Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba: Kỳ vọng xen lẫn bế tắc?
TCCSĐT - Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un diễn ra từ ngày 18 đến 20-9-2018 tại Thủ đô Bình Nhưỡng trong bối cảnh quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã có những dấu hiệu cải thiện đáng kể, song tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên dường như vẫn đang rơi vào bế tắc.
Mặc dù đây là cuộc gặp lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo kể từ đầu năm 2018, nhưng lại là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Kết thúc cuộc gặp, hai bên ký Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và Thỏa thuận liên Triều về quân sự, đồng thời tổ chức họp báo chung.
Nội dung và kết quả của cuộc gặp
Đánh giá cao tiến triển đạt được kể từ khi thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom (Bàn Môn Điếm, tháng 4-2018) trong quan hệ liên Triều trên tinh thần xây dựng và chân thành, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định nguyên tắc độc lập và tự quyết dân tộc; nhất trí phát triển quan hệ vì hợp tác và thống nhất dân tộc. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định sẽ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng; cho rằng Tuyên bố chung Bình Nhưỡng thể hiện nguyện vọng chung của dân tộc Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ sớm tiến hành thăm Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Moon Jae In.
Bàn về quân sự, hai bên nhất trí xóa bỏ hiểm họa chiến tranh trên toàn Bán đảo Triều Tiên; nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận liên Triều về quân sự; sớm tái khởi động Ủy ban quân sự chung; ngừng diễn tập quân sự khu vực biên giới kể từ ngày 01-11-2018; xác lập vùng cấm bay ở các khu vực biên giới, vùng đệm cấm bắn đạn thật tại biển Hoàng Hải. Chủ tịch Kim Jong Un nhấn mạnh, việc ký kết Thỏa thuận liên Triều về quân sự là bước đi thực chất trong việc đưa Bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, không bị đe dọa bởi hạt nhân. Ngoài ra, khi đề cập đến vấn đề hạt nhân, tên lửa Triều Tiên, ông Kim Jong Un cam kết tiếp tục tích cực nỗ lực đưa Bán đảo Triều Tiên thành khu vực hòa bình không vũ khí hạt nhân, không bị đe dọa bởi hạt nhân; Triều Tiên sẽ dỡ bỏ vĩnh viễn cơ sở thử động cơ tên lửa Dongchang-ri, kể cả bệ phóng dưới sự giám sát của chuyên gia các nước liên quan… Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In khẳng định, hai miền không gắn vấn đề quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc với các vấn đề liên Triều hiện nay; đồng thời nhấn mạnh, Triều Tiên và Mỹ cần đạt nhất trí cụ thể về phương thức phi hạt nhân hóa và cho biết sẽ truyền đạt tới Tổng thống Mỹ Donald Trump những thông điệp của Triều Tiên không được đề cập trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng.
Về hợp tác kinh tế, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác thực chất cùng có lợi và chia sẻ thịnh vượng, khởi công các dự án kết nối đường sắt, đường bộ duyên hải phía Đông và phía Tây trong năm 2018; nối lại hoạt động của Khu công nghiệp Kaesung, dự án du lịch núi Geumgang; thành lập Đặc khu kinh tế duyên hải phía Tây và Đặc khu du lịch duyên hải phía Đông khi có điều kiện phù hợp; hợp tác về môi trường, phòng chống dịch bệnh, y tế...
Đối với vấn đề nhân đạo và các vấn đề khác, hai bên nhất trí sớm khôi phục Văn phòng thường trực tổ chức gặp mặt các gia đình ly tán tại núi Geumgang; ưu tiên giải quyết cho các gia đình ly tán trao đổi trực tuyến; tổ chức buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật Bình Nhưỡng tại Thủ đô Seoul; cùng tham gia Olympic mùa hè 2020 và ứng cử đồng đăng cai Olympic mùa hè 2032; tổ chức kỷ niệm 11 năm ra Tuyên bố chung Triều Tiên - Hàn Quốc được ký vào ngày 04-10-2007.
Đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm và nỗ lực của lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhằm tăng cường tin cậy chính trị, xóa bỏ quan hệ đối đầu, cạnh tranh, Báo Lao động Triều Tiên cho rằng, việc tiếp tục cải thiện quan hệ liên Triều là phù hợp với yêu cầu của thời đại. Trong khi đó, người phát ngôn của Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui Kyum đánh giá, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng có ý nghĩa như tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên. Các chính đảng Hàn Quốc cơ bản hoan nghênh việc Triều Tiên duy trì cam kết phi hạt nhân hóa, đánh giá cao việc lần đầu tiên đại diện các chính đảng cùng Tổng thống Hàn Quốc tiến hành thăm Triều Tiên, đề xuất tổ chức cuộc gặp giữa Quốc hội Hàn Quốc và Hội nghị Nhân dân tối cao Triều Tiên.
Các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand,... đánh giá kết quả cuộc gặp và tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đang đạt tiến triển lớn, nhấn mạnh cần sớm thực hiện Thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên. Các nước ASEAN, như Campuchia, Thái Lan, Lào, Việt Nam bày tỏ tin tưởng cuộc đối thoại liên Triều là nền tảng xây dựng và bảo đảm sự tin cậy chính trị, đóng góp vào hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Còn đại diện Liên minh châu Âu (EU) đánh giá cao Tuyên bố chung Bình Nhưỡng; tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh Mỹ - Triều Tiên cần nối lại đối thoại.
Dư luận báo chí quốc tế về cơ bản cũng có những bình luận tích cực, đánh giá kết quả Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sẽ có những tác động thuận tới việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, nhấn mạnh Tuyên bố chung Bình Nhưỡng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm căng thẳng quân sự liên Triều… Tuy nhiên, có một số nhận định tỏ ra lo ngại việc hai bên “tiến xa quá nhanh” sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ - Hàn Quốc và sự phối hợp đồng minh Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản trong vấn đề Triều Tiên; cho rằng hai bên chưa đưa ra được lộ trình cụ thể và Hàn Quốc chưa gây được sức ép buộc Triều Tiên công khai thống kê các cơ sở hạt nhân, bãi phóng tên lửa…
Tác động của cuộc gặp đến quan hệ hai nước
Qua chuyến thăm và cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này, có thể thấy hai miền Triều Tiên đều mong muốn tăng cường tin cậy chính trị, duy trì đà đối thoại, cải thiện quan hệ, tạo tiền đề thúc đẩy các dự án hợp tác kinh tế có tiềm năng và không thuộc phạm vi cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên; tạo thuận lợi thúc đẩy nối lại đối thoại Mỹ - Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ Mỹ - Triều Tiên.
Ngoài ra, Triều Tiên tỏ rõ thiện chí từ bỏ hạt nhân và quyết tâm tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân; thông qua Hàn Quốc tác động để Mỹ có hành động tương ứng, nới lỏng sức ép, cấm vận đối với Triều Tiên, tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế, mở rộng đối ngoại. Hàn Quốc tiếp tục phát huy vai trò trung gian thúc đẩy đối thoại Mỹ - Triều Tiên, cải thiện thiện chí hợp tác, dùng lợi ích kinh tế lôi kéo Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa; cải thiện tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Moon Jae In và đảng cầm quyền Dân chủ Đồng hành (DP) trong nội bộ Hàn Quốc.
