TCCSĐT - Không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ kết thúc với việc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chia nhau kiểm soát hai viện. Kết quả này sẽ tạo ra sự cân bằng cán cân quyền lực tại Washington sau khi Tổng thống D. Trump luôn giành được lợi thế trong hai năm qua nhờ đảng Cộng hòa của ông kiểm soát lưỡng viện. Tuy nhiên, nó cũng sẽ tác động đáng kể tới chương trình nghị sự mà Tổng thống đương nhiệm và các nghị sĩ Cộng hòa đang theo đuổi.

Cán cân quyền lực cân bằng

 
 Cử tri đi bỏ phiếu. Ảnh: TTXVN

Theo kênh truyền hình CNN, đảng Dân chủ giành được 222 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, đáp ứng được tổng số ghế cần thiết để chiếm thế đa số, qua đó chính thức giành quyền kiểm soát Hạ viện 435 ghế. Trước đó, cuộc bầu cử Thượng viện ngã ngũ với việc đảng Cộng hòa giành được 51 ghế, bảo toàn được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp này, trong khi đảng Dân chủ mới chỉ giành được 44 ghế.

Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ được coi là quan trọng, quyết định tới chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của “xứ cờ hoa” trong hai năm tiếp theo. Theo một cách nhìn, cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ được ví như một cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn, đánh giá mức độ tín nhiệm của người dân đối với cá nhân Tổng thống D. Trump và chính quyền Cộng hòa, cũng như đối với định hướng của nước Mỹ, quan hệ chủng tộc, xã hội và uy tín của nước Mỹ trên thế giới.

Trên thực tế, ba chủ đề nổi cộm được phần lớn cử tri Mỹ quan tâm trong mùa bầu cử giữa kỳ năm 2018 là chăm sóc sức khỏe, kinh tế và nhập cư - những yếu tố quyết định tới kết quả của cuộc bầu cử năm nay. Do vậy, những thành tựu kinh tế trong hai năm qua dưới sự chèo lái của Tổng thống D. Trump thực sự là điểm nhấn để đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng khá tốt, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 2 quý gần đây nhất tăng trưởng ở mức 4,2% và 3,5%, tỷ lệ thất nghiệp công bố ngày 15-10 giảm còn 3,7% (thấp nhất từ tháng 12-1969), 3,9 triệu người Mỹ tìm được việc làm kể từ khi ông D. Trump lên cầm quyền, lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong 18 năm, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ đang tiến gần ngưỡng kỷ lục, Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) liên tục tăng lãi suất dựa trên các đánh giá lạc quan về sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ...

Tuy nhiên, thành tích kinh tế này không thể che lấp những mâu thuẫn trong xã hội liên quan các vấn đề tôn giáo, sắc tộc cũng như tâm lý bất an của người dân. Trong hai năm qua, các quyết sách gây tranh cãi liên quan những vấn đề nổi cộm này, như hạn chế người Hồi giáo đến Mỹ, siết chặt kiểm soát người nhập cư, triển khai quân tới biên giới với Mexico ngăn người nhập cư, bỏ qua nạn bạo lực súng đạn… đã khiến xã hội Mỹ dậy sóng. Thực tế này đã tác động mạnh đến tâm lý cử tri, khiến cho tỷ lệ phiếu ủng hộ đảng Cộng hòa giảm sút và dồn phiếu cho đảng Dân chủ.

Với việc đảng Dân chủ giành thế đa số tại Hạ viện, chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn so với nửa đầu nhiệm kỳ, khi người Cộng hòa kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội. Điều này cũng báo hiệu sự giằng co trong tiến trình thông qua các chính sách quan trọng khi những quan điểm và ưu tiên của hai đảng luôn trong tình trạng đối đầu.

Tuy nhiên, điều mà các cử tri của cả hai đảng kỳ vọng nhất có lẽ tựu chung lại là việc hàn gắn một đất nước hiện còn quá nhiều phân cực, trong bối cảnh môi trường chính trị ở Mỹ đang trong trạng thái chia rẽ. Do vậy, một quốc hội đoàn kết thay vì xung đột vì những lợi ích của mỗi bên chính là điều mà bất cứ cử tri nào cũng mong muốn.

Nga - Trung Quốc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

 
 Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TTXVN


Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vững chắc, Thủ tướng Nga D. Medvedev đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc và tham dự cuộc họp cấp thủ tướng Nga - Trung lần thứ 23 từ ngày 05 đến 07-11. Chuyến thăm tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc, vốn được đánh giá đang ở “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”, trong đó hai nước chia sẻ nhiều lợi ích địa chiến lược và kinh tế.

Tại cuộc gặp diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Nga D. Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương, thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble và nhân dân tệ của hai nước nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, quan điểm về thương mại quốc tế cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về hợp tác song phương, hai bên cho rằng, thương mại hai nước đang phát triển tích cực. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD. Nga và Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố nhất quán về cách tiếp cận trong việc giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế. Hai bên nhất trí mọi bước đi trong lĩnh vực thương mại quốc tế cần phải nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu, trao đổi vốn đầu tư toàn cầu.

Là hai quốc gia láng giềng, Nga và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác to lớn. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh chỉ thực sự đột phá kể từ năm 2014, thời điểm phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Nhằm thoát khỏi sự bao vây, cấm vận của phương Tây, Nga đã đẩy mạnh chính sách “xoay trục” sang hướng Đông, trong đó Trung Quốc là một trong những trụ cột. Trên lĩnh vực chính trị, lòng tin giữa Moscow và Bắc Kinh không ngừng được củng cố thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao. Bên cạnh đó, về hợp tác quân sự, Nga và Trung Quốc cũng trở thành đối tác quốc phòng chặt chẽ. Không chỉ tăng cường hợp tác song phương, Nga và Trung Quốc còn thể hiện lập trường thống nhất về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, chống khủng bố quốc tế...

Có thể thấy, Nga và Trung Quốc đều coi việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là mục tiêu đối ngoại chủ chốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng D. Medvedev lần này tạo thêm xung lực mới để hai nước thực hiện mục tiêu chiến lược này.

Vấn đề ngân sách của Italy: Nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế mới ở châu Âu

 
 Bộ trưởng Tài chính Italy Giovanni Tria (trái) và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurogroup ở Brussels, Bỉ ngày 05-11. Ảnh: TTXVN


Các bộ trưởng tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mới đây hối thúc Italy điều chỉnh kế hoạch ngân sách năm 2019 của nước này, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc về tài chính của EU. Tuy nhiên, Italy vẫn giữ nguyên lập trường cứng rắn của mình. Động thái này được cảnh báo là có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu.

Theo kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa 2019 mà chính phủ liên minh Italy đệ trình nhưng đã bị EC bác bỏ ngày 23-10, Italy sẽ không hạn chế chương trình chi tiêu khổng lồ sẽ làm tăng thâm hụt trong năm tới lên 2,4% GDP từ mức mục tiêu 1,8% trong năm nay và cao gần gấp 3 lần mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm. Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của chính phủ cánh tả tiền nhiệm về việc giữ mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP, nhằm cắt giảm mức nợ công đang ở con số 2.300 tỷ euro của Italy. Khi Italy đưa ra bản ngân sách này, EU đã hối thúc Italy tiếp tục nỗ lực giảm nợ công. Theo EU, Italy phải có một số điều chỉnh, nếu không, nước này sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp dụng các hình phạt do vi phạm quy định của Eurozone. Mặc dù vậy, Chính phủ Italy vẫn kiên quyết khẳng định không điều chỉnh kế hoạch ngân sách và sẽ thực hiện những cam kết được đưa ra trong vận động tranh cử, đó là cắt giảm thuế và nâng mức thu nhập cơ bản cho người nghèo.

Trước những tranh cãi giữa EU và Italy xoay quanh kế hoạch ngân sách 2019 của nước này, Ủy viên phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính EU, ông P. Moscovici cảnh báo kế hoạch ngân sách mới của Italy sẽ ảnh hưởng đến nước này trong dài hạn. EU cho rằng, kế hoạch như vậy có thể làm trầm trọng thêm vấn đề ngân sách của Italy bởi thâm hụt của nước này hiện tương đương 2,4% GDP, cao hơn nhiều so với con số 0,8% mà chính phủ trung hữu trước đó ước tính. Brussels cũng cho rằng, Rome cần cắt giảm thâm hụt để bắt đầu có thể giảm khối nợ khổng lồ hiện cao hơn gấp đôi mức trần 60% cho phép của EU hiện nay.

Kế hoạch ngân sách của Italy có thể đẩy EU vào khủng hoảng. Ông L. Codogno, chuyên gia kinh tế đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Italy cho rằng, Italy có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu nếu Rome không sửa đổi kế hoạch ngân sách 2019 của mình theo hướng ôn hòa hơn. Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, tranh cãi kế hoạch ngân sách giữa EU và Italy mang màu sắc chính trị và dự kiến sẽ kéo dài trong 6 tháng. Nếu tình hình lắng xuống, Italy có khả năng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới vào đầu năm 2019, sớm nhất là vào tháng 3. Ủy viên Phụ trách kinh tế và các vấn đề tài chính EU, ông P. Moscovici thậm chí còn nhận định, việc EC bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy không những báo hiệu sự khởi đầu một cuộc khủng hoảng kinh tế mới ở châu Âu, mà còn bộc lộ tình trạng xung đột chính trị trong nội bộ của khối.

Nguy cơ khó lường khi Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran

 
 Tổng thống Iran Hassan Rouhani phản đối lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa tái áp đặt đối với Iran. Ảnh: TTXVN


Các biện pháp trừng phạt mà Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo cho là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Washington nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Iran đã chính thức có hiệu lực. Động thái này cho thấy Mỹ thể hiện quyết tâm siết chặt trừng phạt Iran trên mọi mặt trận, khiến dư luận lo ngại về những nguy cơ khó lường có thể xảy ra.

Kể từ ngày 05-11, Washington liệt hơn 700 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt liên quan đến Iran. Bộ Tài chính Mỹ đã phát đi cảnh báo tới mạng kết nối ngân hàng toàn cầu SWIFT có trụ sở tại Bỉ về nguy cơ đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ nếu cung cấp dịch vụ cho các thực thể Iran có tên trong “danh sách đen” của Washington.

Sau khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đang “phản tác dụng”, khiến Washington bị cô lập hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran B. Qasemi thì đưa ra tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ chủ chốt của Iran là một phần trong cuộc chiến tâm lý do Washington phát động nhằm vào Tehran. Ông B. Qasemi khẳng định âm mưu của Mỹ sẽ thất bại. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng phản đối quyết định này của Mỹ.

Việc khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là một phần trong các biện pháp của Mỹ nhằm gây áp lực buộc Iran hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như các hoạt động mà Washington gọi là “tài trợ cho khủng bố”. Nhà Trắng cũng hy vọng khi kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Iran trong khu vực sẽ giảm sút. Và các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ được coi là đợt “tấn công” toàn diện nhằm triệt tiêu nền kinh tế Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC với sản lượng 2,5 triệu thùng dầu/ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, Iran vẫn có đủ nội lực và sự “trợ giúp” cần thiết để đối phó với các đòn trừng phạt của Mỹ. Kể từ khi Mỹ áp đặt gói trừng phạt đầu tiên hồi tháng 8, dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng Iran đã có những bước đi mang tính chủ động để ứng phó với đợt trừng phạt thứ hai này. Iran cũng đã tích cực hợp tác với nhiều đối tác, trong đó có EU, Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ… Chính điều này cho thấy, Mỹ bị cô lập khi tiến hành trừng phạt Iran, Mỹ không thể cùng một lúc gây căng thẳng với nhiều đối thủ, bởi điều này gây bất lợi cho chính nước Mỹ. Thực trạng này sẽ khiến trong chừng mực nào đó, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải “linh hoạt” với các nước nhập khẩu dầu lớn như Trung Quốc hay Ấn Độ.

Chưa kể, ở khu vực Trung Đông, sự liên quan giữa dầu mỏ và chính trị luôn phức tạp, dầu mỏ có thể trở thành vũ khí tấn công và đôi khi lại là mồi lửa đủ để biến cả khu vực thành “chảo lửa” chẳng thể dập tắt. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Tehran sẽ gây ra “những hậu quả nghiêm trọng” cho trật tự thế giới.

