Vào những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm này, cả nước đang sôi động với những hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Đặc biệt, nhiều nơi tiếp tục dấy lên những phong trào hướng về Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam thân yêu nơi đầu sóng ngọn gió giữa Biển Đông.

Bộ Quốc phòng đã chủ trì tổ chức một đoàn công tác đặc biệt với sự tham gia của một số bộ, ban, ngành, đoàn thể ra thăm, tặng quà cho quân, dân huyện đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK, tổ chức mít-tinh trọng thể kỷ niệm 33 năm giải phóng quần đảo Trường Sa; đồng thời, kiểm tra, đánh giá toàn diện các mặt công tác của bộ đội đang ứng trực, làm nhiệm vụ trên quần đảo. Các thành viên tham gia đoàn công tác, với chức năng của ngành mình, tổ chức khảo sát, nghiên cứu phục vụ dự án phát triển biển đảo và tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” nhằm thực hiện mục tiêu đặt ra là: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh”. Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã cử cán bộ tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Quốc phòng để nắm bắt thực tiễn, góp phần làm tốt công tác nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo.

Ngày 29-4-1975 lịch sử, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Quân ủy và bộ Quốc phòng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, mưu trí sáng tạo, táo bạo, bất ngờ phối hợp cùng lực lượng Quân khu V tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, giành chủ quyền quản lý. Hiện nay, mặc dù còn đang tiếp tục khắc phục rất nhiều khó khăn, nhưng 33 năm qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn đoàn kết một lòng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng các đảo và điểm đảo thành một khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh, từng bước phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội. Đời sống của cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo được cải thiện, đã làm khoảng cách xa xôi về địa lý với đất liền giảm đi phần nào.

Trước tình hình biển đảo vẫn đang có những diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch và cơ hội nước ngoài luôn có âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, dân tộc khu vực Đông Nam Á, nhất là vùng biển, đảo để gây ảnh hưởng và dàn xếp lợi ích giữa các nước lớn, khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng vì thế mà luôn nằm trong “vùng nhạy cảm”, cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Các lực lượng làm nhiệm vụ giữ đảo đã hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ, tăng cường huấn luyện, bằng nhiều biện pháp tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của các đảo, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mọi tình huống; đồng thời giữ vững sự ổn định hòa bình trong khu vực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huyện đảo Trường Sa và ba đơn vị đảo là Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ giữ đảo đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong thời gian hơn mười ngày hành trình trên biển Đông, Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại 7 trong số 31 đảo, điểm đảo Việt Nam đang chốt giữ và một số điểm nhà giàn khu vực DK trên quần đảo Trường Sa. Ngoài những món quà thiết thực phục vụ đời sống sinh hoạt cho quân dân trên đảo, đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên và đem đến những tình cảm thân thiết của đất liền đối với những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng đất, vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Trên đường hành quân, đoàn công tác đã neo tàu tại các điểm đảo Cô-lin, Len-đao, Gạc-ma và khu vực nhà giàn để làm lễ kéo còi, đọc chúc văn, thả hương hoa, phẩm vật trên biển, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã quả cảm hy sinh, hóa thân vào biển cả để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988.

Tại buổi lễ kỷ niệm 33 năm giải phóng Trường Sa, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện đảo Trường Sa đã nhấn mạnh ý nghĩa to lớn việc giải phóng quần đảo Trường Sa trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Việc giải phóng làm chủ vùng biển đảo trước đây và hiện nay còn có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ toàn vẹn, vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nó chứng minh hùng hồn cho sự lớn mạnh của Hải quân Việt Nam về khả năng tổ chức hiệp đồng tác chiến, ý thức tự lực, tự cường quyết thắng và độc lập tác chiến trên biển đảo xa bờ của các lực lượng trong quân chủng, tiếp tục làm phong phú truyền thống anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên các điểm đảo và nhà giàn DK, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh được đặt ở vị trí trọng tâm nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản và Báo Nhân Dân đã được chuyển đều trên các chuyến tàu ra đảo và được các cấp ủy trên các đảo coi là một trong những cẩm nang quan trọng nhất, bên cạnh những sản phẩm báo chí khác, trong sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần trên đảo. Vì vậy, công tác tuyên truyền về biển đảo và cung cấp đều các sản phẩm báo chí đến các điểm đảo cần tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí trong thời gian tới./.