TCCSĐT - Sáng 29-5, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, dương lịch 2018 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

* Tại Hà Nội, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562, dương lịch 2018 đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Dự lễ có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam; các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tôn giáo bạn cùng đông đảo Phật tử.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562.

Thông điệp nêu rõ những thành tựu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được trong những năm qua, tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam nâng cao tinh thần: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, nỗ lực không ngừng để Đạo Phật tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Diễn văn Phật đản do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình bày khẳng định Đại lễ Phật đản năm nay được tăng ni, Phật tử Việt Nam long trọng kỷ niệm trong niềm hoan hỉ vô biên của dư âm thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, với 9 mục tiêu, phương hướng mang tầm chiến lược; hướng tới phát triển Giáo hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, kế thừa tinh hoa 2.000 năm Phật giáo Việt Nam gắn liền với dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Hòa thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh, năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đại hội. Trong thời gian tới, Giáo hội sẽ tập trung nêu cao tính kỷ cương, hành chính, giới luật để trang nghiêm Giáo hội. Giáo hội kêu gọi toàn thể tăng ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài nỗ lực trong tu tập Giới - Định - Tuệ thông qua chính đạo, thực hiện lời dạy của Đức Phật; sống hòa hợp vì phận sự chung, vì lợi ích của dân tộc và sự nghiệp phục vụ chúng sinh để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc, sống tốt đời đẹp đạo.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đại lễ Phật đản không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của nhân dân theo đạo Phật ở Việt Nam, mà còn là một lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận từ năm 1999. Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn, phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Phật giáo Việt Nam với truyền thống gần 2.000 năm luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Ngày nay, phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sinh động sự gắn bó giữa đạo với đời. Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần “Hộ quốc an dân”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng vươn lên, từng bước củng cố, phát triển lớn mạnh về mọi mặt; thể hiện sự hòa hợp, đoàn kết, thống nhất, giữ gìn, tiếp tục phát huy tinh thần gắn bó với dân tộc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện để các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng hoạt động theo đúng pháp luật; tạo môi trường sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ổn định, lành mạnh.

Với truyền thống của Phật giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương hướng tu hành; khẳng định giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của tăng ni, Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về, chung tay cùng ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng phồn vinh.

Trước đó, sáng 28-5, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức lễ thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày lễ Phật đản. Đây là một trong những nội dung triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2018.

** Tại Việt Nam Quốc tự, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 (Dương lịch 2018).

Dự lễ có các vị Hòa thượng đại diện Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, cùng hàng nghìn tăng ni, phật tử của thành phố.

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản Phật lịch 2562 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Thông điệp nhắn nhủ tới các tăng ni, phật tử: “Hơn 26 thế kỷ qua, con đường giác ngộ mà Ngài đã soi sáng cho chúng ta đi đến bến bờ hạnh phúc, an lạc mãi mãi là chân lý thực tiễn phá bỏ sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột và nghèo đói đem đến hòa bình và sự thịnh vượng cho nhân loại trên khắp hành tinh. Ánh sáng đó chiếu rọi đến đâu là ở đó tràn ngập tình thương yêu và trí tuệ sáng suốt cho sự phát triển bền vững vì lợi ích của số đông và vì hạnh phúc của loài người. Mỗi chúng ta phải nỗ lực cho đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại an lạc, hạnh phúc cho bản thân và gia đình, sự phồn vinh cho đất nước, hòa bình cho nhân loại”.

Năm nay là năm kỷ niệm 1000 năm ngày viên tịch của Vạn Hạnh thiền sư, vị Quốc sư có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập nên vương triều Lý lấy tư tưởng triết lý Phật giáo là tư tưởng chủ đạo của quốc gia độc lập tự chủ Đại Việt. Đồng thời, chúng ta cũng chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 710 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, vị Sơ Tổ khai sáng nền Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng hòa quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo tiêu biểu của tinh thần nhập thế Phật giáo Việt Nam.

Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn, kính mừng ngày đức Phật đản sinh, mỗi tăng ni, phật tử, tổ chức thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nâng cao tinh thần: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã phát huy truyền thống tốt đẹp “hộ quốc-an dân” hơn 2.000 năm của Phật giáo, luôn hoạt động theo đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” với phương châm “Đoàn kết hòa hợp - Trưởng dưỡng đạo tâm” - Trang nghiêm giáo hội”, đã và đang làm được nhiều việc “lợi đạo - ích đời”. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố thông qua hoạt động hoành dương, chính pháp, đã hướng dẫn tăng ni, phật tử sống trong chánh tín, thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, làm tròn nghĩa vụ công dân, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc...

Bà Tô Thị Bích Châu khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan chức năng của thành phố sẽ triển khai thực hiện tốt chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ tôn giáo “sống tốt đời, đẹp đạo” tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp phát động, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện mục xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”; tập trung nỗ lực, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị để khơi thông sức mạnh nội tại, phát huy sức mạnh hội nhập, để mục tiêu cuối cùng là phụng sự nhân dân, trong đó tôn trọng tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mọi người dân, lan tỏa tinh thần hòa quang đồng trần để Đạo pháp mãi sáng ngời trong lòng dân tộc. Đoàn kết cùng các tôn giáo khác và nhân dân cả nước trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tại Đại lễ đã diễn ra nghi lễ dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an, thả chim bồ câu và bóng bay cầu thế giới hòa bình, đất nước thịnh vượng./.