Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc giải quyết vụ lao động Việt Nam đình công tại Gióoc-đa-ni, và đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam có các biện pháp nhanh chóng giải quyết vụ việc để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam.
 
Tại buổi họp báo ngày 20-3 vừa qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc giải quyết vụ lao động Việt Nam đình công tại Gióoc-đa-ni, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Dũng cho biết:

Từ giữa tháng 2-2008, hơn 200 lao động Việt Nam tại nhà máy may W&D Apparel (Công ty Hoa Sơn) tại Gióoc-đa-ni đã đình công do không đồng ý về cách tính lương của chủ nhà máy. Sau khi người lao động đình công, nhà máy đã tính lại lương nhưng chỉ có 85 công nhân chấp nhận và trở lại làm việc, 176 người còn lại không chấp nhận cách tính mới và tiếp tục đình công. Những người tiếp tục đình công đã ngăn cản những công nhân đi làm trở lại, do đó đã xảy ra mâu thuẫn giữa hai nhóm này và ngày 19-2-2008, cảnh sát Gióoc-đa-ni đã phải can thiệp.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến sự việc này và đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Việt Nam có các biện pháp nhanh chóng giải quyết vụ việc để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đình công, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cử Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập sang Gióoc-đa-ni làm việc với các cơ quan hữu quan của Gióoc-đa-ni và người lao động Việt Nam để nắm tình hình và xử lý vụ việc. Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cử đoàn công tác liên ngành sang Gióoc-đa-ni. Đoàn đã gặp gỡ các lao động Việt Nam, làm việc với các cơ quan hữu quan của Gióoc-đa-ni và ban lãnh đạo nhà máy đang sử dụng lao động Việt Nam để tìm hiểu tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người lao động và bàn biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, số người đăng ký trở lại đi làm vẫn còn rất thấp, sự việc trở nên phức tạp hơn do một số đối tượng chống Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của cái gọi là "Ủy ban Cứu trợ thuyền nhân" (Boat People SOS Committee) đã can thiệp, lôi kéo, kích động một số công nhân Việt Nam tiếp tục đình công với âm mưu chính trị hoá vụ việc, lợi dụng vụ việc để vu cáo, bôi nhọ chính sách của Nhà nước Việt Nam, phá hoại quan hệ giữa Việt Nam và Gióoc-đa-ni.

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan của Gióoc-đa-ni để giải quyết vụ việc theo đúng luật pháp Việt Nam và luật pháp của Gióoc-đa-ni, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam. Đối với những người có nguyện vọng tiếp tục ở lại làm việc tại Gióoc-đa-ni và được chủ nhà máy chấp nhận, Việt Nam sẽ đề nghị các cơ quan chức năng Gióoc-đa-ni và chủ nhà máy xem xét tạo điều kiện cho họ được tiếp tục ở lại làm việc. Đối với những người lao động có nguyện vọng không tiếp tục làm việc tại Gióoc-đa-ni, Việt Nam sẽ phối hợp với phía Gióoc-đa-ni sớm tổ chức đưa người lao động về nước, và trong trường hợp cần thiết Việt Nam sẽ cho máy bay sang Gióoc-đa-ni đưa những công nhân này về để thực hiện trách nhiệm bảo hộ công dân của Nhà nước Việt Nam.