Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp, cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước

Nguyễn Huy Quý PGS, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
23:41, ngày 04-07-2018

TCCS - Tại kỳ họp đầu tiên (từ ngày 05-3 đến 20-3-2018) Quốc hội khóa XIII Trung Quốc đã thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phương án cải cách bộ máy chính phủ. Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi tới Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc bản “Kiến nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số nội dung sửa đổi Hiến pháp”(1). Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 26-02 đến 28-02-2018) đã ra Nghị quyết về cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu(2). Sửa đổi Hiến pháp và cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước lần này ở Trung Quốc đề cập nhiều vấn đề về tư tưởng, lý luận và đường lối, chính sách cũng như tình hình thực tiễn Trung Quốc hiện nay.

Sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Những nội dung được sửa đổi trong Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa lần này là sự khẳng định về mặt pháp lý những đường lối, chính sách của Đại hội XIX Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, sự vận dụng những đường lối, chính sách đó vào thực tiễn Trung Quốc trong tình hình mới.

Đến nay, Hiến pháp năm 1954 của nước CHND Trung Hoa đã trải qua 8 lần sửa đổi, cùng với quá trình thay đổi của tình hình kinh tế - chính trị - xã hội. Trong 9 bản hiến pháp được ban hành đó, có 3 bản mang dấu ấn “thời đại” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiến pháp năm 1954 mang dấu ấn của “thời đại” Mao Trạch Đông; Hiến pháp (sửa đổi) năm 1982 mang dấu ấn của “thời đại” Đặng Tiểu Bình; Hiến pháp (sửa đổi) năm 2018 mang dấu ấn của “thời đại” Tập Cận Bình. Bản kiến nghị của Trung ương ĐCS Trung Quốc về sửa đổi Hiến pháp xác định sửa đổi Hiến pháp lần này là “căn cứ vào tình hình mới, thực tiễn mới trong công cuộc xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Tư tưởng chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp (sửa đổi) lần này là “tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Tư tưởng đó đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIX của ĐCS Trung Quốc (tháng 10-2017) và khẳng định về mặt pháp lý trong Hiến pháp nước CHND Trung Hoa (sửa đổi) năm 2018.

Trên cơ sở kiến nghị của Trung ương ĐCS Trung Quốc, sửa đổi của Hiến pháp lần này bao gồm 22 nội dung, trong đó có một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, trong phần tổng quan của Hiến pháp, câu “Dưới sự chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng ba đại diện” sửa lại là “Dưới sự chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Cụm từ “kiện toàn pháp chế xã hội chủ nghĩa” được sửa lại là “kiện toàn pháp trị xã hội chủ nghĩa”. Câu “thúc đẩy văn minh vật chất, văn minh chính trị và văn minh tinh thần phát triển hài hòa, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh” được sửa lại là “thúc đẩy văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái phát triển hài hòa, xây dựng nước ta thành một cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”(1). Những sửa đổi đó cho thấy, Hiến pháp mới đã nâng tầm tư tưởng và vị trí lịch sử của Tập Cận Bình ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình; không nêu nêu đích danh tên của những người đề xướng “tư tưởng quan trọng ba đại diện” và “quan điểm phát triển khoa học”; chủ trương “tam vị nhất thể” (phát triển hài hòa văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần) được chuyển sang chủ trương “ngũ vị nhất thể” (phát triển hài hòa văn minh vật chất, văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái); mục tiêu xây dựng một “quốc gia xã hội chủ nghĩa...” được đổi sang mục tiêu xây dựng một “cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”.

Hai là, về Mặt trận Thống nhất yêu nước, Hiến pháp mới quy định bao gồm không chỉ “những người lao động xã hội chủ nghĩa, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, những người yêu nước ủng hộ chủ nghĩa xã hội và những người yêu nước ủng hộ thống nhất Tổ quốc (như quy định trong Hiến pháp hiện hành), mà còn cả những người góp sức vào sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”.

Về quan hệ dân tộc trong nước, câu “quan hệ dân tộc chủ nghĩa xã hội bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ đã được xác lập và sẽ tiếp tục tăng cường” trong Hiến pháp hiện hành được sửa thành “quan hệ dân tộc xã hội chủ nghĩa bình đẳng, đoàn kết, hỗ trợ và hài hòa đã được xác lập và sẽ tiếp tục tăng cường”.

Ba là, về quan hệ quốc tế, Hiến pháp mới bổ sung: Trung Quốc “kiên trì con đường phát triển hòa bình, kiên trì chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng..., thúc đẩy xây dựng “cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”.

