TCCSĐT - Chiều 19-6, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII họp phiên toàn thể cuối cùng tại hội trường, biểu quyết thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Trước khi diễn ra phiên bế mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã nghe và biểu quyết thông Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Với 86,82% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, Nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp lần này. Theo đó, Nghị quyết có tất cả 10 điều và gồm nhiều khoản, mục, trong đó có một số nội dung rất đáng quan tâm như:

Tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư tại Việt Nam trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (Điều 3): Dự án, công trình đầu tư tại Việt Nam được công nhận là dự án, công trình quan trọng quốc gia phải có một trong các tiêu chí sau: 1- Tổng vốn đầu tư từ ba mươi lăm nghìn (35.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên, trong đó có vốn nhà nước từ một một nghìn(11.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên; 2- Có ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (ví dụ, nhà máy điện hạt nhân); 3- Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ năm trăm héc-ta(500 ha) trở lên; 4- Phải di dân tái định cư từ hai mươi (20.000) nghìn người trở lên ở miền núi, từ năm mươi nghìn (50.000) người trở lên ở các vùng khác; 5- Đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia; 6- Đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh; 7- Đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Tiêu chí về các dự án, công trình quan trọng quốc gia đầu tư ra nước ngoài trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (Điều 4): Dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài được công nhận là dự án, công trình quan trọng quốc gia phải có một trong các tiêu chí sau: 1- Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ hai mươi nghìn (20.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên, trong đó vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài từ bảy nghìn (7.000) tỉ đồng Việt Nam trở lên; 2- Đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.

Giám sát việc thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia: Nội dung này thuộc Điều 9, với những quy định cụ thể như sau: 1- Hằng năm hoặc khi Quốc hội có yêu cầu, Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia để Quốc hội thực hiện quyền giám sát; 2- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Trong thời gian diễn ra phiên bế mạc, Quốc hội cũng đã nghe và biểu quyết thông hai nghị quyết khác: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 (với 87,22% số đại biểu có mặt tán thành) và Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học (với 87,02% số đại biểu có mặt tán thành).

Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 gồm 4 điều, trong đó Điều 3 quy định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 như sau: Về chương trình chính thức, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XII, thông qua 5 dự án luật; tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIII, thông qua 1 dự án nghị quyết (Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012); cho ý kiến 2 dự án luật; tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII, thông qua 8 dự án, trong đó có 7 dự án luật, 1 dự án nghị quyết (Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII); cho ý kiến 9 dự án luật và bộ luật. Về chương trình chính thức, Quốc hội sẽ chuẩn bị 14 dự án, trong đó có 13 dự án luật và bộ luật, 1 dự án nghị quyết (Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992).

Ngoài ra, Điều 4 của Nghị quyết cũng có một số nội dung rất đáng lưu ý như: 1- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chương trình được thông qua; bảo đảm tính ổn định của Chương trình, chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết và phải xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi điều chỉnh Chương trình. 2- Chính phủ cần sớm phân công cơ quan soạn thảo các dự án mới được đưa vào Chương trình, củng cố các Ban soạn thảo đã được thành lập; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện Chương trình; kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. 3- Cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án; bảo đảm dự án được chuẩn bị kỹ về nội dung và kỹ thuật văn bản, hạn chế tối đa những quy định chung chung; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi dự án và các tài liệu liên quan đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; tham gia chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh...

Nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học gồm 3 điều, trong đó, Điều 1 có những nội dung mang tính chất đánh giá, nhận định rất sát thực như: Tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học từ năm 1998 đến năm 2009, Quốc hội nhận thấy: Từ chủ trương đúng đắn của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ; sự nỗ lực của ngành giáo dục cùng với sự tận tụy, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên; tinh thần hiếu học của các thế hệ học sinh, sinh viên và truyền thống chăm lo cho giáo dục của nhân dân, giáo dục đại học nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, các trường công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực; công tác xã hội hoá giáo dục đại học tăng nhanh; ngân sách đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng và phát huy hiệu quả...

Tuy nhiên, việc thành lập trường, mở ngành, mở rộng quy mô đào tạo trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Ngân sách nhà nước và nguồn thu từ học phí chưa bảo đảm được yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; cơ chế, chính sách về xã hội hoá chậm được bổ sung, đổi mới, ảnh hưởng đến khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học; phương thức đầu tư, phân bổ kinh phí còn bất cập; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu; suất đầu tư cho sinh viên còn thấp; chất lượng đầu vào chưa cao; nội dung, phương pháp đào tạo và công tác quản lý giáo dục đại học chậm được đổi mới...

Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục tổ chức phân tích, đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập nêu trên để rút kinh nghiệm, kịp thời có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đại học nước nhà.

Điều 2 của Nghị quyết nêu rõ, để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học và nâng cao chất lượng đào tạo, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Giáo dục đại học trong năm 2011; sớm sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về thành lập trường, đầu tư, bảo đảm chất lượng và các vấn đề khác đối với giáo dục đại học.

- Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới và ban hành Điều lệ các cơ sở giáo dục đại học theo Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2010-2020 và các tiêu chí, điều kiện thành lập trường phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, suất đầu tư cho sinh viên; tăng cường công tác dự báo để xác định các mục tiêu, quy mô và cơ cấu giáo dục đại học sát với thực tế, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Ban hành các tiêu chí xác định cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý” để áp dụng chính sách, chế đội ưu tiên phù hợp đối với từng loại trường này và có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện thương mại hoá giáo dục.

- Rà soát, xây dựng lại các tiêu chí hợp lý làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường và phù hợp với nhu cầu nhân lực của xã hội. Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học nếu các điều kiện bảo đảm chất lượng của trường không tốt hơn năm trước.

- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính và cơ chế quản lý đối với hoạt động khoa học và công nghệ ở các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo, đặc biệt là đào tạo tiến sĩ, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học tăng cường hoạt động và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 35/2009/QH12 ngày 19-6-2009 của Quốc hội.

- Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quản lý giáo dục đại học; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong quản lý các cơ sở giáo dục đại học, tiến tới xoá bỏ cơ chế cơ quản chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học; Bộ Giáo dục và Đào tạo làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình...

*** Cũng trong chiều 19-6, trước khi diễn ra phiên bế mạc Kỳ họp, Quốc hội đã nghe và tiến hành biểu quyết đối với dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị quyết gồm 4 điều, trong đó Điều 1 có 2 phương án. Các đại biểu Quốc hội đã tiến hành biểu quyết 3 lần: 2 lần đối với phương án 1 và phương án 2 của Điều 1, và 1 lần đối với Điều 2. Kết quả, phương án 1 của Điều 1 có 42,39% số đại biểu có mặt tán thành; phương án 2 của Điều 1 có 37,53% số đại biểu có mặt tán thành; và Điều 2 có 31,85% số đại biểu có mặt tán thành. Như vậy, Nghị quyết đã không được Quốc hội thông qua./.