào; các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tập trung phân bổ vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên tạo động lực cho phát triển, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu hợp pháp về vốn, nhất là vốn tín dụng tiêu dùng của người dân, góp phần hạn chế "tín dụng đen". Tín dụng ngoại tệ tiếp tục được kiểm soát theo đúng lộ trình hạn chế đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý…
Ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp tại Hội nghị đánh giá cao sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành thời gian qua rất hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cho rằng nhờ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt đã giúp các ngân hàng chủ động trong hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại
Chiều cùng ngày, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị năm 2020 phải có chuyển biến quan trọng trong công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để mọi mặt đều tiến bộ, không chỉ là kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an toàn cho người dân và nhất là “muốn sản xuất được, muốn thị trường trong nước phát triển phải chống buôn lậu, gian lận thương mại tốt”.
Theo Thủ tướng, có nhiều lực lượng làm các công tác này, do đó phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và người chịu trách nhiệm, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 có sự đóng góp của công tác phòng, chống tội phạm, Thủ tướng cho rằng, kinh tế trong nước không thể phát triển được nếu như buôn lậu, gian lận thương mại tràn lan. Tuy nhiên, thực tế tình hình diễn ra chưa thực sự đáp ứng mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Trước hết là tình trạng tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với quy mô lớn và ngày càng tinh vi, manh động hơn. Các băng nhóm tội phạm ngang nhiên lộng hành như ở Đồng Nai. Nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn, tang vật thu hàng tấn ở Thành phố Hồ Chí Minh; buôn lậu, vận chuyển hàng chục tấn pháo nổ ở Lạng Sơn; vụ sản xuất hàng chục triệu lít xăng giả ở Đắk Nông…
Thủ tướng đặt vấn đề, hàng cấm, nhất là ma túy, hàng giả, hàng kém chất lượng đi đường nào vào Việt Nam, trách nhiệm chúng ta là phải làm rõ, “chứ không phải trên trời rơi xuống, không phải cây kim”. Có nhiều nguyên nhân, theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chính. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các tổ chức, phụ trách địa bàn.
Chỉ ra tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp như tội phạm ma túy, băng nhóm xã hội đen, phá rừng, buôn bán người, xâm phạm trẻ em, lừa đảo, nhất là lừa đảo trên mạng, đòi nợ thuê, đánh bạc trực tuyến, tội phạm môi trường, cát tặc, kinh doanh hàng giả…, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng này đe dọa sự bình yên của nhân dân, “chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn có hiệu quả”. Có “cái gì mà lực lượng chức năng không biết, có điều là có làm hay không? Ở địa phương, nhúc nhích thì đã có thông tin rồi”, Thủ tướng đề nghị xem xét thực chất sự phối hợp giữa các lực lượng, sự chia sẻ thông tin.
Thủ tướng đề nghị cần thống kê đầy đủ để phân tích, đánh giá nguyên nhân và giải pháp nâng cao hiệu quả thời gian tới. Nếu không xử lý hình sự được theo quy định thì phạt kinh tế ở mức tối đa. Cần đánh giá vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389, 138 ở địa phương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa, nhất là lực lượng chức năng có bảo kê và có tham nhũng tiêu cực không? Thời gian qua, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một số đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, có lúc, có nơi buông lỏng, thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến hoạt động tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới ở số tỉnh Tây Bắc, phía Bắc, Tây Nam Bộ còn phức tạp.
Việc xử lý sai phạm của một số tập thể, cá nhân để xảy ra tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp kéo dài chưa nghiêm, còn nể nang, né tránh. Những tồn tại trên đã làm ảnh hưởng tới kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thủ tướng nhấn mạnh, đơn vị nào, cấp ủy nào, cấp chỉ huy nào, đặc biệt người đứng đầu gương mẫu, trách nhiệm thì đơn vị đó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần rút kinh nghiệm từ các vụ việc xảy ra trong thời gian qua để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả.
Trong năm 2020, năm có nhiều ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước, phải ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu các ban chỉ đạo tiếp tục bám sát nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung sửa đổi, hoàn thiện thể chế chính sách, công tác phối hợp lực lượng, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc nổi cộm, làm gương, răn đe giáo dục chung. Phải tăng cường kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng, "tham nhũng vặt" ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào cơ quan hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức.
Công an, Hải quan, Thuế, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là những cơ quan chức năng trực tiếp, “không để tình trạng cơ quan, đơn vị các đồng chí phụ trách có tình trạng tham nhũng”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh tinh thần xử lý là, không để lọt tội phạm, không để oan sai người vô tội, kịp thời truy tố, xét xử vụ án lớn. Xử lý tin báo tố giác của người dân đúng quy định, kịp thời đình chỉ công tác cán bộ có dấu hiệu bảo kê, bao che, làm ngơ cho các hành vi vi phạm pháp luật, nếu phát hiện bao che, phải xử lý nghiêm dù đó là ai.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép, nhất là hoạt động mua bán người, vận chuyển trái phép ma túy, pháo và các mặt hàng cấm khác. Nếu địa bàn nào, hàng hóa thẩm lậu xảy ra nhiều lần thì phải điều chuyển ngay người đứng đầu. Nếu đủ cơ sở kết luận các tiêu cực thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, Quản lý thị trường xác lập chuyên án triệt phá các đường dây buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản qua biên giới trên biển.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu 5 lực lượng này mà trong sạch, trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm cùng với sự chỉ đạo tốt của cấp ủy, chính quyền địa phương thì chắc chắn tình hình tội phạm và đặc biệt là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại sẽ giảm đi rất nhiều, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.
Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm gia tăng, Thủ tướng đề nghị các lực lượng chức năng cần nỗ lực mạnh mẽ hơn để cuộc sống của nhân dân bình yên hơn, an toàn hơn. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có chương trình, kế hoạch phát động các phong trào tấn công, phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại./.
Linh Nga (tổng hợp)
Cần thực hiện nghiêm túc, chủ động hơn nữa Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025  (29/12/2019)
Bộ Công Thương cần nâng cao năng suất nội ngành, phát triển dựa vào công nghiệp chế biến, sáng tạo  (28/12/2019)
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 của Văn phòng Chính phủ  (26/12/2019)
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020  (26/12/2019)
Doanh nhân Việt Nam phải có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt  (24/12/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển