Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 24-6-2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo cấp quốc gia: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam” do Bộ Tư pháp tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp công nghệ và một số nhà khởi nghiệp sáng tạo đã tham dự hội thảo.
Hội thảo là sự mở đầu cho một cuộc thảo luận ở tầm quốc gia về tương lai của hệ thống pháp luật trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.
Cân bằng giữa mô hình kinh doanh mới và truyền thống
Tham luận tại hội thảo về mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, các chuyên gia đề nghị các bộ, ngành cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Đặc biệt, cần sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung các quy định về trách nhiệm của các bên trong mô hình kinh doanh mới, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình này.
Cũng đề cập đến mô hình kinh tế chia sẻ, TS.Trần Thị Quang Hồng, Bộ Tư pháp, kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật trên cơ sở nhận biết đầy đủ các khía cạnh pháp lý của công nghệ để bảo đảm các doanh nghiệp theo mô hình mới hay mô hình truyền thống đều kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng; tránh một số doanh nghiệp có thể dựa vào công nghệ để không phải tuân thủ những ràng buộc pháp lý nhất định trong khi những doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống lại phải tuân thủ.
Cần giới hạn phạm vi Sandbox để tránh rủi ro
Đề cập đến mô hình môi trường thử nghiệm cho kinh tế chia sẻ, tham luận của Tổng Giám đốc Ngân hàng Tienphong, ông Nguyễn Hưng, cho rằng, mô hình môi trường thử nghiệm (Sandbox) cho các ứng dụng công nghệ mới có ảnh hưởng phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro phá vỡ quy định hiện hành của Nhà nước. Ông Hưng kiến nghị, để bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước về “Sandbox”, cơ quan quản lý cần giới hạn phạm vi và thời gian triển khai công nghệ trong Sandbox; áp dụng biện pháp nhằm hạn chế phạm vi ảnh hưởng của ứng dụng công nghệ trong trường hợp xảy ra lỗi; bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn an ninh tiền tệ, tài chính, cơ quan quản lý cần đề ra các tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia Sandbox; bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch và công bằng trong quy trình tuyển chọn.
Viện dẫn những hậu quả nghiêm trọng về Sandbox có thể gặp phải, theo TS.Chu Thị Hoa, Bộ Tư pháp, việc hàng loạt câu hỏi về khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư, kinh doanh, quản lý tiền ảo/tiền mã hóa… vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam như hiện nay thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để “rủi ro” len lỏi khắp các ngõ ngách trong cuộc sống. Khoảng trống của pháp luật đã tạo ra “đất” để một số loại tội phạm thực hiện các giao dịch phi pháp qua các hình thức kinh doanh, gọi vốn, mua bán tiền mã hóa trá hình mà vụ đổ bể tiền ảo iFan gây chấn động vừa qua là một ví dụ. TS.Chu Thị Hoa kiến nghị cơ quan quản lý nếu xây dựng Sandbox thì cần dựa trên quan điểm doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm để không làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khung pháp lý Sandbox cần phải có “không gian và thời gian được xác định rõ ràng” vì thử nghiệm thất bại có thể xảy ra”.
Nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh
Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, nếu có thể ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây... vào phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng đánh giá, chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta được cải thiện rõ rệt những năm gần đây. Một số doanh nghiệp công nghệ có những bước tăng trưởng ngoạn mục và trở thành những thương hiệu có uy tín như Viettel, VNG...
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, trình độ khoa học - công nghệ của Việt Nam còn có khoảng cách khá xa so với các quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và nhất là khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống xã hội, sản xuất. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực doanh nghiệp còn ít và thiếu kết nối hiệu quả với các trường đại học, viện nghiên cứu. Lực lượng lao động có chất lượng cao còn hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu nhận diện chính xác những vấn đề pháp lý phát sinh để kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thực tiễn hằng ngày đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và thay đổi không ngừng. Đặc biệt, khi công nghệ đang làm mờ dần ranh giới giữa các quốc gia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư biến những vấn đề pháp lý quốc tế trở thành những vấn đề pháp lý của quốc gia và ngược lại.
