Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ngày 01-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ.
Đẩy nhanh xử lý các ngân hàng yếu kém và nợ xấu
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 01-11, các đại biểu đã nêu nhiều câu hỏi đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về việc thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt; việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng; tiến trình xử lý nợ xấu; xử lý các ngân hàng yếu kém, sử dụng ngoại tệ khu vực biên giới…
Tăng cường ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt
Trả lời đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp tiếp tục thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, việc duy trì trần lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong điều kiện kinh tế ổn định vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết về cơ sở pháp lý, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã tập trung hoàn thiện, ban hành 10 Thông tư chỉ đạo việc tăng cường ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Bộ tiêu chuẩn về thẻ chip nội địa cho thẻ ATM, ban hành tiêu chuẩn cơ sở đặc tả kỹ thuật của QR code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua đã được chú trọng đầu tư và nâng cao. Theo ông Lê Minh Hưng, đến cuối tháng 8-2018, số lượng máy Pos (máy thanh toán thẻ) tăng khoảng 23,6% so với cuối năm 2016.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được quản lý, vận hành một cách thông suốt, ổn định, an toàn. Số lượng và giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2018 tăng tương ứng là 28,3% và 30,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng theo ông Lê Minh Hưng, các kênh giao dịch thực hiện qua các phương thức thanh toán mới tăng trưởng rất mạnh.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2018, thanh toán qua Internet tăng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017; thanh toán qua điện thoại di động tăng 40% và 147% tương ứng về số lượng và giá trị. Giao dịch trên máy Pos cũng tăng rất mạnh.
Thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công cũng không ngừng được thúc đẩy và mở rộng. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.
Tính đến cuối tháng 8-2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng cũng đã kết nối với hệ thống nộp thuế tại 63 kho bạc tại các tỉnh thành phố trên cả nước.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng Chương trình “Tiền khéo tiền khôn và những đứa trẻ thông thái” để nâng cao nhận thức cộng đồng về các dịch vụ tài chính.
Liên quan đến lãi suất và việc áp dụng trần lãi suất như là một biện pháp hành chính, ông Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đồng thuận quan điểm hướng tới nền kinh tế thị trường thì cần phải hạn chế áp dụng các biện pháp hành chính.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm, từ năm 2011, khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng khá mạnh đến sự ổn định an toàn về kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam cho các kỳ hạn trên cơ sở phục hồi từng bước, nhờ vậy hoạt động thị trường đã thông suốt hơn.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành dỡ bỏ quy định này; hiện chỉ còn áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi của đồng Việt Nam có kỳ hạn dưới 6 tháng. Việc áp dụng trần lãi suất có cơ sở thực tiễn.
Theo ông Lê Minh Hưng, cấu trúc thị trường tài chính và các cơ chế thị trường ở Việt Nam chưa được hoàn thiện.
Trong bối cảnh thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng vẫn là một kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, việc sử dụng chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp các biện pháp hành chính là cần thiết để đảm bảo an toàn trong các hoạt động của thị trường tiền tệ.
Cũng theo ông Lê Minh Hưng, hiện nay số lượng tổ chức tín dụng tương đối nhiều và có chất lượng chưa đồng đều.
Chính vì vậy, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì và ổn định ở mức hợp lý, bám sát cung cầu thị trường có tác dụng giữ ổn định hoạt động thị trường tiền tệ và “neo” được tâm lý kỳ vọng về lạm phát.
Trong bối cảnh hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, việc duy trì trần lãi suất giúp hỗ trợ, ổn định thị trường tiền tệ. Khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét để dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu chất vấn thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tập trung thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trên nguyên tắc thận trọng và có kết quả, được các tổ chức quốc tế đánh giá thành công.
Tuy nhiên, việc xử lý các ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu. Trong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp đột phá nào để thực hiện hiệu quả nhất trong thời gian tới.
Cùng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre) nêu câu hỏi Thông tư 19 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc cho phép hướng dẫn người dân và doanh nghiệp ở các tỉnh biên giới được lưu hành và sử dụng tiền Việt Nam đồng và Nhân dân tệ (Trung Quốc).
Hiến pháp Việt Nam và luật của Việt Nam quy định chỉ có một đồng tiền Việt Nam đồng, vậy quy định này có vi phạm Hiến pháp không?
Trả lời những chất vấn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết theo quy định của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15-01-2018 và trên cơ sở quy định của pháp luật, các ngân hàng nhà nước đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ để có những chủ trương và Chính phủ đã phê duyệt chủ trương, phương án định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém này.
Tuy nhiên, tiến trình trên còn chậm vì trên cơ sở chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hiện đang tiến hành định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư. Quá trình này mất nhiều thời gian.
Đồng thời, trên cơ sở mức cam kết của các nhà đầu tư và định hướng của Chính phủ, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này.
Ông Lê Minh Hưng cho rằng, tình hình triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu thời gian qua rất quyết liệt và đã đạt được kết quả tích cực. Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15-8-2017, thời gian tổ chức thực hiện mới được hơn một năm.
Cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức sơ kết 1 năm việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo đó, trong hơn một năm, các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 140 nghìn tỷ đồng; riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ đồng trong số nợ đã mua.
Quá trình sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cho thấy có một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ ngành và một số địa phương. Ngân hàng Nhà nước đã có các báo cáo chi tiết gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để tới đây tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là Tòa án nhân dân các cấp, triển khai quyết liệt hơn nữa, xử lý những tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan. Ông Lê Minh Hưng cho rằng, các tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về Thông tư 19 trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Việt Thắng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết sau khi ban hành Thông tư 19, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo giải trình đầy đủ các nội dung liên quan đến các cơ quan có thẩm quyền, đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội.
Ông Lê Minh Hưng khẳng định, các nội dung của Thông tư 19 được ban hành đã tuân thủ đầy đủ quy định của Hiến pháp, pháp luật đặc biệt là Luật Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngoại hối.
Hiến pháp quy định đồng tiền Việt Nam, Pháp lệnh ngoại hối quy định các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam thì sử dụng đồng Việt Nam; tuy nhiên Pháp lệnh ngoại hối cũng có quy định cho phép là sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch.
Theo ông Lê Minh Hưng, trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng có mối quan hệ kinh tế và thương mại với các nước khác trên thế giới.
Trong các mối quan hệ kinh tế đó, hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai và đầu tư phải có các quy định về đồng tiền thanh toán.
Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối cho phép việc sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết.
Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại biên giới với ba nước Trung Quốc - Lào - Campuchia; có Luật Quản lý ngoại thương. Trên cơ sở đó, việc ban hành quy định cho phép ngoại tệ thanh toán trong những giao dịch thương mại đầu tư như vậy hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật.
Đề nghị xử nghiêm các vụ “chạy” bệnh án tâm thần
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội diễn ra sáng 01-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Y tế phải chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án “chạy” bệnh án tâm thần để trốn tội hình sự vì dân và dư luận rất bức xúc trước sự việc này.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về làm giả bệnh án tâm thần để trốn trách nhiệm hình sự, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, qua thông tin báo chí, vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện một bác sỹ và một nhân viên của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 phối hợp làm bệnh án giả tâm thần. Hiện vụ việc này vẫn đang được công an điều tra và chưa có kết luận.
Bước đầu có 94 hồ sơ bệnh án tâm thần phải kiểm tra và nghi bị làm giả. Phía Bộ Y tế đã triệu tập các bệnh viện tâm thần, giám định pháp y tâm thần để chấn chỉnh.
Theo Bộ trưởng Tiến, các quy trình chuẩn đoán chuyên môn, phát hiện, làm bệnh án vào, ra viện đã được ban hành và rà soát hàng năm rất chặt chẽ.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay, trước thực trạng trên, Bộ đã triệu tập tất cả các bệnh viện tâm thần, giám định viên tâm thần để chấn chỉnh.
Tuy nhiên, bà Tiến cho biết, việc khám, chữa bệnh cho người dân khi có dấu hiệu tâm thần được thực hiện ở hệ thống Bệnh viện tâm thần Trung ương 1, Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 và các bệnh viện tỉnh, thành trên cả nước. Với tội phạm, việc xác định bệnh được thực hiện ở hệ thống viện giám định pháp y tâm thần mới có giá trị pháp lý và thường có công an đi cùng khi giám định.
Bà Tiến cho biết, việc dùng bệnh án tâm thần giả để trốn tội hình sự là không dễ. Lý do vì những đối tượng phạm tội muốn chứng nhận là mắc bệnh tâm thần, nếu có làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần thì bên cơ quan công an cũng không đủ căn cứ pháp lý để xác định đây là bệnh nhân tâm thần, mà phải qua một khâu giám định nữa tại Viện pháp y tâm thần trung ương hoặc các Trung tâm giám định pháp y tâm thần vùng, thẩm định kỹ thì mới xác định chính xác là tâm thần.
“Bộ sẽ phối hợp với Bộ công an xử lý nghiêm những nhân viên y tế có hành vi phối hợp với đối tượng làm giả bệnh án tâm thần”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị: “Bộ trưởng Bộ Y tế phải chú ý việc này, không để xảy ra tình trạng cán bộ nhân viên y tế vi phạm pháp luật, đã vi phạm rồi thì phải xử lý nghiêm”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng trốn tránh trách nhiệm hình sự bằng “chạy” bệnh án tâm thần giả khiến dân, dư luận bức xúc.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an phải chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án “chạy” bệnh án tâm thần giả để trốn tội hình sự đã phát hiện được; phối hợp với Bộ Y tế ngăn chặn không để tình trạng này tái diễn.
Xử lý nghiêm hiện tượng trục lợi chính sách người có công
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 01-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình các vấn đề về nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; tình trạng người có công chưa được xem xét công nhận, trong khi đó hiện tượng trục lợi chính sách người có công diễn ra phức tạp, gây bất bình trong nhân dân.
Bảo vệ quyền và lợi ích người lao động
Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 30-9-2018, tổng số tiền nợ các loại bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, đang chờ giải thể, phá sản, doanh nghiệp có chủ là người nước ngoài bỏ trốn… là 1.003 tỷ đồng với 59.000 lao động. Trong khi đó, khoản 7, Điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động. “Vì sao Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực đã gần 3 năm nhưng đến nay quy định này vẫn chưa được ban hành, vướng mắc do đâu, trách nhiệm thuộc về Bộ hay thuộc về Chính phủ?” - đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo khoản 7, Điều 10, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ các biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Thời gian qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó cho phép đóng riêng từng trường hợp để giải quyết quyền lợi người lao động, đồng thời tham mưu cho Thủ tướng ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Quốc hội và đã được Quốc hội thống nhất bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội; trong đó có giải pháp tăng cường thanh tra, xử lý các biểu hiện trốn đóng bảo hiểm…
Bộ trưởng thừa nhận, mặc dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng công tác này chưa đạt được mong muốn. Bộ đang tham mưu cho Chính phủ dự thảo Nghị định nhằm giải quyết triệt để vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay có một số vướng mắc và Bộ đã trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ trưởng tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng để lắng nghe và trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý phương án phù hợp với thông lệ quốc tế, các chính sách hiện hành về bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công
Quan tâm đến chính sách đối với người có công với cách mạng, đại biểu Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) chất vấn: Hiện nay, còn nhiều khó khăn, bất cập chưa được giải quyết trên cả 3 vấn đề: Xác định đối tượng; thủ tục, quy trình xét công nhận và chế độ người có công. Đặc biệt tình trạng người có công chưa được xem xét công nhận, trong khi đó nhiều đối tượng trục lợi chính sách người có công, gây bất bình trong nhân dân mà nguyên nhân chính chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, chế tài đủ mạnh để điều chỉnh. “Có nên xây dựng Luật Người có công không? Nếu chưa xây dựng được luật thì cần phải sửa đổi Pháp lệnh người có công như thế nào để sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay”, đại biểu đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Thời gian qua, việc xem xét, công nhận người có công đã được tiến hành theo các quy định hiện hành. Đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công đang được tiến hành quyết liệt và từng bước có hiệu quả nhất định. Bộ trưởng khẳng định, nhìn tổng thể, chính sách người có công đã thực hiện một cách nghiêm minh, đảm bảo đúng, đủ và kịp thời. Cả hệ thống chính trị đều quan tâm; nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương từng bước đã đưa vấn đề này trở thành văn hóa trong ứng xử.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình thực hiện gần 70 năm qua cho thấy vẫn còn hiện tượng trục lợi chính sách người có công. Gần đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quyết liệt trong việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đến nay, Bộ và các địa phương đã phát hiện, đình chỉ thực hiện chính sách 6.510 trường hợp gồm thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đến tháng 8-2018, đã kết thúc thanh tra ở 7 quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô. Toàn bộ hồ sơ thương binh được lập trong giai đoạn 2015 - 2018 là 66.014 hồ sơ. Đến nay, Bộ trưởng đã quyết định đình chỉ 2.281 trường hợp hưởng chính sách không đúng như khai man, giả mạo, hồ sơ không đầy đủ...; kiến nghị thu hồi 194,78 tỷ đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành, địa phương đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về chính sách người có công. Các cơ quan chức năng cũng truy tố 49 vụ, trong đó có 171 bị cáo, phạt tù 45 người, xử án treo 124 người. “Thời gian qua, Bộ và các địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm và bước đầu có hiệu quả nhất định”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quan điểm của Bộ là không ban hành Luật Người có công. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang tiến hành quy trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi toàn diện Pháp lệnh người có công với cách mạng. Thời gian tới, Bộ sẽ lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin, tố giác hành vi vi phạm; tổng kết, phân loại vi phạm... Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thanh tra toàn bộ 320.000 hồ sơ người tham gia kháng chiến và con đẻ người tham gia kháng chiến chịu ảnh hưởng chất độc hóa học; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm mọi vi phạm; đảm bảo sự tôn nghiêm pháp luật và niềm tin nơi nhân dân./.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy Ban Tổ chức Trung ương  (01/11/2018)
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội  (01/11/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nắm bắt xu thế chuyển động toàn cầu hóa để thực hiện nhiệm vụ phát triển  (01/11/2018)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Chất vấn các thành viên Chính phủ về nhiều vấn đề nóng  (01/11/2018)
Làm thế nào để quy định từ chức áp dụng được với các đảng viên?  (01/11/2018)
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội  (01/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển