Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-12-2018)
TCCSĐT - Trong tuần đầu tháng 12-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Bồ Đào Nha. Chuyến thăm tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Bồ Đào Nha.
Phát triển quan hệ Trung Quốc - Bồ Đào Nha
|
Ảnh: french.xinhuanet.com |
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc hội đàm với Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa tại thủ đô Lisbon. Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí coi dịp kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2019 là dấu mốc khởi đầu mới mang tính lịch sử nhằm thúc đẩy hợp tác hữu nghị song phương đạt được thêm nhiều tiến bộ và mở ra chương mới trong sự phát triển mối quan hệ Trung Quốc - Bồ Đào Nha. Hai bên thúc đẩy trao đổi cấp cao, tăng cường trao đổi giữa hai chính phủ, giữa các cơ quan lập pháp, giữa các đảng chính trị và các địa phương, đồng thời làm sâu sắc hơn sự tin cậy chính trị lẫn nhau trong nỗ lực nhằm củng cố nền tảng chính trị cho tình hữu nghị. Theo đó, Bồ Đào Nha hướng tới việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, tài chính và văn hóa; khẳng định quan hệ thương mại song phương có xu thế phát triển tốt đẹp, hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm được thúc đẩy thuận lợi. Quan hệ Trung Quốc - Bồ Đào Nha bước vào thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử, đứng trước cơ hội phát triển mới. Trung Quốc mong muốn cùng Bồ Đào Nha thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới.
Với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm Bồ Đào Nha không đơn thuần là một nghi thức ngoại giao như thông lệ. Mục tiêu chuyến đi lần này là thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Bồ Đào Nha và Trung Quốc để cùng phát triển sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Bồ Đào Nha là mắt xích quan trọng trên cả đường biển lẫn đường bộ nên có những lợi thế đặc biệt mà không quốc gia nào có được trong sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận đưa cảng Sines, phía Tây Nam Bồ Đào Nha, vào khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Đây không chỉ là một cảng biển lớn ở châu Âu mà quan trọng hơn là cửa ngõ giao thương của Bồ Đào Nha với cộng đồng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha, bao gồm nhiều nước ở châu Phi như Angola, Mozambique hay xa hơn là Brazil ở châu Mỹ Latinh. Hơn thế, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào châu Âu nói chung và Bồ Đào Nha nói riêng. Vừa qua, Tập đoàn Tam Điệp của Trung Quốc đã đề nghị mua 76,7% cổ phần tại Công ty Điện lực Energias de Portugal (EDP) của Bồ Đào Nha, hiện đang sở hữu một số công ty con trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Tây Ban Nha, Brazil và Mỹ.
Có thể thấy, với kết quả là hàng loạt thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết, chuyến thăm này góp phần tiếp tục khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bền chặt giữa Trung Quốc - Bồ Đào Nha.
Bước lùi trong quan hệ Nga - Mỹ
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN |
Mỹ vừa ra một tối hậu thư tuyên bố Nga có 60 ngày để tuân thủ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), trong khi Nga đã bác bỏ. Động thái này khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục leo thang căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ D. Trump hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga V. Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 30-11 tại Argentina.
Trên thực tế, Nga và Mỹ lại lâm vào tình trạng gần như đối đầu, sau việc Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF hồi tháng 11-2018, đồng thời hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Phía Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF khi phát triển hệ thống tên lửa 9M729, mà phương Tây gọi là SSC-8, được cho là hệ thống cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và có tầm bắn tới 2.600 km. Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố loại tên lửa này hoàn toàn đáp ứng các quy định của INF, đồng thời tố cáo Mỹ vi phạm INF khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania. Moscow cũng khẳng định Washington không có bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga vi phạm INF.
Trước nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận INF, nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu đã tỏ ra nghi ngại bởi thỏa thuận này vốn được xem như một “trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu” và là một nhân tố quan trọng của việc kiểm soát vũ khí trong suốt hơn 30 năm qua. Ngay trên chính trường Mỹ, nhiều ý kiến chỉ trích Tổng thống D. Trump rút Mỹ khỏi INF sẽ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ về lâu dài. Thậm chí Mỹ sẽ còn tiếp tục bị cô lập trên trường quốc tế.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích nhận định, việc phá bỏ một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời có thể đẩy các bên quay trở lại một cuộc chạy đua vũ trang và thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, bước đi của Mỹ có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.
Trong một động thái nhằm tháo gỡ những vướng mắc về vấn đề INF, kế hoạch tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga và Mỹ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 được xúc tiến. Tuy nhiên, cơ hội để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ đã bị bỏ lỡ khi Tổng thống D. Trump tuyên bố hủy cuộc gặp. Theo lời giải thích của Tổng thống D. Trump thì vụ “đụng độ trên Eo biển Kerch” mới đây giữa hải quân Nga và Ukraine chính là nguyên nhân, trong khi đó, giới phân tích không cho là như vậy. Trên thực tế, Moscow và Washington không những bất đồng gay gắt các vấn đề trong chương trình nghị sự song phương, mà còn rơi vào tình trạng bất đồng về hàng loạt hồ sơ quốc tế nỏng bỏng như giải giáp vũ khí hạt nhân, số phận các hiệp ước duy trì sự ổn định chiến lược trong đó có INF..., hay đối thoại về các cuộc xung đột khu vực.
Trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ chi phối sự ổn định chiến lược và nền an ninh quốc tế, việc Mỹ ra một tối hậu thư sẽ rút khỏi Hiệp ước INF với Nga tiếp tục là một bước lùi trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Chính phủ Pháp nỗ lực giải quyết thách thức từ làn sóng biểu tình
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/ TTXVN
Làn sóng biểu tình mang tên “Áo vàng” phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ Pháp suốt 3 tuần qua đã đặt Chính phủ Pháp trước nhiều thách thức. Trong một động thái mang tính nhượng bộ nhằm hạ nhiệt căng thẳng do làn sóng biểu tình này, chính quyền Tổng thống E. Macron chính thức hoãn việc tăng thuế nhiên liệu.
Tối 04-12 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Pháp E. Philippe thông báo sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng. Một số nhượng bộ khác của Chính phủ Pháp còn bao gồm hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 01-2019. Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường, cũng được hoãn trong vòng 6 tháng. Theo Thủ tướng E. Philippe, trong khoảng thời gian 6 tháng, chính phủ sẽ thảo luận các biện pháp nhằm hỗ trợ nhóm lao động nghèo vốn phụ thuộc vào các phương tiện giao thông.
Trước đó, ngày 03-12, Thủ tướng E. Philippe đã có cuộc đối thoại với lãnh đạo các đảng phái chính trị và những người đứng đầu phong trào biểu tình “Áo vàng” trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho tình trạng căng thẳng tại Pháp. Cùng ngày, Thị trưởng Paris A. Hidalgo chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá tình hình thiệt hại kinh tế mà theo bà là rất nghiêm trọng. Để giúp đỡ các chủ cửa hàng khắc phục hậu quả, Paris dự kiến sẽ thành lập một quỹ bảo đảm khẩn cấp và kêu gọi chính phủ cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Sự trợ giúp này từng được áp dụng sau vụ tấn công khủng bố năm 2015 để vực dậy các hoạt động kinh tế của thủ đô Paris.
Thực tế cho thấy, hiện nay, Pháp là nước sử dụng nhiều ô tô chạy bằng dầu diesel. Quyết định đánh thuế cao hơn vào dầu diesel là một phần trong các thỏa thuận về khí hậu. Paris và các vùng ngoại ô lân cận đã chuyển sang cấm các mẫu xe diesel cũ lưu thông, trong khi Tổng thống E. Macron cam kết Pháp sẽ cấm bán toàn bộ xe ô tô chạy xăng dầu vào năm 2040.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nhận định, nỗi tức giận đằng sau phong trào biểu tình “Áo vàng” không chỉ là vì giá nhiên liệu, mà còn là hậu quả của nhiều thập niên rạn nứt xã hội giữa vùng nông thôn Pháp và các thành phố lớn thịnh vượng. Cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” khắc họa một nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc. Niels Planel, một nhà tư vấn giảm nghèo nhận xét, “tại những khu vực nông thôn, xuất hiện một dạng tâm lý thất vọng hậu công nghiệp hóa đang ăn mòn tầng lớp người lao động và trung lưu, những người chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng từ năm 2008 và những chính sách thắt lưng buộc bụng sau đó”. Trong khi đó, ông B. Coquard, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế nông nghiệp Pháp, cho biết “cần phải hiểu rằng phong trào “Áo vàng” không phải là một phong trào đối lập với môi trường. Điều gây tranh cãi là các tài xế thuộc tầng lớp nghèo và trung lưu phải chi trả thuế, trong khi chúng ta chưa đòi hỏi đầy đủ trách nhiệm của những công ty lớn và người giàu, những người gây ô nhiễm nhất khi thường đi lại bằng máy bay”.
Các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” trong suốt 3 tuần qua ở Pháp được cho là một trong những thách thức lớn mà Tổng thống E. Macron phải đối mặt kể từ khi nhậm chức vào tháng 5-2017. Trước sức ép đang đè nặng, việc chính thức hoãn việc tăng thuế nhiên liệu nhằm trấn an người dân cho thấy nỗ lực của Chính phủ Pháp trong việc giải quyết khủng hoảng xã hội chưa từng có này.
USMCA: Bước tiến mới trong hợp tác thương mại Mỹ - Mexico - Canada
Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau chính thức ký Hiệp định USMCA. Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo ba nước Mỹ, Mexico và Canada chính thức ký Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), bên lề Hội nghị cấp cao G20 diễn ra ở Argentina. Đây được coi là bước tiến mới trong hợp tác thương mại giữa 3 nước trên. Nhưng để chính thức có hiệu lực, USMCA sẽ phải được đệ trình lên Quốc hội mỗi nước để phê chuẩn.
Nếu được 3 nước thông qua, hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01-2020. Dự kiến, Mexico nhiều khả năng là bên thực hiện việc này đầu tiên. Thượng viện nước này dự kiến sẽ phê chuẩn USMCA nhanh chóng để chính phủ mới của tân Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador có thể tập trung vào lĩnh vực đối nội. Tại Canada, hiện vẫn còn tồn tại một số hoài nghi về một số vấn đề của USMCA, do vậy, không có nhiều khả năng cơ quan lập pháp nước này sẽ thông qua Hiệp định trước Mỹ. Còn tại Mỹ, việc thông qua USMCA cũng được nhận định có thể sẽ phức tạp khi mà hiện nay, Đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 01-2019. Trong nội bộ đảng Dân chủ, hiện có nhiều luồng ý kiến phản đối các điều khoản về bảo vệ lao động, tiêu chuẩn môi trường cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp trong USMCA.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, tuy ba nước đã đạt được USMCA nhưng hiệp định này vẫn có thể gây ra nhiều rào cản thương mại mới. Ngân hàng lớn thứ ba Canada về vốn hóa thị trường, Scotiabank, trong báo cáo vừa công bố đã cảnh báo, USMCA có nguy cơ gây tổn thất cho ngành ô tô Bắc Mỹ. Theo Scotiabank, trong ngắn hạn, USMCA có thể sẽ trợ giúp kinh tế Canada khi giúp loại bỏ tình trạng bấp bênh, mở đường cho dòng vốn đầu tư mới. Nhưng về dài hạn, hiệp định này làm xói mòn năng lực cạnh tranh của ngành ô tô trên toàn khu vực. Bởi vì theo USMCA, Mỹ, Mexico và Canada đã nhất trí nâng tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô trong khu vực từ 62,5% lên 75% theo lộ trình 4 năm bắt đầu vào năm 2020. Các bên cũng thống nhất 40% giá trị chiếc xe được bán tại khu vực phải được xuất xưởng từ các nhà máy có mức lương trung bình 16 USD/giờ. Nhưng vì hiện nay, công nhân Canada và Mỹ đã đạt được mức lương tối thiểu đó, còn công nhân của Mexico chỉ có mức thu nhập trung bình khoảng 3 USD/giờ. Điều này buộc Mexico sẽ phải nhập nhiều linh kiện ô tô của Mỹ và Canada để phục vụ ngành sản xuất trong nước. Nhưng việc này sẽ góp phần làm tăng giá xe và làm giảm sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ.
Các quy định về xuất xứ chặt chẽ trong USMCA không chỉ đẩy giá ô tô tăng mà còn khiến một số hoạt động sản xuất phải dịch chuyển ra nước ngoài. Ngoài quy định về mức lương cao, các hãng sản xuất ô tô phải chứng minh rằng nhôm và thép (của chiếc ô tô) được sản xuất tại khu vực, thì mới đủ điều kiện để miễn thuế quan. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể phủ nhận sự ra đời của USMCA sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân Bắc Mỹ, nhưng nó vẫn có thể gây ra nhiều rào cản thương mại mới.
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Trung
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi làm việc với Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ và Trung Quốc nhất trí ngừng tăng thuế, tiếp tục thương lượng xung quanh vấn đề căng thẳng thương mại trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Argentina. Động thái này được đánh giá là giúp tháo gỡ những bất đồng về thương mại vốn đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng suốt nhiều tháng qua.
Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí không áp đặt các biện pháp thuế quan mới sau ngày 01-01-2019 - thời điểm Washington dự định áp đặt các mức thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh trị giá 200 tỷ USD, trong khi hai nước sẽ tiến hành các đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết, Mỹ đồng ý trì hoãn việc tăng thuế lên mức 25% từ mức 10% hiện nay đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc như đã thông báo trước đó. Ngược lại, Trung Quốc đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại NXP của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây bị Trung Quốc không thông qua do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tuy nhiên, nếu trong vòng 90 ngày, hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, hai bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25%.
Cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Tổng thống D. Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình lần này diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang căng thẳng thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Trong hơn 3 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỷ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5% - 25%. Trước thềm cuộc gặp, Tổng thống D. Trump còn đưa ra cảnh báo nếu các cuộc đàm phán trong cuộc gặp thất bại, ông sẽ áp đặt mức thuế quan 10% hoặc 25% lên gói hàng hóa trị giá 267 tỷ USD còn lại của Trung Quốc.
Thực tế cho thấy thiệt hại của cả Mỹ và Trung Quốc do các biện pháp trừng phạt lẫn nhau đang ngày càng lớn, trong khi tác động tiêu cực tới hệ thống kinh tế - thương mại toàn cầu cũng đã bộc lộ rõ. Chính vì vậy, việc hai bên nhất trí tạm ngưng các biện pháp thuế quan là bước đi kịp thời và cần thiết hãm “con tàu” chiến tranh thương mại đang lao nhanh kéo theo những hệ lụy khôn lường./.
Xây dựng lực lượng công an thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự thời kỳ hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
Xây dựng lực lượng công an thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự thời kỳ hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
Thanh Hóa tạo đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
Thanh Hóa tạo đột phá để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế  (11/12/2018)
Giới thiệu nhân sự cán bộ công an quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương  (10/12/2018)
Tránh tạo khoảng trống pháp lý trong công tác quy hoạch  (10/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển