Hội nghị mùa Xuân Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới 2018: “Nóng” chủ đề căng thẳng thương mại
TCCSĐT - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành nội dung chi phối Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang diễn ra tại Washington của Mỹ.
“Nóng” chủ đề căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Trong ngày làm việc 20-4, quan chức tài chính các nước đã kêu gọi giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại thay vì đơn phương áp đặt các loại thuế, đồng thời cảnh báo mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu. Phát biểu bên lề hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định, thế giới đang đối mặt với nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại và khả năng sụp đổ của trật tự đa phương, đe dọa đến nền kinh tế và tăng trưởng toàn cầu. Ông chỉ trích các chiến lược thương mại của Washington, đồng thời tuyên bố Pháp sẽ không bị cuốn vào một vụ tranh chấp “vô nghĩa” với Trung Quốc. Mặc dù nhất trí Trung Quốc cần tôn trọng các nguyên tắc, song Bộ trưởng Le Maire nhấn mạnh quốc gia này là một bộ phận then chốt của hệ thống thương mại thế giới. Ông nêu rõ: “Chúng ta phải xác định lại thương mại quốc tế với Trung Quốc, thay vì chống lại Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lại cho rằng, sai lầm thuộc về những quốc gia áp dụng các chính sách thương mại không công bằng. Trong tuyên bố của mình, quan chức tài chính hàng đầu của Tổng thống Mỹ D. Trump nêu rõ: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các hoạt động thương mại toàn cầu bất bình đẳng cản trở tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn của Mỹ và thế giới, và là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu”. Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde kêu gọi tận dụng thể chế này như một diễn đàn giải quyết các khác biệt, ông S. Mnuchin lại cho rằng IMF “nên là một tiếng nói mạnh mẽ” nhằm hối thúc các thành viên “dỡ bỏ các rào cản thương mại và phi thế quan, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”.
Việc đánh cắp công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ đã trở thành yếu tố chủ chốt châm ngòi cho những bất đồng và mâu thuẫn giữa nước này với Trung Quốc, khiến Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định ban hành mức thuế mới đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng chục tỷ USD. Cả Washington và Bắc Kinh đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).
Trước đó, Tổng Giám đốc WTO R. Azevedo đã cảnh báo sự leo thang tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm “trật bánh” đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, đe dọa sự mở rộng kinh tế và đẩy nhiều việc làm có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde cũng nhấn mạnh căng thẳng thương mại như một nguy cơ lớn đối với đà phục hồi toàn cầu vững chắc. Bà cho rằng, tranh chấp thương mại sẽ gây xói mòn niềm tin và tạo bất ổn, đe dọa hoạt động đầu tư, vốn là động lực chính thúc đẩy đà phục hồi toàn cầu. Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc. Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung.
G20 bế tắc trong giải quyết tranh chấp thương mại
Mặc dù đều nhất trí cho rằng các tranh chấp thương mại là mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu, song các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không đưa ra bước đi cụ thể nào nhằm giải quyết vấn đề trên.
Phát biểu với báo giới ngày 20-4 sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Washington diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị mùa Xuân thường niên của IMF và WB, Bộ trưởng Tài chính Argentina N. Dujovne cho biết, trong khi có sự nhất trí mạnh mẽ về những lợi ích của thương mại thì vẫn có một số ý kiến trái chiều về vai trò của chủ nghĩa đa phương. G20 coi thương mại là một yếu tố đánh giá các điều kiện kinh tế, song không đưa ra biện pháp cụ thể nào để giải quyết các tranh chấp thương mại. Vì vậy, theo ông N. Dujovne, G20 cần nhận ra những hạn chế của mình.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng đề cập tới nhiều vấn đề đang “nóng” ở thế giới như việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến ở Mỹ và châu Âu có thể gây ảnh hưởng tới các thị trường tài chính, dẫn tới mất cân bằng tài chính cũng như các nguy cơ địa chính trị như cuộc xung đột ở Syria.
Do không thể thống nhất ý kiến về chủ nghĩa đa phương cũng như thương mại, nên các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 không thể đưa ra được tuyên bố chung.
Pháp yêu cầu Mỹ miễn trừ hoàn toàn việc đánh thuế vào các sản phẩm của EU
Ngày 20-4, Pháp đã yêu cầu Mỹ miễn trừ hoàn toàn việc đánh thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu cho Liên minh châu Âu (EU). Phát biểu trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị mùa Xuân thường niên IMF và WB, Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết nước này không hài lòng với việc EU được miễn trừ tạm thời các biện pháp đánh thuế của Mỹ. Ông nhấn mạnh EU và Mỹ là những đồng minh thân cận và khối này phải được hưởng sự miễn trừ “hoàn toàn và vĩnh viễn” các biện pháp đánh thuế mới của Mỹ. Theo Bộ trưởng Le Maire, các nước EU không thể chấp nhận nguy cơ về các biện pháp hạn chế thương mại cũng như các chính sách thuế mới của Mỹ luôn rình rập. Ông nhấn mạnh nếu Mỹ và EU muốn giải quyết vấn đề thương mại, một vấn đề về mối quan hệ mới với Trung Quốc với mong muốn nước này tham gia vào một trật tự đa phương mới, điều đầu tiên là phải loại bỏ mối đe dọa trên.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu. EU và các đồng minh khác của Mỹ không chỉ quan ngại các mức thuế mới này sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn lo lắng lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa.
Mới đây nhất, hôm 17-4, EU đã gửi kiến nghị lên WTO liên quan đến chính sách trên của Mỹ, khẳng định không chấp nhận việc Mỹ đánh thuế thép và nhôm với lý do “vì an ninh quốc gia” mà cho rằng Washington chỉ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của mình. Bruseels đồng thời kêu gọi tiến hành các cuộc tham vấn với Washington “càng sớm càng tốt” và đang lên danh sách thuế đánh vào các sản phẩm của Mỹ.
Nhật Bản quan ngại về chính sách bảo hộ của Mỹ
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản T. Aso đã bày tỏ quan ngại với người đồng cấp Mỹ S. Mnuchin về việc Washington hướng tới các chính sách bảo hộ thương mại.
Phát biểu ngày 20-4 tại cuộc họp báo sau cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính T. Aso cho biết đã đề nghị Mỹ đưa Nhật Bản ra khỏi danh sách các nước bị Washington áp thuế bổ sung hồi tháng trước đối với các sản phẩm nhôm, thép. Ông cũng phản đối xu hướng áp đặt các chính sách hướng nội, đồng thời cho rằng những động thái gần đây của Mỹ đã gây tác động lớn. Bên cạnh đó, hai bộ trưởng cũng thảo luận các chính sách tiền tệ song không đi sâu vào chi tiết. Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng S. Mnuchin cho biết hai bên đã nhất trí rằng Washington và Tokyo cùng cam kết đối phó các hoạt động tài chính trái phép của Triều Tiên. Một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ duy trì các nỗ lực nhằm khiến Washington đưa nước này ra khỏi danh sách áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhôm, thép, đồng thời khẳng định sẽ không cân nhắc đưa tranh cãi thương mại với Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như Trung Quốc đã làm./.
Nga: Hơn 55.000 người tham gia diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng  (21/04/2018)
Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ  (21/04/2018)
Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng  (21/04/2018)
Cần định hướng kiến trúc Việt Nam  (21/04/2018)
Tránh tình trạng bê tông hóa, cứng hóa nông thôn  (21/04/2018)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên