Theo các nguồn tin chính thức ở Mi-an-ma ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Nargis đổ bộ vào thành phố Y-an-gun (Yangon) và tỉnh A-giê-gia-oát-đi (Ayeyawaddy) của nước này hồi cuối tuần qua đã làm 22.980 người chết và và mất tích. Trước thảm họa này, ngày 5-5, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt cam kết các khoản viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân của cơn bão.

Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Xu-rin Pít-xu-van (Surin Pitsuwan) đã kêu gọi tất cả các nước thành viên giúp đỡ khẩn cấp cho Mi-an-ma.

Theo thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5-5, EC đã quyết định viện trợ khẩn cấp 2 triệu ơ-rô (3 triệu USD) cho các nạn nhân của cơn bão. Khoản viện trợ này do Ủy ban cứu trợ nhân đạo (ECHO) quản lý và được huy động khẩn cấp nhằm cung cấp các nhu yếu phẩm để duy trì sự sống cho hàng trăm nghìn người dân Mi-an-ma đang trong tình trạng không có lương thực, nước uống và hoàn toàn tuyệt vọng. Cùng ngày, Chính phủ Na Uy tuyên bố sẵn sàng viện trợ khẩn cấp 1,96 triệu USD cho Mi-an-ma song sẽ không chuyển trực tiếp cho chính quyền quân sự nước này mà chuyển qua Liên hợp quốc hoặc Hội Chữ thập Đỏ quốc tế. Ca-na-đã thông báo sẽ viện trợ khoảng 2 triệu đô-la.

Tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tôm Cây-xi (Tom Casey) cho biết Oa-sinh-tơn sẽ viện trợ ban đầu 250.000 USD cho Mi-an-ma thông qua Đại sứ quán Mỹ tại Y-an-gun và sẽ tiếp tục xem xét giúp đỡ thêm.

Chính phủ các nước Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Ô-trây-li-a, Nhật Bản... cũng cam kết viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bão Nagris ở Mi-an-ma.

Ngày 6-5 Quân đội Thái Lan đã vận chuyển hàng cứu trợ bằng đường hàng không đến Y-a-gun, một trong những nơi bị cơn bão tàn phá nặng nề nhất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã cam kết viện trợ nhân đạo khẩn cấp để giúp Mi-an-ma khắc phục hậu quả của cơn bão Na-git. Ông Ban Ki Moon cũng cho biết, ông đã thành lập một cơ quan đánh giá thảm họa trực thuộc Liên hợp quốc và đơn vị này sẵn sàng lên đường sang Mi-an-ma. Người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), bà Vê-rô-ních Ta-vê-au (Veronique Taveau) nói, UNICEF hiện đang có 5 đội công tác đánh giá tình hình tại các khu vực bị ảnh hưởng của bão Nagris ở Mi-an-ma. Theo bà Ta-vê-au, UNICEF đang hợp tác cùng cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc và Hội Chữ thập Đỏ Mi-an-ma trong công tác khắc phục hậu quả bão Nagris.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ khẩn cấp bổ sung các loại nhu yếu phẩm như chăn màn, túi nhựa, thùng đựng nước xách tay,... với tổng trị giá 36 triệu yên (khoảng 350.000 USD) cho các nạn nhân của cơn bão Na-git. Trước đó, ngày 5-5, Nhật Bản cũng đã quyết định cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 28 triệu yên (khoảng 270.000 USD) cho các nạn nhân.

Cùng với cộng đồng quốc tế, chia sẻ với nhân dân Mi-an-ma chịu tổn thất nặng nề của bão Na-git, ngày 6-5, Chính phủ Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi đến Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Mi-an-ma. Cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng khẳng định, Việt Nam tin tưởng rằng nhân dân Mi-an-ma sẽ nhanh chóng khắc phục được hậu quả trận bão Na-git, và gia đình những người bị nạn sớm ổn định cuộc sống. Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những thiệt hại mà cơn bão Na-git đã gây ra tại Mi-an-ma ngày 2-5 vừa qua, ông Lê Dũng cho biết: "Chúng tôi hết sức xúc động được tin trận bão Na-git đã gây thiệt hại rất to lớn cho Mi-an-ma, làm hàng nghìn chục người chết và mất tích, hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa". "Chúng tôi xin gửi đến Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Mi-an-ma và gia đình những người bị nạn lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc". Cùng với nỗ lực cứu trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam cũng quyết định viện trợ khẩn cấp cho Mi-an-ma 20.000 USD.

Theo đánh giá sơ bộ của Hiệp Hội Chữ thập đỏ quốc tế, do ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Na-git, rạng sáng 4-5 lốc xoáy đã hoành hành dữ dội trên diện rộng tại Mi-an-ma, phá sập nhiều nhà cao tầng, nhấn chìm tàu thuyền, làm sập mạng lưới điện và điện thoại tại nhiều thành phố lớn của Mi-an-ma. Thành phố Y-an-gun và tỉnh A-giê-gia-oát-đi là hai nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa này. Chỉ tính riêng thị trấn Bô-ga-lay (Bogalay) của tỉnh A-giê-gia-oát-đi, số người thiệt mạng ước tính lên tới 10.000 người. Còn thị trấn La-pút-ta (Laputta) cũng thuộc tỉnh này, cơn bão đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 1.000 người.

Hiện tại, các nhân viên Chữ thập Đỏ tại Mi-an-ma đang khẩn cấp thực hiện công việc phân phối hàng cứu trợ thiết yếu như lều, thuốc men, nước uống, lương thực, chăn màn và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho người dân... Các cơ quan cứu trợ cho rằng, có thể sẽ mất nhiều ngày để có thể xác định được tổng thiệt hại mà cơn bão đã gây ra tại Mi-an-ma./.