Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
TCCS - Ngày 5-12-2019, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại sứ Nguyễn Phương Nga tiếp tục giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai..., cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức nhân dân ở Trung ương, các tỉnh, thành phố. Về phía khách quốc tế dự Đại hội có: 46 đại sứ, đại biện lâm thời, đại diện đại sứ quán các nước; đại diện 30 tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội lần thứ VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được tổ chức trong lúc tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến rất phức tạp. Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với thế và lực mới và những vận hội mới. Bối cảnh tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới với công tác đối ngoại nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Ngay trước Đại hội, ngày 19-9-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW, về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới, khẳng định vai trò và đề ra những định hướng quan trọng cho hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, với chủ đề “Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội có nhiệm vụ rất quan trọng là tổng kết hoạt động trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động của toàn hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong giai đoạn mới 2019 - 2024. Các văn kiện của Đại hội xây dựng trên tinh thần quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đối ngoại nhân dân và vai trò của hội quần chúng, đặc biệt là Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư, tích cực triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Đại hội cũng sẽ sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới và bầu Đoàn Chủ tịch, Ban Kiểm tra và các chức danh Lãnh đạo chuyên trách của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Với kỳ vọng về một nhiệm kỳ mới với sức sống mới, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam 17-11-1950 - 17-11-2020, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga kêu gọi và đề nghị tất cả các đại biểu phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, đóng góp trí tuệ của mình vào việc xây dựng phương hướng hoạt động và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm củng cố, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, để kế tục xứng đáng truyền thống đối ngoại nhân dân Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu chung của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động tối đa sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam và góp phần vào phong trào nhân dân thế giới vì hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Báo cáo chính trị của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trình Đại hội VI do Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Bạch Ngọc Chiến trình bày nêu rõ, với phương châm "Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả", Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực triển khai toàn diện các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị đối với các đối tác nước ngoài, thiết lập quan hệ với nhiều đối tác mới; vận động, đấu tranh dư luận bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; góp phần tăng cường quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tham gia các diễn đàn, cơ chế đa phương để bảo vệ lợi ích đất nước cũng như góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức và hiểu biết quốc tế của quần chúng nhân dân; vận động viện trợ và tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài...
Cầu nối hiệu quả giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các thành viên trong cả nước; chân thành cảm ơn các tổ chức nhân dân, bạn bè quốc tế đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam, dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Thường trực Ban Bí thư đánh giá, nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã nỗ lực vượt qua, tiếp tục đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới, duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển.
Chỉ rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã gợi mở một số nội dung để Đại hội tập trung thảo luận và thống nhất xác định phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Theo đó, cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân nói chung, cán bộ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên nói riêng, trong công tác cần nắm vững, bám sát tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” với phương châm hành động “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”; giữ vững nguyên tắc, lập trường chính trị, phát huy bản sắc và những giá trị cao đẹp của văn hóa Việt Nam - nền văn hóa yêu chuộng hòa bình, vì tiến bộ xã hội và phát triển con người - tập trung vào các trọng tâm công tác, theo định hướng chủ đề Đại hội VI xác định: “Đổi mới mạnh mẽ, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tập trung duy trì và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các địa bàn trọng điểm và một số trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng khác để góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, uy tín, hình ảnh quốc tế của đất nước, đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phải là cầu nối để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cần chú trọng nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và chất lượng của công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài; phát huy vai trò của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, góp phần bảo đảm hiệu lực quản lý và sử dụng có hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài, phù hợp với ưu tiên của đất nước trong từng giai đoạn, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho việc thực hiện thật tốt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra.
Đặc biệt, phát huy thế mạnh về tri thức, kinh nghiệm của đội ngũ những người làm đối ngoại nhân dân để làm tốt hơn công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đóng góp có hiệu quả trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước thúc đẩy hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tăng cường đoàn kết nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách "vừa hồng, vừa chuyên", đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, Đại hội VI Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được tổ chức vào thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới 2020, một năm đầy ắp các sự kiện quan trọng của đất nước. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bước sang năm kỷ niệm lần thứ 70 Ngày tuyền thống, cũng là năm Việt Nam thực thi các trọng trách: Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, làm tốt vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, đạt được những thành tích to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để đất nước ngày càng giàu đẹp, hùng cường, có vị thế, uy tín ngày càng cao trong lòng bạn bè quốc tế.
Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân
Trong khuôn khổ Đại hội, các đại biểu đã nghe Báo cáo chính trị, Báo cáo công tác của Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khóa V. Theo đó, quán triệt sâu sắc và tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, bám sát phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã cùng các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đón 4.650 đoàn nước ngoài; tổ chức khoảng 3.000 hoạt động đối ngoại và các cuộc tiếp xúc, làm việc với các đối tác quốc tế. Đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thiết lập và tăng cường quan hệ đối tác với hơn 1.000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu quan hệ với nhân dân các nước láng giềng có chung biên giới.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam quan tâm thúc đẩy quan hệ với các địa bàn trọng điểm; củng cố quan hệ với các tổ chức bạn bè truyền thống, các tổ chức cánh tả, tiến bộ; mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam như trao đổi đoàn, tổ chức diễn đàn, tọa đàm, triển lãm, thi vẽ tranh, thi thuyết trình, viết luận kỷ niệm sự kiện quan trọng trong quan hệ song phương, triển khai các dự án nhân đạo, từ thiện, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa, du lịch với các nước ASEAN, Cuba, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, các đối tác ở Đông và Tây Âu, Mỹ và các nước Mỹ La tinh, nhiều nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi.
Cùng với việc làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác truyền thống là các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các tổ chức cựu chiến binh, tổ chức hòa bình, hữu nghị, Liên hiệp mở rộng quan hệ với các tổ chức xã hội, các trường đại học, trung học, trung tâm, viện nghiên cứu, tổ chức của con em của các tử sĩ, binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, vận động các tổ chức và cá nhân Mỹ góp phần vào việc thúc đẩy hòa giải, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, khắc phục hậu quả chiến tranh. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng phát huy được vai trò tại các diễn đàn, cơ chế nhân dân đa phương.
Trong nhiệm kỳ VI, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên quyết tâm đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, củng cố tổ chức vững mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đối ngoại nhân dân, huy động sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Chiều cùng ngày, đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã hiệp thương bầu Đoàn Chủ tịch khóa VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 134 Ủy viên. Đoàn Chủ tịch khóa VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024 họp Phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Theo đó, Ban Thường vụ khóa VI của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam gồm 19 ủy viên. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các hữu nghị Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2013 - 2018 tiếp tục được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đồng chí Bạch Ngọc Chiến giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đồng chí Phan Anh Sơn giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Ban Thường vụ và lãnh đạo chuyên trách Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024, Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định, tập thể Đoàn Chủ tịch khóa VI sẽ đoàn kết, nhất trí, tiếp tục phát huy truyền thống kinh nghiệm và những kết quả mà các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đạt được, khắc phục hạn chế, khó khăn; quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Đại hội VI và những nhiệm vụ định hướng mà Đại hội VI đã đặt ra đúng với tinh thần, chủ đề của Đại hội. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay đòi hỏi đối ngoại nhân dân nói chung và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói riêng, phải thường xuyên và không ngừng đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần huy động sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết và hợp tác của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển bền vững và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước./.
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài gắn với vận động chính trị, tích cực giới thiệu nhu cầu hợp tác của Việt Nam với các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Giá trị viện trợ giải ngân của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6-2019 đạt 1,597 tỷ USD. Đến nay, Việt Nam có quan hệ với 1.171 tổ chức, trong đó 501 tổ chức có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.
Thanh Anh (tổng hợp)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên