TCCSĐT - Ngày 23-4-2019, các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã dẫn đầu đoàn đại biểu các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến làm việc tại các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Đồng Nai.
Tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với thành phố Hà Nội và 12 địa phương. Cùng dự buổi làm việc có các Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các thành viên trong Tiểu ban cùng tham dự.

 
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương báo cáo về những nét nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình, đặc biệt là việc ứng dụng những mô hình phát triển mới, hiệu quả cao vào thực tế sản xuất. Cùng với đó là làm rõ những nút thắt, điểm nghẽn và các tồn tại, hạn chế trong phát triển. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nêu ý kiến đề xuất, góp ý để tạo cơ chế thuận lợi và bứt phá cho địa phương tăng trưởng cao hơn, nhanh hơn trong thời gian tới.

Riêng đối với Hà Nội, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo thành phố cần có phương hướng phát huy vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - thương mại - văn hóa của Thủ đô; việc triển khai liên kết vùng để tạo không gian phát triển rộng lớn và hiệu quả hơn. Thủ tướng nhấn mạnh kết quả buổi làm việc sẽ góp phần là cơ sở quan trọng để Tiểu ban xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) trình Trung ương xem xét, quyết định.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại hội nghị, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của 13 địa phương - những địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước với nhiều mô hình tốt về phát triển kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao. Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, đa dạng và thẳng thắn của các địa phương tại buổi làm việc; cho rằng đây là những báo cáo mang ý nghĩa tổng kết cao, chuẩn bị nghiêm túc, công phu; là các tư liệu tốt để Tiểu ban tập hợp, báo cáo Trung ương.

Thủ tướng đánh giá việc triển khai Chiến lược kinh tế - xã hội của 13 tỉnh đạt kết quả tốt, khá toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, tăng trưởng cao và cơ bản đạt mục tiêu đề ra, nhiều tỉnh vượt chỉ tiêu Đảng bộ địa phương đề ra; cơ sở hạ tầng được cải cách mạnh mẽ. Trong phát triển kinh tế, các tỉnh đều quan tâm đến vấn đề chăm sóc gia đình chính sách, phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; chú ý bảo vệ môi trường và bảo trợ xã hội.

Thủ tướng nhìn nhận, chính sách phát triển của các địa phương cũng đã phù hợp hơn với kinh tế thị trường; xã hội hóa nguồn lực mạnh mẽ trong phát triển; bộ mặt nông thôn, miền núi, đô thị đổi thay nhiều so với 10 năm trước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập của các địa phương này như: Việc thực thi pháp luật còn chồng chéo, bộ máy còn nhiều bất cập, một số chủ trương, chính sách còn phải được giải quyết. Việc cải cách, phân cấp, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm còn nhiều tồn tại.

Nhấn mạnh đến mục tiêu chính là phát triển con người, Thủ tướng đề cao trách nhiệm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, tiếp tục phát triển 3 trụ cột, lấy con người làm trung tâm. Xây dựng nông thôn kiểu mẫu bởi đa số người dân Việt Nam sinh sống ở vùng nông thôn. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo việc xây dựng các chỉ tiêu phấn đấu cần thực chất hơn, tránh hình thức; đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển đồng đều cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, liên kết trong phát triển; chú trọng hơn nữa đến thu hút nhân tài.

Về một số vướng mắc cụ thể của các địa phương, Thủ tướng cho rằng xuất phát từ những nguyên nhân như thể chế chính sách, sự quan liêu của bộ máy quản lý Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương.... Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các địa phương phải đổi mới phong cách làm việc, cải cách thủ tục hành chính, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, tránh dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại, phát triển địa phương mình đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Tại Hòa Bình, Đoàn công tác Tiểu ban Điều lệ Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã tới làm việc về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.

 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, công tác xây dựng Đảng của tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2015-2020 nổi bật là việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của sáu cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy. Kết quả đã giảm được 12 đơn vị trực thuộc (từ 31 xuống còn 19) và 25 cán bộ lãnh đạo quản lý (từ 64 xuống còn 39, trong đó cấp trưởng 12, cấp phó 13). Sắp xếp các đầu mối thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và đoàn thể chính trị, xã hội giảm 17 đầu mối (từ 46 xuống còn 29); tính đến ngày 31-12-2018, đã có 20 sở, ban, ngành xây dựng đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong...

Trong sắp xếp tổ chức chính quyền cơ sở và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh thực hiện sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố đã giảm được 446 thôn, xóm, tổ dân phố (từ 2.059 xuống còn 1.953), giảm 39 tỷ đồng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, kinh phí hỗ trợ hoạt động các tổ chức đoàn thể trong một năm.

Thực hiện thí điểm ở cấp tỉnh, huyện, từ ngày 01-8-2018, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; cấp huyện 8/11 đơn vị đã thực hiện xong; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã có 10/11 huyện, thành phố đã thực hiện xong; 7/11 Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân... Ở cấp xã, 140/210 Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân...

Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, trao đổi các vấn đề cho thấy, tỉnh Hòa Bình đã chuẩn bị nghiêm túc báo cáo, đáp ứng yêu cầu đề ra, mang lại nhiều kết quả nổi bật. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6, tỉnh Hòa Bình có quyết tâm cao, sắp xếp các cơ quan, tổ chức chính trị, chính quyền các cấp; mạnh dạn thí điểm mở rộng mang tính toàn diện như: Trưởng ban Dân vận đồng thời là Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Bí thư cấp ủy là Chủ tịch Hội đồng nhân dân; tinh giản biên chế tốt... Hòa Bình là tỉnh làm đồng bộ, bài bản, toàn diện, tích cực, từ công tác chính trị đến các công tác khác, kết quả đến nay đạt hơn 50%, phấn đấu đến năm 2021 sẽ đạt kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung công tác xây dựng Đảng và nêu bật được những kinh nghiệm: Xây dựng tư tưởng, chính trị, đạo đức là yêu cầu quan trọng cấp thiết để Đảng lãnh đạo cầm quyền, thông qua đó củng cố quan hệ mật thiết với nhân dân, qua đó để Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đồng thời, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Cương lĩnh đường lối, chiến lược là cách thức của Đảng từ đó để thể chế thông qua tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thông qua công tác tổ chức, công tác kiểm tra, giám sát và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Tại Đồng Nai, Đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu và Đoàn Tiểu ban Điều lệ Đại hội XIII của Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương dẫn đầu đã làm việc với Tỉnh ủy Đồng Nai.

 
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đồng Nai, qua đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X (nhiệm kỳ 2015-2020), nền kinh tế Đồng Nai tiếp tục phát triển ở tất cả các lĩnh vực; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, khuyến khích khởi nghiệp đã mang lại kết quả quan trọng đối với sự phát triển kinh tế theo đúng định hướng nghị quyết. Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 2015-2018 đạt 8,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 4.491 USD, cao hơn 1,7 lần so với mức bình quân đầu người của cả nước..

Từ tăng trưởng kinh tế cao, Đồng Nai có sự phát triển mới về chất, thúc đẩy quá trình tích lũy đầu tư và phát triển kinh tế, tăng mức tiêu dùng xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, với việc hình thành các khu công nghiệp, ngành công nghiệp của Đồng Nai đã có bước phát triển đột phá, thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực công nghiệp và dịch vụ gia tăng nhanh đã tác động lan tỏa, thúc đẩy đến phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác xây dựng Đảng trên địa bàn Đồng Nai những năm qua cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận và xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng và tăng cường. Tổ chức, bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội được sắp xếp, kiện toàn theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được những kết quả nhất định trong việc ngăn chặn và xử lý tham nhũng. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng được nâng lên.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình biểu dương và ghi nhận những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân dân tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua và xem mô hình phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai là điển hình của cả nước. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị Đồng Nai cần tập trung đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại; chuyển đổi mạnh mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, bền vững trong giai đoạn mới.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Văn Nên lưu ý Tỉnh ủy Đồng Nai làm rõ thêm về kết quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kết quả về thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 gắn với học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; khuyến khích và bảo vệ tổ chức và cá nhân đấu tranh, tố cáo tham nhũng; kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên cũng đặt vấn đề có hay không tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có tinh thần năng động, sáng tạo nhưng lại ngại đổi mới, sợ đụng chạm, không dám làm…

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Tỉnh ủy Đồng Nai để tổng hợp, báo cáo Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đại hội XIII của Đảng./.