Thủ tướng: Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, sai trái
TCCSĐT - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu công tác thông tin đối ngoại cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản và các phương án, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái...
Ngày 07-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018. Cùng tham dự lễ trao giải có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản cùng các tác giả đạt giải.
Phát biểu tại lễ trao giải, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận giải thưởng năm 2018 có số lượng, chất lượng cao hơn, tốt hơn. Đáng chú ý là trong số người đạt giải, nữ nhiều hơn nam, trẻ nhiều hơn già.
Thủ tướng nhấn mạnh thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác thông tin truyền thông, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Hoạt động thông tin đối ngoại góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. “Việt Nam không chỉ là đất nước hòa bình, ổn định, năng động, đổi mới và phát triển nhanh, bền vững mà còn là điểm đến tươi đẹp, an toàn, thân thiện về đầu tư, thương mại và du lịch”, Thủ tướng nói.
Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại
Để công tác thông tin đối ngoại ngày càng thiết thực hơn, đóng góp quan trọng hơn, Thủ tướng đề nghị các cơ quan và những người làm thông tin đối ngoại cả nước tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại… Không ngừng đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trước yêu cầu mới của đất nước ta.
Thứ hai, chủ động tăng cường gắn kết giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tích cực về tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, của nhân dân thế giới, để huy động nguồn lực phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; xây dựng các kịch bản và các phương án định hướng thông tin tuyên truyền ở từng cấp độ, chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động; bảo đảm giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam.
Thứ tư, đa dạng hóa các phương thức truyền thông, tăng cường sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, phát huy hiệu quả của hệ thống cơ quan đại diện, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế về thông tin đối ngoại, tranh thủ các đối tác thông tấn, báo chí lớn, các kênh truyền thông uy tín trên thế giới. Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại có sức lan tỏa, bao phủ rộng, thông tin trực tuyến, mạng xã hội, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Như các đồng chí đã biết, một Tổ quốc hùng cường, nhân dân no ấm, đất nước đoàn kết một lòng, dân chủ xã hội được phát huy rộng rãi không chỉ ở trong nước thấy được mà mọi tầng lớp nhân dân, cả bạn bè quốc tế đều biết mới có một sức mạnh tổng hợp trong phát triển đất nước”, Thủ tướng nói. Muốn vậy, ngoài các bài viết, hình ảnh sinh động, phương thức thông tin truyền thông rất quan trọng trong một thế giới đa cực như hiện nay.
Thứ năm, chú trọng đổi mới tư duy trong công tác thông tin đối ngoại. Sản phẩm thông tin đối ngoại phải thực sự có ý tưởng, sự sáng tạo, đổi mới, tập trung vào các vấn đề lớn của đất nước để có những cách thức, những phương tiện phù hợp, thích hợp với từng đối tượng cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin đối ngoại. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong công tác thông tin đối ngoại.
Thứ sáu, cần phát huy tính chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của lực lượng nòng cốt, quan trọng nhất trong công tác thông tin đối ngoại ở các cơ quan báo chí truyền thông, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, nhà nghiên cứu. “Tôi đề nghị các cơ quan đối ngoại, quản lý báo chí cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả các hoạt động thông tin đối ngoại; tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, xuất bản được tác nghiệp trong các sự kiện chính trị - đối ngoại lớn của đất nước, để tạo ra nhiều sản phẩm thông tin đối ngoại có chất lượng cao, kể cả việc cử phóng viên tháp tùng lãnh đạo trong các đợt, các chuyến đi công tác nước ngoài để có thông tin”, Thủ tướng nói.
Theo Ban Tổ chức, Giải thưởng năm 2018 có khoảng 1.000 tác phẩm tham gia ở 8 loại hình báo chí với 13 ngôn ngữ. Các tác giả, nhóm tác giả đến từ hơn 130 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và 12 nhà xuất bản trên toàn quốc...
Đặc biệt, Giải thưởng thu hút sự tham gia của gần 30 tác giả, nhóm tác giả là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài như Yuri A.Denisovich, phóng viên thường trú Hãng thông tấn TASS (Nga) tại Việt Nam; Youngkyu Min, phóng viên Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc); Sh. Batbold - D. Sainbayar, phóng viên thường trú Hãng thông tấn Mông Cổ tại Việt Nam; nhà báo Mariela Valenzuela Pérez, Alberto Salazar (Cuba); Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma...
Trách nhiệm của Việt Nam ở diễn đàn quốc tế
Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại (năm 2018) do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tổ chức, nhằm tiếp tục ghi nhận và tôn vinh những tác giả, tác phẩm báo chí và sách xuất sắc trong lĩnh vực thông tin đối ngoại.
Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm dự thi có chất lượng chuyên môn cao, chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, đề cập tới mọi vấn đề của công tác thông tin đối ngoại, bảo đảm tính thời sự, kịp thời truyền tải đến bạn đọc trong nước và quốc tế những thông tin về các sự kiện chính trị, đối ngoại lớn của đất nước, các hoạt động hợp tác quốc tế nổi bật năm 2018; hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, mến khách…
Cụ thể, các tác phẩm đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đóng góp tích cực vào thành công của các đợt thông tin tuyên truyền phục vụ các hoạt động đối ngoại lớn trong năm 2018 như Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6, Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018)…
Nhiều tác phẩm thể được đầu tư kỹ lưỡng, có hình thức thể hiện sáng tạo, ứng dụng công nghệ báo chí điện tử tiên tiến, tích hợp đa phương tiện. Một số bài viết, bài nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí uy tín của nước ngoài, góp phần quan trọng để bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ hơn quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Một trong những điểm nổi bật của mùa giải năm nay là sự tham gia tích cực của các tác giả, nhóm tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó nhiều tác giả là phóng viên lâu năm, có kinh nghiệm, uy tín trong giới báo chí nước ngoài…
Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 90 tác phẩm xuất sắc để vinh danh, gồm 8 giải Nhất, 17 giải Nhì, 25 giải Ba và 40 giải Khuyến khích./.
Đại biểu Quốc hội chỉ ra nguyên nhân nhiều vụ án tham nhũng bị kéo dài  (07/06/2019)
Nỗ lực thực thi cam kết liên quan đến lao động trong CPTPP  (07/06/2019)
Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở vững mạnh - khâu đột phá thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Công đoàn Việt Nam  (07/06/2019)
Ngôi vị thứ 3 trong top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030  (07/06/2019)
Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững  (07/06/2019)
Diễn đàn Doanh nghiệp Italia - ASEAN  (06/06/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên