TCCSĐT - Ngày 19-01, Liên minh HTX Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Tham dự các hội nghị có đại diện Lãnh đạo Chính phủ.

*Chiều 19-01, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019; kỷ niệm 25 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX dự buổi lễ.

Bày tỏ ấn tượng với những kết quả hoạt động trong năm 2018 của Liên minh HTX, nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu Liên minh HTX bám sát Điều lệ để hoạt động. Trong đó, chú trọng làm tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên. Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể; xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực trong các lĩnh vực, các ngành, các khu vực và tổng kết, nhân diện rộng. Tuyên truyền, vận động phát triển tổ hợp tác, HTX và liên hiệp HTX.

Liên minh HTX thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ công hỗ trợ phát triển HTX, liên hiệp HTX được giao; tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về HTX, liên hiệp HTX; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự hình thành và phát triển của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX và các thành viên. Liên minh HTX Việt Nam đại diện cho các thành viên trong quan hệ hoạt động phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Liên minh HTX Việt Nam thực hiện tốt 12 nhiệm vụ được giao, phối hợp thực hiện và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX (xây dựng kế hoạch dài hạn, trung hạn và kế hoạch hàng năm) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; thực hiện các dịch vụ công, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các thành viên về pháp lý, đầu tư, khoa học - công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, kiểm toán, bảo hiểm, kiểm định chất lượng hàng hóa và các lĩnh vực khác. Đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động kinh tế vì mục tiêu phát triển hệ thống Liên minh HTX và hỗ trợ thành viên.

“Hoạt động kinh tế không phải nhằm vào mục tiêu lợi nhuận mà vì mục tiêu phát triển hệ thống Liên minh HTX và hỗ trợ thành viên”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên minh cần bám sát chức năng, nhiệm vụ để đánh giá, từ đó nêu rõ đã tác động đến việc phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX như thế nào, tránh tình trạng mà một số chuyên gia lo ngại là “hành chính hóa một số tổ chức có tính chất đại diện quyền lợi cho các tổ chức thành viên”. Trên cơ sở Nghị quyết 01 của Chính phủ, xây dựng kế hoạch hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý nhà nước về kinh tế tập thể HTX là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX được ủy thác một số nhiệm vụ về chức năng quản lý nhà nước, đặc biệt là kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, để khắc phục việc buông lỏng, không quan tâm chỉ đạo quyết liệt và gò ép, hành chính hóa, hình thức.

“Trước đây khi xem xét 1 xã được công nhận nông thôn mới hay không thì phải có mô hình kinh tế hợp tác có hiệu quả Theo tiêu chí xã nông thôn mới, dứt khoát phải có 1 HTX hoạt động có hiệu quả. Sắp tới phải rà soát kỹ có đúng là có một HTX hoạt động hiệu quả hay không, còn nếu lập ra hình thức để đối phó với tiêu chí này thì dứt khoát không công nhận”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng mong muốn Liên minh đề xuất cụ thể hóa quy chế hoạt động của HTX, quyền, trách nhiệm của thành viên, ban giám đốc, cơ cấu tổ chức HTX, tránh lỏng lẻo. Trên cơ sở đó, thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ để đánh giá kỹ. “Muốn hoạt động động hiệu quả thì không có cách nào khác là phải vừa tư vấn, vừa hỗ trợ, vừa đầu tư phát triển nhưng đảm bảo phát triển bền vững, tránh hình thức. Khắc phục hai chuyện, một là quan liêu không quan tâm, hai là hình thức, không có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị với trách nhiệm được giao, Liên minh HTX tổng kết đánh giá 15 năm phát triển kinh tế hợp tác, HTX theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX gắn với 25 năm tồn tại, phát triển của Liên minh, việc thực hiện Điều lệ, tôn chỉ, mục đích, chức năng trong việc phát triển kinh tế tập thể và HTX, kiến nghị với Đảng, Nhà nước tiếp tục định hướng, giải pháp phát triển khu vực cho xứng tầm nhiệm vụ, như một chủ thể quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Phó Thủ tướng mong muốn Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hệ thống đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản trị HTX. Gắn với đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động, đào tạo, hỗ trợ tư vấn, kiểm tra giám sát, kiểm toán, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức triển lãm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm…

** Ngày 19-01, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL).

Điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành VHTTDL trong năm 2018, Phó Thủ tướng đánh giá đây là kết quả của sự kế thừa, nỗ lực từ những năm trước, xác định đúng hướng, kiên trì thực hiện.

Trong nhiều mặt công tác được ngành VHTTDL đề ra cho năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tập trung, thống nhất một số mặt cụ thể để tạo bức tranh chung tốt hơn.

Nói về trách nhiệm của ngành văn hoá trong khắc phục tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, bên cạnh những việc đã và đang thực hiện từ các năm trước, Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2019 Bộ VHTTDL tập trung chỉ đạo 3 vấn đề.

Trước hết Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chặt chẽ, chi tiết, thiết thực để đẩy mạnh giáo dục văn hoá trong nhà trường. Nhấn mạnh vai trò nêu gương những điều tốt đẹp, lên án cái xấu, Phó Thủ tướng đề nghị ngành văn hoá chủ động lên tiếng chính thức trước các hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội, nói rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu. Không để những hành động, những việc tử tế, rất bình dị bị đánh giá là không bình thường.

Một trong những di sản quý giá nhất và có liên quan đến khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội hiện nay là di sản của Bác Hồ. Đảng đã phát động các phong trào học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Các đồng chí phải tập trung phân tích. Những câu chuyện về Bác Hồ bao hàm trong đó nhiều giá trị văn hoá, đạo đức cốt lõi qua những việc, biểu hiện hết sức cụ thể, gần gũi”, Phó Thủ tướng gợi mở.

Điểm tiếp theo Phó Thủ tướng “đặt hàng” Bộ VHTTDL là phải xây dựng cho được các quy tắc mang tính nghi lễ, thái độ ứng xử sao cho đúng văn hoá, truyền thống, kết hợp với hiện đại.

Đối với lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL chủ động tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo, đặt hàng sáng tác. Một hướng đi mới được Phó Thủ tướng nêu lên là huy động các doanh nghiệp, trước hết là doanh nghiệp du lịch lớn, cùng tham gia đặt hàng đào tạo, sáng tác, biểu diễn đối với các đơn vị nghệ thuật, gắn du lịch với văn hoá.

Trong việc sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật, thư viện… ở địa phương để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không bao giờ được quên các thiết chế văn hoá và nhân lực về văn hoá, đặc biệt đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân là tài sản vô giá không được để mất.

Ghi nhận nỗ lực của ngành VHTTDL đã sửa đổi được tiêu chí công nhận gia đình văn hoá, làng xã, khu phố văn hoá, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh chấn chỉnh các tập tục, thói quen không còn phù hợp với các tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh. “Nhiều nơi thành phong trào, tập tục là việc gì cũng liên hoan. Con thi đỗ, sửa lại nhà cũng liên hoan hàng chục, hàng trăm mâm, rồi vay nợ… Bộ VHTTDL phải phân tích, đưa ra những khuyến nghị chính thức về việc này”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.

Trong bảo tồn các di sản văn hoá, Phó Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến bảo tồn di sản văn hoá các dân tộc thiểu số từ tiếng nói, chữ viết đến phong tục, tập quán, không gian sống.

Phó Thủ tướng biểu dương Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia, một số bảo tàng, thư viện đã thực hiện số hoá các di sản, tư liệu văn hoá, bảo vật quốc gia. Từ đó giúp người dân có thể tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu trước và có thêm động lực để đến xem hiện vật, tư liệu đang được trưng bày.

Đánh giá kết quả của ngành thể dục-thể thao năm vừa qua, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể dục-thể thao cộng đồng, nhà trường.

Về thể thao thành tích cao, Phó Thủ tướng điểm một số vấn đề cần chú ý như: Đào tạo các môn Olympic, công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021, thay đổi cơ chế đầu tư các trung tâm huấn luyện, phát triển võ dân tộc… “Đặc biệt đối với bóng đá chúng ta phải kiên quyết làm bóng đá sạch, cùng với đó phải có những sân vận động đẹp, tiện nghi để người dân, sau một tuần làm việc vất vả, đến sân bóng như trong ngày hội. Bộ cần bàn với các địa phương về cơ chế hợp tác trong xây dựng sân vận động”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL phải chủ động phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, điều phối cùng các bộ ngành khác khi triển khai Đề án Nâng cao tầm vóc Việt.

Khẳng định những kết quả của ngành du lịch có được là do lộ trình kế thừa, trong đó các DN lớn đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch mới ở tầm quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là kinh nghiệm rất đáng quý. Các địa phương làm du lịch phải có quy hoạch, định hướng dài hạn, đầu tư quy mô theo chuẩn mực quốc tế, đặc biệt phải bảo vệ được môi trường.

Theo Phó Thủ tướng, xây dựng đời sống văn hoá đầu tiên là ở các điểm du lịch từ đi lại, ứng xử đến nhà vệ sinh, vứt rác… Những thứ tưởng là nhỏ nhặt nhưng làm tốt thì môi trường du lịch sẽ an toàn, văn hoá.

Yêu cầu Bộ VHTTDL dành nhiều tâm sức, chỉ đạo thống nhất về phát triển du lịch cộng đồng, Phó Thủ tướng nêu rõ: Du khách đi du lịch cộng đồng là muốn trải nghiệm về sinh thái, không gian sống, các nét văn hoá truyền thống chứ không phải là ở khách sạn 5 sao. Nếu không có chỉ đạo để làm tự phát thì những nét đẹp nguyên sơ ở những điểm du lịch cộng đồng sẽ bị biến dạng.

Từ thực trạng ngành du lịch thiếu nhân lực trầm trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phải “xông vào, làm sát sàn sạt”, bằng nhiều hình thức đào tạo qua trực tuyến, vừa học vừa làm… Đồng thời phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch thông minh như hướng dẫn thuyết minh tự động tại các điểm du lịch, đặt và thanh toán các dịch vụ du lịch qua mạng…

Phó Thủ tướng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng bản đồ số Việt Nam đến từng số nhà, chỉ dẫn giao thông, hướng dẫn thương mại điện tử gắn với các dịch vụ liên quan đến văn hoá, du lịch như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí… “Đây là mũi nhọn của ngành du lịch phải thực hiện bằng được”./.