Cho rằng, đây chính là cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, Thủ tướng yêu cầu đối với hệ thống pháp luật và thực thi là phải bảo đảm phát triển bền vững, an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia. Lấy quyền và lợi ích công dân làm trọng tâm; thúc đẩy khoa học - công nghệ tiên tiến, khả năng đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao; bảo đảm quản lý nhà nước trên không gian mạng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, trong đó có an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân.
Cơ hội lịch sử mà những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh việc xây dựng chính phủ số, nền quản trị số và hệ thống đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ mới sẽ góp phần tăng nhanh tốc độ phản ứng chính sách, kịp thời phát hiện những bất cập trong thi hành pháp luật. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực pháp luật cũng cần kịp thời bắt kịp với những xu thế mới của phát triển công nghệ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kịp thời có đề xuất hướng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt nên tập trung rà soát, đề xuất khung pháp lý thử nghiệm và các nghị định thí điểm của Chính phủ đối với từng ứng dụng cụ thể nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới. Điều này vừa tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo được diễn ra thuận lợi, vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng và các yêu cầu về quản lý nhà nước, nhất là yêu cầu bảo đảm an ninh chính trị, an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chỉ đạo một số công việc cụ thể với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cụ thể những vấn đề đặt ra hiện nay cũng như tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về tận dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - Truyền thông xây dựng, hoàn thiện Đề án số hóa quốc gia.
Bộ Công An khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sỡ dữ liệu định danh quốc gia, làm nền tảng cho công tác xác thực định danh, chia sẻ thông tin, dữ liệu an toàn, hiệu quả; đồng thời sớm hoàn thiện các hướng dẫn thực thi Luật An ninh mạng, đảm bảo vừa kiến tạo kinh tế số - xã hội số, vừa đảm bảo an ninh, an toàn mạng và thông tin, dữ liệu.
Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để có đề xuất chính sách phù hợp; sớm hoàn thiện, trình ban hành các quy định về các hình thức huy động vốn cộng đồng, tín dụng mới. Bộ Thông tin và Truyền thông cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua di động (mobile money) hay ví điện tử…
** Trước đó, sáng 24-6, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) cũng chính thức khai trương đưa vào hoạt động.
Hệ thống e-Cabinet hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ với đầy đủ các chức năng như: cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các Thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên hop có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.
Hệ thống e-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…
Hệ thống e-Cabinet được Tập đoàn Viettel xây dựng có tính bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật cao; sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu; bảo đảm an toàn hạ tầng mạng; máy chủ; ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web hay ứng dụng trên máy tính bảng...
Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet đã được xác định là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước. E-cabinet cũng giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. Phấn đấu đến hết năm 2019 đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).
Việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) từ ngày 24-6 thể hiện quyết tâm trong cải cách hành chính, là bước đi lớn trong hiện thực hoá Chính phủ phi giấy tờ trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Ngay sau khi hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chính thức khai trương, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống này nhằm cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.
Phiên họp có mặt 21/27 thành viên Chính phủ, vắng 6 đồng chí. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động.
Theo dự thảo, có 2 nhóm chính sách chính: Quy định hình thức định danh và xác thực điện tử ( để tạo hành lang pháp lý cho các hình thức định danh và xác thực điện tử); quy định việc cung cấp, sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử (để đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng các công nghệ phù hợp, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin); đồng thời, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm khi sử dụng định danh điện tử, dịch vụ xác thực điện tử. Toàn bộ hồ sơ tài liệu đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua Hệ thống e-Cabinet.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết bằng hệ thống e-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng). Thủ tướng đã đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị quyết này và sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành nghị quyết./.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại vào công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng của Việt Nam  (24/06/2019)
Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34  (23/06/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 34  (23/06/2019)
Về chủ nghĩa dân túy và đấu tranh ngăn ngừa những biểu hiện của nó ở Việt Nam hiện nay  (23/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển