Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ
*Ngày 17-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Được thành lập từ năm 1918, ngôi trường ban đầu được dành riêng cho nữ sinh, với tên gọi là Cao đẳng tiểu học nữ sinh người Pháp. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, chuyển đổi mô hình đào tạo, trường được đổi tên thành Trường THPT Marie Curie từ năm 1948, đến nay ngôi trường chính thức mang tên là Trường THPT công lập Marie Curie với gần 3.000 học sinh đang theo học.
Từ ngôi trường này, nhiều học trò đã trở thành những nhà chính trị - xã hội, khoa học, kinh tế, giáo dục và nghệ thuật nổi tiếng, đóng góp vào sự phát triển chung của TPHCM và cả nước.
Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết rất vui mừng và bồi hồi xúc động khi được trở lại ngôi trường cũ thân yêu và dự Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ngôi trường mang tên của nhà bác học nổi tiếng thế giới, từng giành 2 giải Nobel về vật lý và hóa học.
Theo Phó Thủ tướng, trong chặng đường hình thành và phát triển, trải qua những thăng trầm trong lịch sử, đến nay Trường THPT Marie Curie đã lớn mạnh về mọi mặt, cả về số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo, quy mô học sinh, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy và học hiện đại. Đặc biệt, trường đã tích cực đổi mới hoạt động dạy và học, trở thành là một địa chỉ tin cậy, nơi ươm mầm cho nhiều tài năng. Từ mái trường này, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành và giữ vị trí quan trọng trên nhiều lĩnh vực của Thành phố và của nhà nước.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, và trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng mong Trường THPT Marie Curie phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, lành mạnh; phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ; đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Với các thầy cô giáo, cần tiếp tục phát huy truyền thống của trường, thực hiện tốt cuộc vận động của ngành “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tích cực rèn luyện, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mạnh dạn đổi mới để đào tạo nên những công dân có ích cho xã hội trong tương lai.
*Ngày 17-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu tiên Uỷ ban sẽ tiến hành làm việc liên quan tới đơn giản, chuẩn hoá hoá thủ tục hành chính và kết nối cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm triển khai Quyết định số 1254/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu.
Chủ tịch Uỷ ban nhấn mạnh: “Từ năm 2019, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hải quan chuyên ngành phải tiến hành thực chất hơn. Quan trọng là sự tương tác tới cảm xúc, sự hài lòng của người dân chứ không phải là những thay đổi trên văn bản”.
Với Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý các lĩnh vực hàng không, đường thuỷ nội địa, đường bộ, đăng kiểm, hàng hải và một phần logistics, Phó Thủ tướng cho rằng đều trực tiếp liên quan tới người dân và doanh nghiệp, trong nước quốc tế, nên việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa có ý nghĩa rất lớn trong giảm thời gian và chi phí tuân thủ của xã hội.
Thực tế, Bộ Giao thông vận tải là Bộ luôn đi đầu trong kết nối với một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Bốn năm trước, Bộ Giao thông vận tải là Bộ đầu tiên tham gia Cơ chế 1 cửa quốc gia, cung cấp 12 thủ tục hành chính của lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa trong giai đoạn thí điểm 2014- 2017.
Theo Tổng cục Hải quan, tới hết năm 2017, số hồ sơ của Bộ Giao thông vận tải chiếm 25,34% tổng số hồ sơ và số doanh nghiệp chiếm 38,58% tổng số doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2016, Bộ sẽ triển khai tiếp 75 thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa từ năm 2018- 2020. Tuy nhiên tới nay, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 70 thủ tục hành chính. Dự kiến tới hết tháng 11-2018, Bộ sẽ hoàn thành nốt 5 thủ tục lĩnh vực đường bộ, hoàn thành 100% thủ tục của cả giai đoạn 2018- 2020.
Nhiều thủ tục đưa vào hệ thống một cửa quốc gia đã giúp thủ tục đăng ký trực tuyến tăng nhanh như đăng kiểm và hiện nay không còn hồ sơ giấy, nhóm thủ tục hàng hải tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến luôn ở mức cao, trên 90%.
Đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả công tác của Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan thuộc Bộ đã có chung nhận thức và đồng lòng triển khai một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thông quan hàng hoá, đi lại, giảm thiểu chi phí cho xã hội. Chính vì vậy, những kết quả của Bộ Giao thông vận tải cũng là tốt nhất trong tất cả các Bộ, ngành.
Chủ tịch Uỷ ban đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức trong triển khai đơn giản hoá, kết nối thủ tục hành chính về hàng hoá, phương tiện, con người thực hiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh với một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 1, hoàn thành 100% các thủ tục này vào năm 2020, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cùng với kết nối với một cửa quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng các bộ, ngành phải thực hiện thực chất việc cắt giảm thủ tục hành chính nhằm bảo đảm mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân nhưng vẫn bảo đảm được sự quản lý của nhà nước.
Cũng trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng việc cắt giảm thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng cho rằng cần loại bỏ dần việc “tiền kiểm” hàng hoá sang “hậu kiểm” dựa trên các nguyên tắc quản trị rủi ro.
Sau buổi làm việc tại Bộ Giao thông vận tải, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại đã làm việc với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Y tế đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thúc đẩy cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng xuất nhập khẩu, trong năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả với 4 nhóm thủ tục hành chính đã thực hiện cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế.
Tuy nhiên đến hết năm nay, Bộ Y tế chỉ kết nối được 17 thủ tục hành chính lên một cửa quốc gia ở các lĩnh vực thiết bị y tế và dược, còn 6 thủ tục còn lại liên quan tới môi trường y tế và an toàn thực phẩm thì trong tháng 01-2019 mới được hoàn thành, chậm 1 tháng so với quy định.
Về cắt giảm mặt hàng thuộc danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết tới nay 98% các lô hàng thực phẩm nhập khẩu là đối tượng quản lý của Bộ Y tế sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu mà thực hiện hậu kiểm khi tiêu thụ trên thị trường.
Tính trên lô hàng nhập khẩu thì 95% số lô hàng đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, chỉ còn lại 5% số lô hàng phải kiểm tra, trong khi chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 50/TB-VPCP ban hành đầu năm 2018 là loại bỏ 50% số dòng hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ Y tế triển khai kết nối các thủ tục với cơ chế một cửa quốc gia còn khá chậm, mới chỉ kết nối được 4/5 nhóm thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế và các bộ kết nối các thủ tục hành chính lên cơ chế một cửa quốc gia đúng tiến độ, đồng thời duy trì và tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục.
Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Uỷ ban đã đặt ra với Bộ trong kiểm tra chuyên ngành, bảo vệ quyền lợi chính đáng các tổ chức, cá nhân khác, tạo thuận lợi thương mại nhưng phải bảo đảm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, nhất là các lĩnh vực liên quan tới sức khoẻ của người dân mà Bộ Y tế quản lý.
“Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm và không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiềm kiểm”, Phó Thủ tướng nêu rõ./.
Papua New Guinea muốn nhập khẩu gạo trực tiếp từ Việt Nam  (18/11/2018)
Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Thái Bình  (18/11/2018)
Tạm biệt cơn đau “lịm người” sau sinh mổ bằng phương pháp gây tê đặc biệt tại Vinmec  (17/11/2018)
Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh Kanagawa  (16/11/2018)
Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị APEC 26  (16/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên