Thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác Nhật Bản
TCCSĐT - Trong 02 ngày 18 và 19-4-2018, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long”. Hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018) do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội nghị có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cùng hơn 600 đại biểu (trong đó có gần 170 đại biểu Nhật Bản) đại diện các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản,...
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Hội nghị này là một minh chứng sống động cho quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây cũng là một cơ hội để đại biểu hai bên kết nối, thảo luận, trao đổi và thống nhất các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các đối tác Nhật Bản, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên.
Đề cập đến mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng” Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp. Nhật Bản hiện là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về viện trợ ODA, thứ hai về đầu tư trực tiếp FDI, thứ ba về du lịch và thứ tư về trao đổi thương mại của Việt Nam. Trên cơ sở những nền tảng hợp tác tốt đẹp đó, những năm qua, Bộ Ngoại giao luôn chủ động, tích cực, đồng hành, hỗ trợ các địa phương trong nước và các đối tác Nhật Bản, nhất là thông qua các chương trình, dự án thiết thực như Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức định kỳ lần lượt tại các vùng, miền trong cả nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết, những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu để đầu tư vào Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thức được tầm quan trọng của thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các đối tác Nhật Bản, và để phát huy tốt vai trò trung tâm của thành phố Cần Thơ, định kỳ hằng năm, chính quyền thành phố đã tích cực, chủ động phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Chương trình Giao lưu Văn hóa - Thương mại Việt - Nhật. Hội nghị này là dịp để Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thêm cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản. Đây cũng là dịp để các đối tác Nhật Bản tìm hiểu, xúc tiến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long - một khu vực giàu tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Hội nghị đã tiến hành 3 phiên thảo luận về các chuyên đề: Hợp tác phát triển trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu; hợp tác địa phương trong lĩnh vực giao lưu văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo - phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa: Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) với các Hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines; Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành (An Giang) với Công ty Hagihara (Nhật Bản); Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang với Công ty Daimasa Engineering (Nhật Bản); Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Cần Thơ với Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam thành phố Sakai.
Ngoài chương trình Hội nghị, các đại biểu cũng đã tiến hành các cuộc tham quan, thực địa một số điểm du lịch, bệnh viện, trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Bên lề Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Tổng lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh.
* Trước đó, trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản ngày 17-4-2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã hợp tác với Tập đoàn Brainworks (Nhật Bản) khai trương Trung tâm Đổi mới ICT và Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo đồng bằng sông Cửu Long, tại số 08 Ngô Hữu Hạnh, phường An Hội, quận Ninh kiều, thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Đổi mới ICT được thành lập với mục đích thúc đẩy hợp tác phát triển về đổi mới và ứng dụng công nghệ tại thành phố Cần Thơ và các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi kết nối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, viện trường đại học Nhật Bản và Việt Nam để phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhất, đóng góp vào sự sáng tạo kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn đầu hoạt động, Trung tâm là nơi làm việc của các chuyên gia hàng đầu về công nghệ của Nhật cùng với sự hợp tác của gần 15 doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực: tái chế, môi trường, nhiên liệu sinh học, giáo dục, y tế, thiết kế xây dựng, vật liệu mới, chế biến thực phẩm... tham gia. Trong tương lai gần, Trung tâm sẽ tăng cường vai trò dẫn dắt và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra những doanh nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo đồng bằng sông Cửu Long thuộc Mạng lưới Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Startup Networking - MSN) do VCCI Cần Thơ khởi xướng và thành lập. Đây là nơi trao đổi, hướng dẫn xây dựng các ý tưởng mới, đặc biệt những sáng tạo về công nghệ, kỹ thuật để hướng đến ươm tạo và hình thành các công ty phát triển công nghệ trong tương lai. Trong giai đoạn đầu hoạt động, Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động trao đổi chuyên gia, tư vấn xây dựng chính sách khởi nghiệp cho địa phương, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp...
Phản ứng của Việt Nam về thông tin Mỹ xem xét gia nhập CPTPP  (20/04/2018)
22 tác phẩm sách hay và 13 tác phẩm sách đẹp nhận giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất  (20/04/2018)
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm việc tại Thừa Thiên - Huế  (20/04/2018)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu toàn diện  (19/04/2018)
Thông báo kết quả kiểm tra phòng chống tham nhũng năm 2017 tại hai bộ  (19/04/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên