TCCSĐT - Thủ tướng ký quyết định kỷ luật khiển trách Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai; Quyết định đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Phạm Lê Tuấn; Báo cáo thẩm định đầu tư dự án xây Bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)… là những chỉ đạo, quyết định mới của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 29-5-2018 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016 - 2021, do bị kỷ luật về Đảng theo Quyết định số 741-QĐ/UBKTTW ngày 24-4-2018 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận, ông Đinh Quốc Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có vi phạm, khuyết điểm sau: Cùng chịu trách nhiệm về những thiếu sót, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; với cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2006 - 2011, ông Thái ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa khi chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định; với cương vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Thái đã thiếu chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký văn bản trái pháp luật liên quan đến một số dự án.

Kéo dài thời gian giữ chức Thứ trưởng Y tế đối với ông Phạm Lê Tuấn


Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Phạm Lê Tuấn, kể từ ngày 25-5-2018 cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn là phó giáo sư-tiến sỹ, sinh năm 1958. Theo cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Thứ trưởng Tuấn phân công giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng chính sách với các lĩnh vực công tác: Bảo hiểm y tế; Giúp Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế, y tế, tài chính y tế;

Giúp Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng chính sách liên quan đến cơ sở hạ tầng; Thống kê y tế; Đổi mới phát triển doanh nghiệp; Quốc phòng, an ninh và kết hợp quân dân y, phòng chống thảm họa, thiên tai, tìm kiếm cứu nạ, bão lụt; tham gia ban chỉ đạo Chương trình nông thôn mới, Ban chỉ đạo Tây Bắc; Giúp Bộ trưởng một số công việc cụ thể trong lĩnh vực quản lý dược, mỹ phẩm theo sự phân công của Bộ trưởng.

Báo cáo thẩm định đầu tư dự án xây Bến cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng)

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (Dự án) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 913/VPCP-CN ngày 25-01-2018 của Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm định của Bộ Giao thông Vận tải để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Trên cơ sở kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hoàn thiện nội dung báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư Dự án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung, hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng hiện tại bao gồm hai khu bến chính là khu bến Tiên Sa và khu bến Sơn Trà (Thọ Quang).

Theo số liệu thống kê, khối lượng hàng qua cảng năm 2016 là 5,7 triệu tấn và dự báo sẽ tăng lên khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Lượng hàng này sẽ vượt qua năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) sau năm 2020 và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của tuyến đường giao thông kết nối cảng đi qua nội đô TP Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, môi trường và tác động tiêu cực đến nhiệm vụ phát triển du lịch của thành phố.

Do vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để mở rộng hệ thống cảng Đà Nẵng là cần thiết, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Báo cáo Dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Dự án) để trình Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2155/VPCP-CN ngày 08-3-2018 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện các quy trình, thủ tục thẩm định, thẩm tra và kinh phí liên quan đến Dự án theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình các cơ quan có thẩm quyền về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu vận tải và tăng cường sự kết nối giữa các thành phố lớn trên trục Bắc - Nam (nhất là việc kết nối hai trung tâm kinh tế lớn là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) bằng hệ thống giao thông vận tải tốc độ cao, an toàn; đồng thời, phát triển hài hòa các phương thức vận tải; trên cơ sở đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 214/QĐ-TTg ngày 10-02-2015) và điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định 1468/QĐ-TTg ngày 24-8-2015); theo đó, dự kiến lộ trình phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với các giai đoạn như sau:

Đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, đặc biệt khu vực kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh như các đoạn Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.

Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/h đến dưới 200 km/h), đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350 km/h.

Căn cứ lộ trình nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải triển khai rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án./.