New Caledonia tiếp tục là một phần lãnh thổ của Pháp

 
 Cử tri bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân. Ảnh: TTXVN


Cử tri New Caledonia lựa chọn tiếp tục là một phần lãnh thổ của Pháp. Quyết định lịch sử này được coi là một tín hiệu đáng mừng đối với nước Pháp. Tuy nhiên, nó cũng sẽ khiến cho các cuộc đàm phán trong tương lai giữa các phe phái chính trị ở vùng lãnh thổ này gặp nhiều khó khăn.

Cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của quần đảo này đã được tổ chức ngày 04-11. Đây là cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên được tổ chức tại một lãnh thổ của Pháp kể từ khi Djibouti - ở khu Sừng châu Phi bỏ phiếu độc lập vào năm 1977. Đồng thời, được coi là phép thử đối với nhu cầu đòi độc lập của một số vùng lãnh thổ xa xôi thuộc Pháp, vốn phụ thuộc mạnh mẽ vào viện trợ của chính quyền trung ương. Theo kết quả chính thức do ủy ban tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của New Caledonia, có tổng cộng 56,4% cử tri tại quần đảo này bỏ phiếu ủng hộ New Caledonia tiếp tục là một phần lãnh thổ của Pháp.

Sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, Tổng thống Pháp E. Macron bày tỏ tự hào về lựa chọn của cử tri New Caledonia. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống E. Macron cho rằng, việc phần đông người dân New Caledonia ủng hộ ở lại Pháp là dấu hiệu của lòng tin vào nền cộng hòa Pháp, vào tương lai và các giá trị của đất nước này.

New Caledonia là một quần đảo nhỏ có diện tích khoảng 18,575 km2 với số dân khoảng 279,070 người (tính đến năm 2017). Vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Pháp từ năm 1853 và cho đến năm 1946, New Caledonia chính thức trở thành vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Tuy là một quốc đảo nhỏ, song New Caledonia lại là vùng lãnh thổ giàu có hàng đầu ở Thái Bình Dương với thu nhập quốc dân đạt khoảng 11,11 tỷ USD (theo số liệu năm 2017). Ngành kinh tế chính đóng góp vào tổng thu nhập quốc dân đó là xuất khẩu khoáng sản và mỏ. Mặc dù gần như hoàn toàn tự quyết các vấn đề, nhưng vùng lãnh thổ New Caledonia phụ thuộc nhiều vào Pháp trong quốc phòng và giáo dục. Viện trợ tài chính của Pháp dành cho New Caledonia chiếm khoảng 15% GDP của vùng lãnh thổ này. Chính vì vậy, New Caledonia được coi là khu vực chiến lược đối với Pháp tại Thái Bình Dương.

Từ lâu, tại vùng lãnh thổ New Caledonia, căng thẳng sâu sắc kéo dài giữa người dân Kanak bản địa vốn luôn ủng hộ ý tưởng tách hoàn toàn khỏi Pháp và những người nhập cư chủ yếu đến từ châu Âu không ủng hộ ý định này. Những người không ủng hộ độc lập cho rằng “Pháp là cơ hội duy nhất”, trong khi đó những người muốn độc lập kêu gọi “một quốc gia đa văn hóa, đoàn kết, hòa bình”. Và cuộc bỏ phiếu lần này là kết quả của thỏa thuận hòa bình được ký kết năm 1998. Mặc dù vậy, cuộc trưng cầu ý dân lần này không phải là cuộc bỏ phiếu cuối cùng về việc tách New Caledonia khỏi Pháp. Cũng theo thỏa thuận năm 1998, nếu 30% nghị sỹ thuộc Quốc hội New Caledonia đồng ý tổ chức trưng cầu ý dân thì vào năm 2020 và 2022, quốc đảo này sẽ lại tiếp tục lấy ý kiến của người dân về quyết định hệ trọng này.

Hiện tại, việc kết quả bầu cử của từng vùng rất khác nhau, phản ánh ý kiến không đồng nhất của từng cộng đồng dân cư, là một vấn đề đáng lo ngại đối với chính bản thân New Calendonia. Chính vì vậy, chiến thắng không gây ấn tượng như mong đợi của những người phản đối độc lập, dự báo các cuộc đàm phán khó khăn trong tương lai giữa hai phe phái chính trị có quan điểm trái ngược về tình trạng của New Caledonia./.