Phiên họp thứ 38 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
TCCS - Từ ngày 14-10 đến ngày 17-10-2019, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã diễn ra tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự, phát biểu khai mạc và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành các nội dung phiên họp.
* Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2019; cho ý kiến về các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 còn lại đã chuyển nguồn sang giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 để thực hiện hạng mục bổ sung của một số dự án; xem xét việc rà soát, hoàn chỉnh phương án phân bổ 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn cấp phát, viện trợ nguồn vốn nước ngoài (chi thường xuyên) năm 2019 và việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 vốn sự nghiệp ngoài nước cho tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện dự án viện trợ của Chính phủ Bỉ; kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội; về chuyển mục đích sử dụng đất rừng tại dự án Hồ chứa nước Ka Pét; báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét và quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019 - 2021; mở rộng địa giới hành chính thành phố Hải Dương; điều chỉnh địa giới một số xã, phường; thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng thuộc thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thanh Hóa và thành lập thị trấn Nưa thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thành lập 3 phường Hòa Long, Nam Sơn, Kim Chân thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
* Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21-10-2019 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 27-11-2019. Là kỳ họp cuối năm, theo thông lệ, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức...
Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp) và một số nghị quyết khác; xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp).
Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến các dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135; xem xét, quyết định đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét, quyết định việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015…
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV; Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019.
Về hoạt động giám sát tối cao, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”. Quốc hội sẽ dành thời gian 3 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua nghị quyết chung của kỳ họp./.
Nguyễn Hữu (tổng hợp)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển