Chính quyền cần tăng cường đối thoại với dân
Ngày 27-11, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu Tổ số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp xúc cử tri tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Kỳ họp thứ 6 là một kỳ họp rất quan trọng và thành công về mọi mặt, kỳ họp đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng về công tác nhân sự, kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; xem xét thông qua các dự án luật, nghị quyết, chất vấn và trả lời chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Sau khi nghe Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai thông báo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri huyện Long Thành bày tỏ sự đồng tình, phấn khởi trước thành công của kỳ họp.
Cử tri cũng nêu nhiều bức xúc về vấn đề giải tỏa, đền bù khi thực hiện các dự án; ngành chức năng Đồng Nai chậm giải quyết hoặc không giải quyết những khiếu nại, bức xúc của người dân về các vấn đề đất đai...
Liên quan đến dự án khu dân cư An Hưng Phát (trước đây nằm trên địa bàn huyện Long Thành, nay thuộc xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa), cử tri cho rằng đây là dự án mà bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật) đã ký quyết định trái thẩm quyền; dự án này không thuộc trường hợp thu hồi đất nhưng chính quyền vẫn thu hồi rồi giao đất cho tư nhân phân lô bán nền. Cơ quan chức năng cần xem xét lại dự án này.
Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp, các ngành của Đồng Nai rà soát lại các vấn đề liên quan đến việc thu hồi, đền bù đất cho người dân (với dự án kinh doanh nhà ở), giải quyết dứt điểm các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Chính quyền Đồng Nai phải tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để giải quyết vấn đề một cách thấu tình, đạt lý.
Với dự án An Hưng Phát, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại việc thu hồi, cưỡng chế, đền bù đất.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định: “Mối quan hệ giữa Nhà nước - công dân luôn có nhiều vấn đề cần giải quyết. Tôi đề nghị chúng ta tăng cường trao đổi, tiếp xúc, đối thoại, có như thế thì vấn đề mới được giải quyết, những bức xúc của người dân mới được giải tỏa. Đi tiếp xúc với người dân, thấy cử tri còn nhiều bức xúc, tôi hết sức trăn trở”.
Trước đó, ngày 26-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Trao đổi với cử tri, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định, năm 2018, kinh tế nước ta dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được sự ổn định, đạt mức tăng trưởng tương đối cao (khoảng 6,8%), lạm phát được kiềm chế, nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn.
Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Đồng Nai rà soát, xem xét từng trường hợp cụ thể, giải quyết thấu đáo cho người dân.
Những việc chính quyền làm đúng pháp luật nhưng người dân chưa hiểu thì cần giải thích đầy đủ, trường hợp cơ quan chức năng làm sai thì không được né tránh, phải kịp thời sửa chữa. Thời gian tới, Đồng Nai cần quan tâm hơn nữa đến công tác tiếp công dân.
Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thực hiện một cách quyết liệt; phát hiện đến đâu, xử lý tới đó, không có vùng cấm. Bây giờ không có khái niệm hạ cánh an toàn, không có chuyện khi đương chức làm sai về hưu thì hòa cả làng.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, công tác phòng, chống tham nhũng cần vai trò giám sát của người dân. Bởi người dân chính là những người nắm rõ cán bộ, đảng viên trên địa bàn mình; biết được ai có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng. Khi người dân tăng cường giám sát thì công việc này sẽ đạt hiệu quả tốt, cao hơn../.
Việt Nam - Campuchia ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong năm 2020  (27/11/2018)
Cần chuyển tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng  (27/11/2018)
Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Bùi Quang Vinh  (27/11/2018)
Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại  (27/11/2018)
Khai mạc Hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X  (27/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên