TCCSĐT - Quyết định về nhân sự Bộ Ngoại giao; Ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11-2018; Quy định mới về Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV; là những chỉ đạo, điều hành mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định về nhân sự Bộ Ngoại giao. Cụ thể, tại Quyết định số 1806/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản trở lại Bộ Ngoại giao công tác và tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Đồng thời, Thủ tướng ký Quyết định số 1807/QĐ-TTg về việc ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01-01-2019.

Ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 11-2018

Theo Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp, trong tháng 11-2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 13 Nghị định của Chính phủ và 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Nghị định gồm 13 điều, quy định về: Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nội dung người sử dụng lao động phải công khai; nội dung người lao động được tham gia ý kiến; nội dung người lao động được quyết định; nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát; đối thoại tại nơi làm việc; hội nghị người lao động; các hình thức thực hiện dân chủ khác.

Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07-11-2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Các Nghị định trên được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 07-11-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng. Nghị định gồm 7 điều, quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01-01-2018 đến ngày 31-12-2021, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, cụ thể: Mức điều chỉnh; thời điểm điều chỉnh; kinh phí thực hiện.

Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22-11-2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai. Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04-7-2014 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai.

Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15-3-2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, cụ thể: Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức; ưu tiên trong tuyển dụng công chức; hội đồng tuyển dụng công chức; nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển công chức; xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức; nội dung và hình thức xét tuyển công chức; xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức; thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển công chức; tổ chức tuyển dụng công chức; thông báo kết quả tuyển dụng công chức; trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng công chức; chế độ tập sự đối với công chức; điều kiện, tiêu chuẩn xét chuyển cán bộ, công chức cấp xã thành công chức từ cấp huyện trở lên;...

Ngày 09-11-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Quyết định gồm 6 chương, 35 điều, quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước, cụ thể, quy định chung về: Nguyên tắc tổ chức cuộc họp; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước trong thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc họp và thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức họp; Các trường hợp không tổ chức cuộc họp; quy trình tổ chức cuộc họp; cuộc họp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; cuộc họp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.

Quyết định số 47/2018/QĐ-TTg ngày 26-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Quy định mới về Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1802/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 09/QĐ-TTg ngày 06-01-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định só 389/QĐ-TTg ngày 19-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Trong đó, sửa đổi, bổ sung điểm 2 Điều 1 Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 06-01-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định só 389/QĐ-TTg ngày 19-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Theo đó, các Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia gồm:

- Thứ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

- Thủ trưởng các cơ quan, lực lượng chức năng: Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh Cảnh sát biển; Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu; Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế; Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

- Mời Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các công việc triển khai Nghị quyết số 74/2018/QH14 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy mặt tích cực, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành; phấn đấu cao nhất trong hai năm 2019-2020 để đạt và vượt các chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thi hành nghiêm túc, có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Y tế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Kiến trúc, Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Luật Phòng, chống tác hại rượu bia; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề lớn phát sinh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp trình Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch theo quy định tại khoản 4 Điều 59 Luật Quy hoạch; hướng dẫn các bộ, cơ quan thực hiện điều khoản chuyển tiếp theo Điều 59 Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 74/2018/QH14 về kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư bảo đảm chất lượng, trình Chính phủ cho ý kiến trong tháng 5 năm 2019. Thể chế hóa chủ trương của Đảng về huy động nguồn lực kết cấu hạ tầng của khu vực tư; tạo cơ sở pháp lý cao, thống nhất về quản lý, điều hành hoạt động đầu tư theo hình thức PPP.

Trước mắt, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, theo thẩm quyền sớm có cơ chế giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến thanh toán cho nhà đầu tư dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).

Chủ trì, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm cơ cấu lại nền kinh tế 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội để đề xuất các nội dung cần triển khai trong 02 năm còn lại của kế hoạch (lồng ghép nội dung vào Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2019, bảo đảm hoàn thành kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội).

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đảm báo đúng tiến độ. Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV để thực hiện từ năm 2021.

Bộ Công an khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật theo quy định, trình Chính phủ xem xét để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia đến năm 2045; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu để điều chỉnh Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội từ “kiểm toán việc sử dụng nguồn thu từ đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa giai đoạn 2011-2017” sang “kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017”. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Các bộ, cơ quan: Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các lĩnh vực công tác trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật để sớm đưa luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống. Nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến. Khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 bảo đảm chất lượng và tiến độ đã đề ra. Trong quá trình, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật, đối với những vấn đề quan trọng, có sự thay đổi lớn so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội, các bộ phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án Luật./.