Bốn là, về vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền của đảng cộng sản. Các hiến pháp được ban hành trước đây chưa xác định rõ vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì thế những thế lực chống đối thường lợi dụng tình hình đó để bàn luận về tính hợp hiến của sự lãnh đạo và vị trí cầm quyền của Đảng. Hiến pháp (sửa đổi) lần này quy định rõ “chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ căn bản của nước CHND Trung Hoa. Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo là đặc trưng bản chất nhất của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Năm là, về vấn đề nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Hiến pháp hiện hành quy định: “Mỗi nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa tương đồng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên tục”. Hiến pháp (sửa đổi) lần này chỉ quy định “Mỗi nhiệm kỳ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa tương đồng với nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc”, không còn quy định “... không được vượt quá hai nhiệm kỳ liên tục”(4).

Sáu là, việc thiết lập Ủy ban Giám sát quốc gia và ủy ban giám sát các cấp địa phương. Tổ chức nhân sự của ủy ban giám sát gồm: chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, các ủy viên. Hiến pháp mới quy định, nhiệm kỳ của Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia tương đồng với nhiệm kỳ của Hội nghị đại biểu nhân dân cùng cấp. Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia không được tại chức quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tổ chức và chức năng, quyền hạn của Ủy ban Giám sát quốc gia do pháp luật quy định. Ủy ban Giám sát quốc gia nước CHND Trung Hoa là cơ quan giám sát tối cao. Ủy ban Giám sát quốc gia chịu trách nhiệm trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội).

Trong các nội dung sửa đổi Hiến pháp chủ yếu nói trên, có ba nội dung quan trọng nhất và được dư luận quan tâm nhất, đó là vị trí của tư tưởng Tập Cận Bình; việc xóa bỏ quy định hạn chế hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; việc thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia.

Về vị trí của tư tưởng Tập Cận Bình: Thực ra “Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (sửa đổi) được thông qua tại Đại hội XIX đã quy định “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới đã cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện, quan điểm phát triển khoa học tạo thành kim chỉ nam hành động của Đảng”(5). Lần này, tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào Hiến pháp, có nghĩa là được khẳng định về mặt pháp lý trong hệ thống chính trị của quốc gia. Điều đó có nghĩa là, từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, cũng là từ sau ngày thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc do Tập Cận Bình giữ vai trò “hạt nhân” lên cầm quyền, Trung Quốc đã chuyển sang “thời đại mới”. “Trung Quốc thời đại mới” đã và đang là đề tài được giới nghiên cứu và dư luận quốc tế quan tâm.

Việc Ủy ban Giám sát quốc gia có chức năng là cơ quan giám sát tối cao là một điểm mới quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp và cũng là một bước tiến trong cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc. Trước đây trong Đảng có “Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương”, Nhà nước có “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”, “Tòa án Nhân dân tối cao”, nay có thêm Ủy ban Giám sát quốc gia với chức năng là “cơ quan giám sát tối cao”, “thực hiện quyền giám sát độc lập, không bị sự can thiệp của các cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội và cá nhân. Trong xử lý các vụ án nghi phạm chức vụ và tội phạm chức vụ, cơ quan giám sát cần cùng các cơ quan tòa án, cơ quan kiểm sát, các ngành chấp pháp, phối hợp với nhau, chế tài lẫn nhau”. Sự thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia, kết hợp giám sát trong Đảng với giám sát xã hội, sẽ tạo điều kiện cho ban lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong thời gian tới.

Cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước

Cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước nhằm hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị đất nước là một nhiệm vụ rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa. Kể từ khi tiến hành cải cách, mở cửa đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải cách bộ máy nhà nước quy mô lớn vào các năm 1982, 1988, 1993, 1998, 2008, 2013. Nhiều khiếm khuyết trong hệ thống chức năng, cơ cấu nhà nước đã được khắc phục từng bước, mở đường cho việc từng bước tối ưu hóa hệ thống chức năng, nâng cao hiệu quả công tác. Tuy nhiên những hạn chế trong lĩnh vực này ở Trung Quốc vẫn còn nhiều, hơn nữa trong tình hình mới lại nảy sinh những vấn đề mới. Trung Quốc cần thúc đẩy cải cách theo chiều sâu bộ máy của Đảng và Nhà nước. Đó là lý do Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX ĐCS Trung Quốc đã ra “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về cải cách bộ máy Đảng và Nhà nước theo chiều sâu”(6). Nghị quyết đã khẳng định những kết quả cải cách chính trị ở Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII của ĐCS Trung Quốc tới nay, đồng thời chỉ ra những khiếm khuyết, bất cập trong việc thực hiện hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản lý nhà nước. “Chủ yếu là: trong một số lĩnh vực, việc sắp xếp bộ máy và xác định chức năng của các cơ quan đảng chưa hoàn toàn phù hợp, chưa đủ mạnh, cần phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, hoàn thiện thể chế cơ chế quản lý Đảng nghiêm túc, toàn diện. Trong một số lĩnh vực, tình trạng bộ máy của Đảng và Nhà nước trùng lặp, chức năng chồng chéo, quyền hạn và trách nhiệm không gắn chặt với nhau còn tương đối nổi cộm. Vấn đề nổi lên là việc sắp xếp bộ máy và phân rõ chức trách trong một số cơ quan chính quyền chưa thật khoa học, chức trách không rõ và hiệu năng không cao, việc chuyển đổi chức năng của Chính phủ chưa được thực hiện đầy đủ. Trong một số lĩnh vực, chức năng bộ máy trung ương và địa phương chưa được xác định rõ, phân chia quyền hạn và trách nhiệm chưa thật hợp lý. Cần phải hoàn thiện việc sắp xếp bộ máy và xác định quyền lực cho cấp cơ sở, cải tiến hơn nữa năng lực tổ chức quần chúng, phục vụ quần chúng. Cần phải hoàn thiện việc sắp xếp bộ máy và xác định quyền lực cho cấp cơ sở, cải tiến hơn nữa năng lực tổ chức quần chúng, phục vụ quần chúng. Cần phải nâng cao trình độ hòa nhập giữa phát triển quân sự và dân sự, tăng cường tính chính trị, tính tiên tiến, tính quần chúng của các tổ chức đoàn thể quần chúng. Về các đơn vị sự nghiệp, tình trạng định vị chưa chuẩn, chức năng chưa rõ, hiệu quả chưa cao vẫn còn nhiều. Trong một số lĩnh vực, cơ chế, chế tài quyền lực và giám sát chưa thật hoàn thiện, tình trạng lạm dụng chức quyền, dùng quyền lực để tư lợi vẫn tồn tại. Việc khoa học hóa, quy phạm hóa, pháp định hóa biên chế bộ máy còn tương đối trì trệ, phương thức quản lý biên chế bộ máy cần được cải tiến”. Đó là những vấn đề tồn tại và phương hướng khắc phục trong cải cách theo chiều sâu bộ máy của Đảng và Nhà nước ở Trung Quốc hiện nay.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX ĐCS Trung Quốc về cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu đã nói rõ tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và nguyên tắc cần quán triệt trong quá trình cải cách. Tư tưởng chỉ đạo cho công cuộc cải cách này chủ yếu là “tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”. Mục tiêu chung của cải cách là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Mục tiêu cụ thể của cải cách là “xây dựng một hệ thống chức năng bộ máy của Đảng và Nhà nước có hệ thống hoàn chỉnh, quy cách khoa học, vận hành hiệu quả cao, hình thành một hệ thống lãnh đạo của Đảng có thể quán xuyến toàn cục, điều hòa các mặt, một hệ thống quản lý chính quyền với chức trách rõ ràng, phối hợp hiệu quả, một hệ thống lực lượng vũ trang đặc sắc Trung Quốc hàng đầu thế giới, một hệ thống công tác đoàn thể quần chúng liên hệ rộng rãi, phục vụ quần chúng, thúc đẩy Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, cơ quan giám sát, cơ quan thẩm phán, cơ quan kiểm sát, đoàn thể nhân dân, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức xã hội,... dưới sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp hành động, tăng cường sức mạnh tổng hợp, nâng cao toàn diện năng lực quản lý và trình độ quản lý nhà nước”. Cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu phải tuân thủ các nguyên tắc: kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; đặt nhân dân ở vị trí trung tâm; nắm vững nguyên tắc tối ưu hóa, phối hợp chặt chẽ, đạt hiệu quả cao; nắm vững nguyên tắc quản lý đất nước bằng pháp luật.

Cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu lần này bao hàm một phạm vi rộng những nội dung theo yêu cầu của từng đối tượng cải cách.

Cải cách theo chiều sâu bộ máy của Đảng nhằm mục tiêu hoàn thiện chế độ lãnh đạo toàn diện của Đảng. Để thực hiện mục tiêu đó, cần xây dựng và kiện toàn thể chế, cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với những công tác quan trọng; tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng đối với các tổ chức cùng cấp; phát huy hơn nữa vai trò chuyên ngành chức năng của Đảng; bố trí đồng bộ bộ máy của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy cải cách thể chế kiểm tra kỷ luật và thể chế giám sát nhà nước.

Đối với cải cách bộ máy nhà nước, nhiệm vụ quan trọng là chuyển đổi chức năng của Chính phủ. Trung Quốc đang cố gắng khắc phục khiếm khuyết về thể chế, cơ chế gây trở ngại trong việc để thị trường đóng vai trò quyết định đối với phân bổ nguồn lực và cũng để Chính phủ phát huy tốt hơn chức năng của mình, hướng tới một hệ thống kinh tế hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với mọi mặt trong đời sống xã hội. Những giải pháp lớn nhằm đạt mục đích đó là bố trí hợp lý chức năng của các ngành trong quản lý vĩ mô; thúc đẩy tinh giản bộ máy hành chính, hạn chế đến mức thấp nhất sự can thiệp trực tiếp của chính quyền đối với hoạt động của thị trường; hoàn thiện thể chế giám sát quản lý và chấp pháp đối với hoạt động của thị trường; cải cách thể chế quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái; hoàn thiện thể chế quản lý dịch vụ công; không chỉ tăng cường khâu xét duyệt các dự án, mà quan trọng hơn là quản lý việc triển khai các dự án đã được xét duyệt; nâng cao hiệu suất công tác của Chính phủ qua sắp xếp bộ máy và phân công, phân nhiệm một cách khoa học.

Vấn đề được đặt ra trong đợt cải cách này là tiến hành đồng bộ cải cách bộ máy của Đảng, của chính quyền, của quân đội và của các tổ chức đoàn thể quần chúng, giải quyết một cách đúng đắn và có hiệu quả mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động của chính quyền, quân đội và các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đề ra hiện nay là: sắp xếp, bố trí bộ máy của Đảng và chính quyền một cách hoàn thiện hơn, giải quyết thỏa đáng hơn mối quan hệ chức năng và trách nhiệm giữa cơ quan đảng và cơ quan chính quyền; đi sâu cải cách bộ máy của Quốc hội (nhân dân), Mặt trận (chính hiệp), tư pháp; đi sâu cải cách các tổ chức đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, các đơn vị sự nghiệp; đi sâu cải cách các vấn đề liên quan giữa quân đội, cảnh sát, dân sự.

Về mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương, yêu cầu đề ra cho đợt cải cách này là tối ưu hóa việc sắp xếp bộ máy và xác định chức năng của địa phương một cách đồng bộ, hình thành mối quan hệ làm việc từ Trung ương đến địa phương thật thông suốt, đầy sức sống, có lệnh là thi hành, điều gì cấm là không thực hiện. Các giải pháp lớn là bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất; tăng thêm quyền tự chủ cho các bộ máy từ cấp tỉnh trở xuống; xây dựng một thể chế quản lý cơ sở tinh giản, hiệu suất cao; chấn chỉnh thể chế quản lý theo ngành dọc và thể chế quản lý phân cấp địa phương.

Để bảo đảm cho cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu, Trung Quốc chủ trương tăng cường những quy định bằng luật pháp trong biên chế bộ máy. Giải pháp lớn là hoàn thiện chế độ pháp quy về bộ máy của Đảng và Nhà nước; thắt chặt sự quản lý đối với biên chế bộ máy; tăng cường giám sát và xử lý những vi phạm trong biên chế bộ máy.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XIX của ĐCS Trung Quốc đã nhấn mạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc cải cách bộ máy của Đảng và Nhà nước theo chiều sâu. Tại kỳ họp tháng 3-2018, Quốc hội Trung Quốc cũng đã thông qua Phương án cải cách bộ máy Quốc Vụ viện (Chính phủ), do Thủ tướng Lý Khắc Cường đề trình, theo đó, sau khi được cải cách, Chính phủ sẽ gồm 26 bộ và đơn vị tương đương (ngoài Văn phòng Chính phủ)(5)./.

-------------------------------------------------

(1) http://www.xinhuanet.com/politics/2018-02/25/c_1122451187.htm
(2) http://www.gov.cn/zhengce/2018-03/04/content_5270704.htm
(3) Dự thảo “Hiến pháp nước CHND Trung Hoa (sửa đổi), http://lianghui.people.com.cn/2018npc/n1/2018/0307/C417507-29851998.html
(4) Hiến pháp nước CHND Trung Hoa (sửa đổi) năm 1982 lần đầu tiên đưa ra “Quy định các nhà lãnh đạo nhà nước không được đảm nhiệm cùng chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, xóa bỏ trên thực tế chế độ giữ chức vụ “lãnh đạo suốt đời” là nhằm khắc phục tình trạng đó dưới thời Mao Trạch Đông; Liên Cái Long: Biên niên sử nước CHND Trung Hoa (1949 - 2009), Nxb. Nhân dân, Bắc Kinh, 2010, tr. 451
(5) http://news.xinhuanet.com/policitics/19cpc/2017-10/c_1121850042.htm
(6) http://www.gov.cn/zhengce/2018-03/04/content_5270704.htm
(7) http://www/xinhuanet.com/politics/2018 lh/2018-03/c_1122528559.htm (Chính phủ gồm 21 bộ và 5 đơn vị tương đương)