TCCSĐT - Ngày 17-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam; tiếp ông Lance Y. Gokongwei, Tổng Giám đốc Tập đoàn JG Summit Holdings của Philippines và gặp mặt đoàn đại biểu Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ

Sáng 17-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish đến chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ Harish Parvathaneni_Ảnh: TTXVN

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại sứ Ấn Độ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong đó lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; chúc mừng Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục được bầu làm Thủ tướng và cho biết, lãnh đạo Chính phủ hai nước thường xuyên tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để Đại sứ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ vừa qua, đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đại sứ bày tỏ vui mừng về việc kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ tăng gấp đôi kể từ năm 2016, đạt trên 10 tỷ USD;  mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, trong đó có việc thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản hoa quả của Việt Nam. Bên cạnh đó, hai nước đã hợp tác tốt trong lĩnh vực quốc phòng.

Đại sứ cũng cho biết, Ấn Độ đã ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Trên cơ sở kim ngạch thương mại hai nước tăng gấp đôi thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thương mại; đề nghị Ấn Độ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoa quả Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ; mong muốn ngày càng nhiều các tập đoàn và nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Ấn Độ.

Với kết quả hợp tác tốt trong lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này thời gian tới.

Thủ tướng đánh giá cao Đại sứ Parvathaneni Harish đã đi đến 26 tỉnh, thành phố của Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước; chúc Đại sứ thành công trên cương vị mới và tin tưởng, dù ở cương vị nào sắp tới, Đại sứ cũng sẽ có nhiều đóng góp quan trọng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp Việt Nam - Ấn Độ phát triển hơn nữa.

Thủ tướng mong tập đoàn JG phát triển sản phẩm khác của Việt Nam

Cũng trong sáng 17-6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lance Y. Gokongwei, Tổng Giám đốc Tập đoàn JG Summit Holdings của Philippines, một trong những doanh nghiệp Philippines đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lance Y. Gokongwei, Tổng Giám đốc Tập đoàn JG Summit Holdings của Philippines_Ảnh: TTXVN

 

Nhấn mạnh Việt Nam - Philippines có quan hệ truyền thống tốt đẹp, Thủ tướng hoan nghênh hợp tác thương mại đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước; mong muốn lắng nghe về những khó khăn, vướng mắc mà tập đoàn gặp phải khi hoạt động tại Việt Nam.

Ông Lance Y. Gokongwei cho biết, JG Summit Holdings nằm trong số 300 công ty hàng đầu châu Á, do Tạp chí Nikkei Asia Review bình chọn, bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003 trong lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát. Công ty tích cực mở rộng xuất khẩu, quảng bá sản phẩm “Made in Vietnam” tại 10 quốc gia trên thế giới. Tổng vốn đầu tư lũy kế 200 triệu USD, với hơn 3.000 nhân viên, xuất khẩu 50% sản lượng sản xuất.

Ông Lance Y. Gokongwei mong muốn đầu tư phát triển ngành chè của Việt Nam, tham gia dự án hợp tác công tư để phát triển ngành chè bền vững. Tập đoàn cũng có chương trình thúc đẩy tái chế nhựa, tham gia liên minh các doanh nghiệp chống rác thải nhựa, tham gia các chương trình công nghiệp 4.0.

Hoan nghênh ý kiến của ông Lance Y. Gokongwei, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lĩnh vực chế biến xuất khẩu của Việt Nam có nhiều tiềm năng và Việt Nam khuyến khích việc chế biến sản phẩm, gia tăng giá trị để xuất khẩu; nhắc tới yêu cầu đối với doanh nghiệp sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm môi trường, phát triển xanh, sạch, bền vững.

Thủ tướng mong muốn tập đoàn nghiên cứu phát triển các sản phẩm khác của Việt Nam để chế biến xuất khẩu. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho JG Summit Holdings. Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Cho biết Việt Nam đang tiến tới không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, Thủ tướng mong muốn tập đoàn tham gia vào nỗ lực này, giảm thiểu dùng các bao bì nhựa. Thủ tướng tin tưởng, tập đoàn sẽ là bông hoa đẹp trong vườn hoa hữu nghị Việt Nam - Philippines.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế tư nhân còn dư địa lớn phát triển

Sáng cùng ngày, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam_Ảnh: TTXVN

 

Tại buổi gặp mặt, các doanh nhân đều vui mừng đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã rất coi trọng kinh tế tư nhân, có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các doanh nhân cũng đánh giá cao phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời bày tỏ ấn tượng với thông điệp mà Thủ tướng nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân hồi tháng năm vừa qua, đó là doanh nghiệp tư nhân cần sự “bình đẳng, bảo vệ, khích lệ và trao cơ hội”.

Để đóng góp lớn hơn cho sự phát triển của đất nước, các doanh nhân đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để Việt Nam đứng nhóm 4 ASEAN và tiến tới tiêu chuẩn của OECD.

Với việc lực lượng tư nhân trong nước ngày càng lớn mạnh, có thể tham gia đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, sân bay, bến cảng..., các doanh nhân cũng đề nghị Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều việc khó hơn nữa cho kinh tế tư nhân. Cùng với đó là có cơ chế thúc đẩy hơn nữa hoạt động đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế số, thúc đẩy đào tạo nhân lực 4.0.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế này đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển.

Thủ tướng nhắc lại, Đảng ta đã xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và sẽ ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân đóng góp khoảng 10% GDP, còn lại là kinh tế hộ.

Nhấn mạnh, kinh tế tư nhân còn dư địa lớn để phát triển, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đó là không được thành kiến với kinh tế tư nhân; cần bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân; phải phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh ở mọi thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Phải thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia tăng nhanh chóng về quy mô, số lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, từ đó tiến vào các lĩnh vực có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cho rằng phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới thành lập, công nghệ, nguồn vốn, nguồn lực còn hạn chế, Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam? Làm thế nào để toàn bộ hệ thống hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn? Làm thế nào để doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn sáng tạo, kinh doanh văn minh, có đạo đức kinh doanh...? Và, vai trò của Hội Doanh nhân tư nhân đóng góp vào các vấn đề trên là gì?

Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phải có “khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình”, Thủ tướng cũng gợi ý các doanh nghiệp tư nhân cần có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới, sáng tạo. Cùng với đó là quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế.

Thủ tướng lưu ý, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần tích cực tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh./.