Chuyến thăm và cuộc gặp đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra của cả hai bên, trong đó kết quả lớn nhất là việc Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cam kết bằng văn bản về các biện pháp phi hạt nhân hóa, thúc đẩy sớm nối lại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa, mở ra khả năng tổ chức cuộc gặp cấp cao lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
Kết quả đạt được giữa hai bên trong cuộc gặp lần này cũng cho thấy một số điểm đột phá, góp phần tạo bước ngoặt quan trọng cho tiến trình phi hạt nhân hóa tại Bán đảo Triều Tiên. Cụ thể là: 1- Nhiều điều khoản, giải pháp cụ thể liên quan đến biện pháp bảo đảm ngăn ngừa xung đột quân sự trên bán đảo trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng đã thể hiện việc hai miền bước vào trạng thái “kết thúc chiến tranh”; 2- Lần đầu tiên trong Tuyên bố chung, Triều Tiên cam kết “sẽ đóng cửa vĩnh viễn” khu vực thử tên lửa Dongchang-ri và xem xét đóng cửa vĩnh viễn lò phản ứng hạt nhân Yeongbyeon. Theo các chuyên gia, hai từ “vĩnh viễn” là cách thể hiện mới chưa từng có trong quan hệ giữa hai miền; 3- Hai bên tuyên bố kết thúc chiến tranh, thể hiện mong muốn mở ra chương mới, “bước phát triển lớn”, đưa hòa bình và phát triển trở thành xu thế lớn trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, hai miền vẫn chưa có được đột phá lớn liên quan tới cam kết đóng cửa vĩnh viễn cơ sở chế tạo hạt nhân Yeongbyeon, do cam kết này gắn với điều kiện Mỹ phải có hành động tương ứng; trong khi Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn, chỉ nới lỏng sức ép, cấm vận nếu Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa mà Mỹ cho là thực chất.
Song song với đó, quan hệ liên Triều được cải thiện và một số động thái thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đang thúc đẩy chiều hướng hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời mở ra triển vọng nối lại đối thoại giữa Triều Tiên với các nước liên quan. Thủ tướng Nhật Bản Sindo Abe cho biết sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để bàn về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản và sẵn sàng mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước.
Hơn nữa, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và Thỏa thuận liên Triều về quân sự là bước triển khai cụ thể Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm cũng cho thấy thiện chí và quyết tâm của hai miền trong việc tiếp tục giảm căng thẳng quân sự, duy trì đà cải thiện quan hệ các mặt và định hướng các dự án hợp tác lớn về kết cấu hạ tầng, kinh tế - thương mại và du lịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc triển khai kết quả chuyến thăm và Tuyên bố chung Bình Nhưỡng thời gian tới có thể sẽ gặp một số khó khăn, như: 1- Hợp tác kinh tế liên Triều bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; 2- Việc luật hóa các thỏa thuận liên Triều tại Quốc hội Hàn Quốc gặp cản trở do phe đối lập phản đối; 3- Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều có tính toán riêng trong vấn đề Triều Tiên và tiếp tục tác động để bảo vệ lợi ích của mình trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Tóm lại, dù kết quả đạt được giữa hai miền Triều Tiên có đem lại nhiều đột phá, góp phần cải thiện quan hệ liên Triều, mở ra hướng đối thoại cho quan hệ của các bên với các nước liên quan, đồng thời mang lại một số thành quả cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, song có thể thấy thách thức lớn nhất đối với tiến trình này là việc giải quyết mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên do hai nước vẫn tồn tại khác biệt trong nhận thức./.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba diễn ra ngay trước thềm kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ (tháng 11-2018) trong bối cảnh đối thoại Mỹ - Triều Tiên vẫn gặp nhiều khó khăn do Mỹ, Triều Tiên chưa thu hẹp bất đồng về phương thức thực hiện phi hạt nhân hóa; Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường cấm vận Triều Tiên; hợp tác liên Triều và đà cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên với các nước khác có dấu hiệu chững lại do chịu sức ép thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Moody’s: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ môi trường hoạt động của các ngân hàng  (09/11/2018)
VietinBank triển khai thí điểm kết nối ngân hàng điện tử trên phần mềm kế toán MISA  (09/11/2018)
VietinBank triển khai thí điểm kết nối ngân hàng điện tử trên phần mềm kế toán MISA  (09/11/2018)
Agribank tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động đợt 2, giai đoạn I  (09/11/2018)
Agribank tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động đợt 2, giai đoạn I  (09/11/2018)
Cuộc chiến chống HIV/AIDS ở các tỉnh miền núi phía Bắc  (09/11/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên