TCCSĐT - Đúng 9 giờ ngày 22-10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi. Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã họp phiên trù bị, thảo luận, thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Bên cạnh nhiệm vụ lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội tập trung thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời xem xét, quyết định vấn đề nhân sự.

Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây là Hiệp định quan trọng, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế-xã hội, ngoại giao của đất nước.

Công tác giám sát là một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp. Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020: phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, về tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, đồng thời đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào những vấn đề Chính phủ đã thực hiện từ đầu nhiệm kỳ tới nay, phân tích rõ nguyên nhân những mặt chưa làm được và đề ra giải pháp khắc phục.

Dự kiến sẽ có 15 phiên họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến làm việc đến ngày 21-11.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực,… Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng:

- Thứ nhất, bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

- Thứ hai, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và 1 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

- Thứ ba, trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

- Thứ tư, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước, của địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước./.