TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ngay sau bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đây là nội dung quan trọng của kỳ họp, được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trong quá trình chất vấn đã có 47 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 11 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận.

Câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề như: Công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý; công tác đấu tranh phòng chống, tội phạm liên quan tới hoạt động tín dụng “đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; hoạt động của các tổ chức đường dây mang thai hộ xuyên quốc gia; tình trạng xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em; công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông, nhất là đối tượng tham gia giao thông sử dụng rượu bia vượt quá mức quy định, sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng; việc xử lý gian lận điểm thi tại một số địa phương…

Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình, làm rõ những vấn đề liên quan.

Trả lời đại biểu về giải pháp của Chính phủ liên quan đến tình trạng gian lận thi cử, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, ngay khi xảy ra cái vụ việc gian lận thi cử, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo yêu cầu lực lượng Công an khẩn trương kiểm tra, xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải khởi tố xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh để xử lý tiêu cực, gian lận trong sai phạm kỳ thi phổ thông trung học vừa qua năm 2018.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi phổ thông quốc gia năm 2019 là đảm bảo trung thực, khách quan và tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh cả nước; đã đề ra một số giải pháp về việc thi cử và đảm bảo khách quan, trung thực. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng, giải pháp đầu tiên là ý thức trách nhiệm của chung của xã hội, của mỗi công dân, của phụ huynh học sinh, những cán bộ, công chức nhà nước làm việc trong lĩnh vực giáo dục- đào tạo, trách nhiệm của thầy, cô giáo... Thứ hai, là trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, đạo đức công vụ, trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước và điều hành công việc. Thứ ba, là củng cố quy chế thi cử chặt chẽ và phối hợp các bộ, ngành, các cơ quan chức năng để đảm bảo tổ chức thi cử khách quan, nghiêm minh, công khai, minh bạch, có sự kiểm soát của các cơ quan giám sát và của cộng đồng xã hội.

Trả lời chất vấn về tình hình tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị và người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông, gây ra tai nạn giao thông, gây ra những cái chết đau thương, gây ra gánh nặng cho gia đình, xã hội và chính bản thân mình. "Chúng ta có nhiều quy định pháp luật để xử lý việc này. Chính phủ đã ban hành Nghị định 46 để xử phạt với những trường hợp này. Tới đây sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông; có chế tài nặng đối với cơ quan, tổ chức, kinh doanh xe, với cơ sở đào tạo, cơ sở kiểm định… có vi phạm", Phó Thủ tướng cho biết.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất về an ninh, trật tự, an toàn xã hội,
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, trách nhiệm chung của các Bộ, ngành. Đây là lần đầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn trước Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kinh nghiệm trong công tác điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới; được cử tri, xã hội và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Thời gian qua, với sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương, sự nỗ lực của ngành Công an, công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, cũng còn không ít tồn tại, hạn chế: xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm; vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.

Vì vậy, thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung vào một số vấn đề sau đây:

- Tổng kết, rà soát một cách tổng thể và đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy; quy định về tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, “xã hội đen”, đánh bạc qua mạng, tội phạm liên quan đến buôn bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mang thai hộ, bảo đảm trật tự giao thông;

- Phối hợp các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm;

- Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, như: Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không có tội phạm, hạn chế người nghiện ma túy; Chương trình Quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2020; Chương trình Quốc gia về phòng, chống tội phạm; Chương trình Quốc gia phòng, chống mua bán người; Tổ chức trấn áp, xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, xã hội đen, hoạt động bảo kê và phối hợp với ngân hàng để đa dạng các hình thức cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen; chủ động ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm xã hội đen, đặc biệt là băng nhóm xã hội đen hoạt động có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao, can thiệp vào hoạt động của cơ quan công quyền.

- Kiên quyết xử lý nghiêm, loại trừ ra khỏi lực lượng công an những cán bộ bị suy thoái, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm;

- Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xử lý dứt điểm những vụ việc liên quan đến: các vụ án gian lận trong thi cử, vụ phân bón Thuận Phong, vụ xâm hại trẻ em ở Thủ Đức và đề nghị Ủy ban Tư pháp cùng làm việc với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an để giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn./.