Lễ hội Đống Đa - Ngọc Hồi
tại Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ

220 năm đã trôi qua (1789-2009) kể từ ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đi vào lịch sử dân tộc như một bài ca hào hùng - một đỉnh cao chói lọi của chiến công bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta trong thế kỷ XVIII.

Hằng năm, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, mọi người dân Việt Nam lại như thấy văng vẳng bên tai lời hịch tướng sĩ đanh thép, khẳng định quyết tâm đánh bại kẻ thù, kiên quyết bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc do người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ tuyên dụ tại Thanh Hoá trước giờ xuất quân ra Thăng Long diệt giặc ngoại xâm.

Với tài thao lược dụng binh như thần của vua Quang Trung, chỉ trong 5 ngày đêm (từ ngày 30 tháng 12 đến ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu, tức từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1789), nghĩa quân Tây Sơn đã đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, cùng vài vạn tàn quân của tên vua bán nước Lê Chiêu Thống.

Hơn hai thế kỷ qua, đã có không biết bao nhiêu cuốn sách, bài báo, công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, về Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa... Trong bài viết này, chúng tôi chỉ mong muốn làm rõ thêm một số điểm về thiên tài quân sự của Quang Trung trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh.

1. Xác định kẻ thù chính và chọn thời cơ xuất binh.
 
Đóng quân ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ phải lo đối phó với các loại kẻ thù ở cả hai đầu đất nước, cả Đàng trong và Đàng ngoài. Ở Đàng trong, từ năm 1776 tới 1783, sau năm lần tiến quân vào Gia Định, mặc dù quân Tây Sơn đã đánh bại được tập đoàn phong kiến thống trị họ Nguyễn được xây dựng trên 200 năm, nhưng tàn quân nhà Nguyễn do Nguyễn Ánh cầm đầu vẫn âm mưu cấu kết với vua Xiêm, các thế lực tư bản nước ngoài hòng dựa vào các lực lượng ngoại bang để chống lại nghĩa quân Tây Sơn, phục hồi nhà Nguyễn. Năm 1785, Nguyễn Huệ sau khi tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở Đàng ngoài, đã tập trung lực lượng đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược nhưng cũng chưa tiêu diệt được hoàn toàn lực lượng của Nguyễn Ánh. Sau một thời gian lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh đã tập hợp tàn quân tiến công chiếm lại Gia Định.
 
Ở Đàng ngoài, giương cao khẩu hiệu “Phù Lê diệt Trịnh”, chỉ trong khoảng một tháng (năm 1786), nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ đã đánh sập nền thống trị gần 300 năm của họ Trịnh, xóa bỏ triều Lê thối nát (1787-1788). Vua Lê Chiêu Thống bán nước cầu vinh, một mặt vẫn ngấm ngầm chiêu tập lực lượng, mặt khác, đã cho người sang cầu viện nhà Thanh. Lúc này, nhà Thanh đang được coi là một nhà nước phong kiến hùng mạnh nhất phương Đông. Chính trong thời điểm đó, Nguyễn Huệ đã xác định rõ mối đe dọa lớn nhất và nguy hiểm nhất đối với dân tộc chính là nguy cơ xâm lược của quân Thanh. Nguyễn Huệ đã tập trung mọi sự chuẩn bị ở mức cao nhất để đối phó với quân Thanh.
 
Nhân cơ hội quân Thanh rình rập ở phía bắc, Nguyễn Ánh được sự giúp đỡ của các thế lực thực dân phương Tây, trước hết là tư bản Pháp tổ chức tiến công chiếm lại Gia Định. Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc yếu hèn, không chống đỡ nổi, phải cầu cứu Nguyễn Huệ đưa quân vào giải cứu. Thậm chí, Nguyễn Nhạc còn muốn nhường quyền bính cho Nguyễn Huệ: “Về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương”. Trước yêu cầu khẩn thiết đó, Nguyễn Huệ vẫn án binh bất động, đóng quân ở Phú Xuân, chưa thể đưa đại binh đánh dẹp Nguyễn Ánh. Ông cho rằng nếu đưa quân vào Gia Định ngay lúc này, lực lượng sẽ bị phân tán và hao tổn, quân Thanh kéo sang xâm lược Bắc Hà sẽ có thời gian và điều kiện củng cố lực lượng, trụ vững ở Bắc Hà. Đến khi đó, ông đưa quân ra Bắc sẽ gặp không ít khó khăn, phải phân chia lực lượng chống đỡ cả hai đầu. Nhưng trước dã tâm xâm lược của quân Thanh, nếu Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc sớm, ông sẽ phải đối đầu ngay với 29 vạn quân Thanh đang lợi dụng chiêu bài sang giúp phục hồi nhà Lê, bộ mặt xâm lược, tàn bạo của quân Thanh trước nhân dân Bắc Hà chưa bộc lộ rõ, đặc biệt là với những người còn luyến tiếc triều Lê. Đó là chưa kể lợi dụng tình hình Nguyễn Huệ đem đại binh ra Bắc sớm, Nguyễn Ánh sẽ tập trung lực lượng tiến công quân Tây Sơn ở Đàng Trong, thậm chí tiến đánh Phú Xuân. Trong tình thế đầu đuôi đều bị đánh, Nguyễn Huệ sẽ hết sức khó khăn. Chỉ đến khi quân Thanh lộ rõ dã tâm xâm lược, ra sức vơ vét của cải, hãm hiếp dân lành, ngạo mạn khinh địch, bè lũ Lê Chiêu Thống đã hiện nguyên hình bán nước cầu vinh, lòng dân Bắc Hà oán giận... Nguyễn Huệ nhanh chóng quyết định lên ngôi Vua và thần tốc xuất quân diệt giặc. Đây chính là thời điểm lý tưởng để Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ thực hiện kế hoạch đánh địch của mình.

Nguyễn Huệ đã đánh giá cao kế sách của Ngô Thì Nhậm thuyết phục được tướng Tây Sơn trấn thủ Bắc Hà Ngô Văn Sở lui binh về lập phòng tuyến ở Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo tồn lực lượng và làm cho quân Thanh chủ quan, khinh địch. Ông nói: “Các ngươi đã biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn giữ các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng quân, bên ngoài thì làm cho giặc kiêu căng, kế ấy rất đúng” (Theo Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.221).

2. Giỏi huy động binh lực, hành binh thần tốc
 
Khi đưa 29 vạn quân tiến vào Bắc Hà đánh chiếm Thăng Long, ngài Tổng đốc họ Tôn đã dự tính khá kỹ. Tôn Sĩ Nghị tính rằng sau trận chiến đầu tiên với đạo quân Tây Sơn ở Bắc Hà của tướng Phan Văn Lân, quân Tây Sơn không đáng e ngại như người ta thường nói và lực lượng Tây Sơn ở Bắc Hà bị coi như chưa đánh đã tan. Tôn Sĩ Nghị dự tính toàn bộ lực lượng của Nguyễn Huệ ở tại Phú Xuân giỏi lắm chỉ được vài vạn quân, nếu tiến ra Bắc, Nguyễn Huệ cũng phải để một bộ phận quan trọng binh lực ở lại để giữ Phú Xuân và đối phó với Nguyễn Ánh ở Đàng trong. Tôn Sĩ Nghị cho rằng với lực lượng đã ít mà lại bị phân tán như thế, làm sao quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ có thể địch nổi với 29 vạn đại quân của “thiên triều” cùng với vài vạn tàn quân của vua Lê Chiêu Thống. Khi chiếm được thành Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị tính toán kỹ về chặng đường và thời gian hành quân tác chiến của quân Tây Sơn. Y cho rằng để tiến từ Phú Xuân ra Bắc, với trang bị, lương thực kèm theo, đường sá xa xôi cách trở gập ghềnh, quân Tây Sơn có tiến được ra Thăng Long cũng phải mất thời gian tính bằng tháng.

Chính vì vậy, sau khi đánh bại được quân Tây Sơn của tướng Phan Văn Lân (thực ra chỉ có khoảng 1.000 quân) tiến vào Thăng Long dễ dàng, đặc biệt sau khi nhận được thư vờ xin đầu hàng của vua Quang Trung, Tôn Sĩ Nghị lại càng nghĩ rằng quân Tây Sơn kỳ thực chỉ là lực lượng hữu danh vô thực, không có gì đáng ngại. Từ đó khiến cho ngài Tổng đốc Lưỡng Quảng càng thêm kiêu căng, chủ quan, khinh địch. Tổ chức ăn Tết, đón xuân, Tôn Sĩ Nghị cùng các tướng sĩ suốt ngày tiệc tùng, sao nhãng việc quân. Nếu ai đó nói đến tình hình quân Tây Sơn với ý lo lắng thì Tôn Sĩ Nghị lại đáp rằng: “Chúng nó như cá chậu chim lồng, còn chút hơi thừa thoi thóp, không đáng nói đến... ngày mùng 6 tháng Giêng, nhân dịp đầu xuân sẽ xuất quân kéo thẳng đến sào huyệt của quân Tây Sơn. Bọn giặc ấy nhất định lần lượt bị bắt sống không một tên nào lọt lưới”. (Theo Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.221)

