TCCSĐT - Hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2018 của Hà Nội đều hoàn thành vượt mức. Thành phố đã duy trì được đà tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt dự toán, môi trường đầu tư mở rộng, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp tăng cao.

Nhiều điểm sáng

Qua các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô trong 6 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế có sự tăng trưởng khá; công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đất đai có nhiều chuyển biến tích cực; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện và nâng cao.

Hầu hết các lĩnh vực kinh tế có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Trong 6 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tính theo phương pháp mới tăng 7,07% (phương pháp cũ tăng 7,78%). Trong đó, dịch vụ tăng 7,04%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,72% và nông, lâm, thủy sản tăng 2,99%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,95%.

Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm cũng tăng 3,4% và đã bảo đảm cung ứng hàng hóa cho nhân dân, không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến trong các dịp cao điểm.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cũng tăng 19% so với cùng kỳ, đạt 120.000 tỷ đồng (bằng 50,4% dự toán). Chi ngân sách ước thực hiện 31,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ (đạt 32,7% dự toán). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,1%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6.158 triệu USD, tăng 10,3%.

Đáng chú ý, kế hoạch xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện ngay từ đầu năm; đã hoàn thành thẩm tra, chấm điểm và hoàn thiện thủ tục công nhận 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017, góp phần nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 294 xã (đạt 76,2%).

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư được đẩy mạnh. Thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khâu còn yếu kém, trì trệ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút mọi nguồn lực, tạo đà cho sự phát triển.

Đối với doanh nghiệp, thành phố tiếp tục rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công…; hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án, duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Trong 6 tháng đã có hơn 12.000 doanh nghiệp thành lập mới vốn đăng ký 124.000 tỷ đồng. Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.

Về tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm ước thực hiện 128,9 nghìn tỷ đồng (tăng 9,9%). Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD (gấp 5,4 lần cùng kỳ và tạm vượt lên đứng đầu cả nước); lũy kế đến nay có 4.330 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 33,38 tỷ USD (trong đó đã giải ngân khoảng 15,4 tỷ USD).

Quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến. Công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, bảo đảm cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải. Đã hoàn thành nâng công suất và đưa vào vận hành một số nhà máy nước kịp thời bổ sung nguồn cấp nước hiện tại, bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè. Hiện nay, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch trong khu vực 12 quận nội thành, đạt xấp xỉ 100% và khu vực ngoại thành đạt 52%.

Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường được đổi mới (tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% tại 12 quận nội thành, thị xã Sơn Tây và đạt 88% tại khu vực nông thôn); công tác quản lý, duy trì cây xanh, công viên, vườn hoa, thảm cỏ được quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, giảm công chăm sóc và từng bước tăng độ phủ cây xanh; quản lý trật tự đô thị, lòng đường vỉa hè được tăng cường và chuyển biến tích cực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý giao thông và môi trường đô thị; mở rộng không gian văn hóa, du lịch, giải trí... Nhờ đó, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại.

Văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ của Thủ đô tiếp tục phát triển, dẫn đầu cả nước trên nhiều tiêu chí. Hệ thống cơ sở vật chất giáo dục; khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư nâng cấp. Khoảng cách về đời sống giữa đô thị và nông thôn được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Thành phố đã thành lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân được trên 3,755 triệu hộ; nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên 84,4%; hỗ trợ nhà cho 4.341 hộ nghèo…Cùng với đó, chính trị ổn định, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác quốc phòng và quân sự địa phương được tăng cường; công tác đối ngoại được mở rộng; vai trò, vị thế của Thủ đô ngày càng được nâng cao trong nước và quốc tế.

Tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, việc phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội trong 6 tháng qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp so với tiềm năng, lợi thế đang có của Thủ đô; công tác thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tốt nhưng tiến độ giải ngân còn chậm; các vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn diễn ra; công tác y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt còn hạn chế, vẫn xảy ra tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến thành phố...

Trước những kết quả và hạn chế trên, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện tích cực phố hợp chặt chẽ nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố, bao gồm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tập trung thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, các chỉ tiêu đạt kết quả thấp hoặc dự báo khó hoàn thành như: tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người; tiến độ các công trình trọng điểm; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, các chỉ tiêu môi trường khác...

Hai là, tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0; chú ý khai thác các tiềm lực, động lực mới thúc đẩy phát triển công nghiệp; thực hiện các giải pháp tăng cường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển du lịch; phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách, bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển ngày càng tăng…

Ba là, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; quyết liệt tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; duy trì “tính bền vững” đối với các xã, huyện đã được công nhận; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

Năm là, tạo chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tiếp tục phát triển, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về sự nghiệp giáo dục - đào tạo; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân.

Sáu là, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm công tác quốc phòng thường xuyên, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…/.