Năm 2009 đã đến.

Đây là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, cũng là năm thứ tư của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Đây còn là năm thứ chín thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm đầu thế kỷ mới, 2001 - 2010. Các Nghị quyết, Chiến lược và Kế hoạch ấy của Đảng đều nhằm vào một mục tiêu nhất quán là phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và đến năm 2020, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ba năm qua là thời gian vừa rất ngắn lại vừa rất dài. Ngắn vì trong một thời gian không nhiều, chúng ta đã phải khẩn trương tiến hành một khối lượng công việc đồ sộ do Đại hội X đề ra, nhất là những nhiệm vụ về kinh tế - xã hội. Dài vì trong thời gian tưởng chừng ngắn ngủi ấy, đất nước đã phải trải qua biết bao thách thức, phải vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, đặc biệt là trong năm 2008 vừa qua.

Năm 2006, với khí thế bừng bừng trước thành công của Đại hội X, cả nước xốc tới thực hiện thắng lợi ngay từ năm đầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP hơn 8,2%.

Năm 2007, trên con đường hội nhập quốc tế đang rộng mở, Việt Nam gia nhập WTO và được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Tranh thủ cơ hội được tạo ra cả bên trong và bên ngoài, chúng ta đã phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP xấp xỉ 8,5%, mức cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, đồng thời thực hiện đạt hoặc gần đạt nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm.

Năm 2008, niềm lạc quan trước những thành tựu đạt được trong hai năm 2006 và 2007 đã dẫn tới niềm lạc quan khi hoạch định kế hoạch kinh tế - xã hội của năm này. Mục tiêu đề ra là phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8,5% đến 9%, đồng thời hoàn thành nhiều chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề và điều kiện để hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2009 và năm 2010.

Tình hình khách quan đã không diễn ra như những gì chúng ta dự báo. Kinh tế nước ta tuy tăng trưởng cao nhưng không vững chắc, chất lượng tăng trưởng lại thấp. Bên ngoài, các cuộc khủng hoảng về năng lượng, lương thực và giá nguyên vật liệu tăng cao cũng tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế của ta.

Từ đầu quý II năm 2008, bằng một cuộc điều chỉnh kế hoạch dũng cảm và chính xác, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chuyển trọng tâm đột xuất cả năm, từ đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Và cũng bằng một cuộc phấn đấu quyết liệt, đầy quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, chúng ta đã từng bước tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện bốn mục tiêu ấy, rõ nhất là từ đầu quý III trở đi. Những thành tựu đạt được về mặt kinh tế - xã hội trong năm 2008 là đáng ghi nhận: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 19,9%, GDP tăng trưởng 6,23%, bội chi ngân sách nhà nước trên GDP bằng 4,95%, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,1%, tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người. Cùng với những thành tựu ấy, quốc phòng và an ninh tiếp tục được giữ vững; công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại được đẩy mạnh; vị thế đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Năm 2008, cũng như ba năm nói chung, mặc dù có rất nhiều khó khăn, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước vững mạnh, quản lý có hiệu lực và hiệu quả; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội đều có những tiến bộ mới. Công tác cải cách hành chính, tuy còn nhiều mặt tồn tại nhưng đã thực sự góp phần vào việc quản lý, điều hành có hiệu quả của Chính phủ đối với kinh tế - xã hội và các mặt hoạt động khác. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai rộng, đã nâng cao thêm nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội trong việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tham gia phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Năm 2009 vừa kế thừa những thành tựu đạt được trong năm 2008 và ba năm qua, vừa phải giải quyết được những nhiệm vụ nặng nề còn để lại. Bước vào năm mới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu chẳng những làm điêu đứng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế nước ta. Trong nước, thành tựu đạt được trong năm 2008 tuy đáng ghi nhận nhưng nhịp độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn mục tiêu kế hoạch đã điều chỉnh; chỉ số giá tiêu dùng tăng nhiều lần so với các năm trước và hiện còn ở mức khá cao; ổn định kinh tế vĩ mô chưa chắc chắn và còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa. Đời sống nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai gặp nhiều khó khăn; vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối quan tâm lớn của đông đảo nhân dân. Về mặt chính trị, các cuộc vận động xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị nói chung tuy có những tiến bộ đáng kể nhưng còn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Năm 2009 là năm áp chót của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, có trọng trách rất lớn trong việc tiếp tục chuẩn bị tiền đề và điều kiện để đến năm 2010, hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm, đưa nước ta vào hàng ngũ các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Về mặt kinh tế - xã hội, chúng ta vẫn kiên trì bốn mục tiêu như năm trước nhưng từ ưu tiên đối phó với lạm phát cao đã chuyển sang đương đầu với suy giảm tăng trưởng kinh tế. Các chỉ tiêu đề ra tuy không cao nhưng cũng đủ để đòi hỏi một sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thì mới có thể thực hiện được. Các chỉ tiêu đó là: GDP tăng khoảng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 15%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 39,5% GDP, bội chi ngân sách trên GDP bằng 4,82%; tỷ lệ hộ nghèo còn 12%, tạo việc làm cho khoảng 1,7 triệu người. Về mặt chính trị, những cuộc vận động về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là “làm theo” phải tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả thiết thực. Quốc phòng, an ninh và các hoạt động đối ngoại phải giành được nhiều thành tựu mới, góp phần vào việc nâng cao sức mạnh quốc gia và vị thế quốc tế của nước ta.

Đối với năm 2009, liệu cái nhìn của chúng ta có phải là cái nhìn lạc quan?

Câu trả lời thật giản đơn. Chủ nghĩa lạc quan cách mạng luôn là một động lực. Chỉ có điều, chủ nghĩa lạc quan cách mạng không xuất phát từ những mơ ước viển vông mà dựa trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, từ trong cơ hội nhận ra những thách thức để đề phòng và từ trong thách thức, tìm thấy khả năng vượt qua và triển vọng phát triển. Bài học của đổi mới trong nhiều năm qua cho thấy, trong mọi thời đoạn, cơ hội và thách thức luôn đan xen và tác động lẫn nhau, không phải “nhất thành bất biến” mà luôn chuyển hóa. Cơ hội không nắm bắt và phát huy được thì cơ hội sẽ qua đi, có khi trở thành thách thức. Thách thức mà biết vượt qua thì thách thức không còn là lực cản mà sẽ biến thành cơ hội để phát triển.

Những khó khăn và thách thức của ta trong năm 2008 vừa qua và cả trong năm 2009 đang tới là những khó khăn và thách thức nảy sinh từ chính bản thân nền kinh tế của nước ta, cũng bị tác động nặng nề bởi tình hình kinh tế thế giới khi mà nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu. Phương châm cơ bản của chúng ta vẫn là: Ra sức phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, coi nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là quan trọng kết hợp nội lực và ngoại lực thành sức mạnh tổng hợp để đưa đất nước tiến lên.

Với trí tuệ của Đảng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn dân, mùa xuân năm nay chắc chắn là mùa xuân của niềm tin vào thắng lợi./.