Nhưng mọi hành động của quân Thanh đều được Nguyễn Huệ theo dõi chặt chẽ. Ngay sau khi nhận được tin cấp báo của tướng trấn thủ Bắc Hà Ngô Văn Sở, ngày 22-12-1788, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi vua tại Phú Xuân. Sau đó ông thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đã dừng ở Nghệ An và Thanh Hóa để bổ sung, tăng cường lực lượng “cứ ba suất đinh thì lấy một người”, theo cách lựa chọn “quân cốt tinh chứ không cốt đông”. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng quân Tây Sơn đã tăng lên trên 10 vạn. Đây là những người nông dân giàu lòng yêu nước, đã từng trải qua cuộc chinh chiến suốt từ Nam ra Bắc, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Đó là chưa kể đến lực lượng của Ngô Thời Nhậm và Ngô Văn Sở được bảo toàn và lui về trấn thủ phòng tuyến Tam Điệp chờ được hội quân với Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Việc tăng cường nhanh chóng về số lượng của quân Tây Sơn khiến cho Tôn Sĩ Nghị hoàn toàn bất ngờ, và cho đến lúc thất bại, y vẫn không sao hiểu nổi: Tại sao và bằng cách nào Quang Trung - Nguyễn Huệ lại có thể huy động được một nguồn binh lực lớn và có chất lượng như vậy?

Khi tiến quân ra Bắc, Vua Quang Trung đã trù liệu kỹ về các phương án đánh thắng kẻ thù. Ông đã chọn phương án đánh nhanh, thắng nhanh. Muốn vậy phải tạo được yếu tố bí mật, bất ngờ, hành quân thần tốc. Theo sử sách chép lại, Vua Quang Trung đã tổ chức ba người thành một nhóm thay phiên nhau võng đi. Hành binh thì thần tốc nhưng ai cũng được nghỉ ngơi dọc đường. Chính vì vậy, khi quân Tây Sơn xuất hiện ào ạt tấn công, quân Thanh hoàn toàn bị bất ngờ, choáng váng. Tôn Sĩ Nghị không thể hiểu nổi quân Tây Sơn dũng mãnh đã hành binh như thế nào để có mặt ở Thăng Long sớm đến thế. Trước mắt quân Thanh chỉ thấy “quân Tây Sơn hành binh như bay, tiến quân rất gấp, đi lại mau chóng vùn vụt như thần”, “tướng ở trên trời xuống, quân chui dưới đất lên”, làm cho “Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình mà chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy”. (Theo Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí)

3. Vô hiệu hóa được hỏa lực của kẻ thù, phát huy tối đa hỏa lực của mình.
 
Trước khi tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược, Tôn Sĩ Nghị tự đánh giá trang bị của quân Tây Sơn không thể bằng trang bị của quân Thanh. Trước ba quân tướng sĩ, Tôn Sĩ Nghị ban bố tám điều quân luật, trong đó Điều 5 nêu rõ: “Quân Nam không có sở trường gì khác, toàn dùng thứ ống phun hỏa làm lợi khí, gọi là “hỏa hổ”... so với súng ống của ta thì còn kém rất xa. Hiện ta đã chế sẵn vài trăm lá chắn bằng da trâu sống. Nếu gặp “hoả hổ”... quân ta một tay cầm lá chắn đỡ lửa, một tay cầm dao chém bừa chắc rằng chúng sẽ phải bỏ chạy tan tác”. (Theo Ngô Gia Văn Phái: Hoàng Lê nhất thống chí)

Trên thực tế, để đánh bại quân Thanh, quân Tây Sơn không chỉ có tinh thần chiến đấu tuyệt vời dưới sự chỉ huy tài tình của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, mà còn nghiên cứu kỹ các binh khí của địch để vô hiệu chúng và cải tiến các binh khí để phát huy tối đa hỏa lực của mình. Để đối phó với đại bác và tên nỏ của quân Thanh, vua Quang Trung đã dùng 60 tấm ván, ghép liền ba tấm làm một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức. Đây chính là những bức tường chắn di động. Vua Quang Trung lại chọn một đội xung kích gồm các chiến sĩ cảm tử khỏe mạnh, cứ 10 người khênh một bức, lưng giắt dao ngắn. Hai mươi người khác đều cầm binh khí theo sau. Các bức tường chắn đã vô hiệu hóa đạn đại bác và cung tên của quân Thanh, tạo điều kiện cho các dũng sĩ cảm tử xông vào đánh giáp lá cà giết giặc.

Quân Thanh còn rất bất ngờ, hết sức lúng túng khi thấy hỏa lực của quân Tây Sơn rất mạnh. Quân Tây Sơn đã cải tiến, đưa súng “hỏa hổ” lên mình voi, tạo thành các cỗ đại bác di động. Đội kỵ binh thiện chiến của Tôn Sĩ Nghị đã nhanh chóng tan rã trước đội voi chiến có mang theo “hỏa hổ” của quân Tây Sơn./.