TCCSĐT - Cùng với nhu cầu về nước ngày càng tăng, tình trạng biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh chóng cũng làm cho các thách thức về nguồn nước ngày càng trở nên trở nên trầm trọng… Trước thực trạng này, việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước không chỉ là ưu tiên của mỗi quốc gia mà còn là chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế.

Sức ép về nước sạch

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu và vô cùng quý giá cho cuộc sống của con người, cho sự phát triển của mọi quốc gia và là ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững. Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống của con người; là môi trường, cũng là đầu vào cho các quá trình sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt, việc tưới tiêu nước trong nông nghiệp sử dụng khoảng 70% trong tổng số khối lượng nước được khai thác sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới đang đứng trước những thách thức không nhỏ liên quan đến nguồn nước.

Nguồn nước khan hiếm, ô nhiễm. Do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, nhiều nơi thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, trên thế giới, khoảng 780 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn. Bên cạnh đó, hóa chất và phân bón từ các nhà máy, trang trại đã gây ra nhiều “khu vực chết” tại các con sông, hồ, vùng ven biển và ô nhiễm mạch nước ngầm, nhất là tại các nước đang phát triển. Hằng năm, trên thế giới có trên 800.000 người tử vong do nước uống bị nhiễm khuẩn và không vệ sinh tay sạch sẽ. Các bệnh liên quan đến nước cướp đi 3,5 triệu sinh mạng hằng năm tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh, con số này lớn hơn tổng số người chết do bệnh HIV/AIDS và tai nạn ô tô cộng lại.

Nhu cầu về nước ngày càng tăng. Theo Liên hợp quốc, trong hàng thập niên qua, con người đang sử dụng nước sạch nhanh hơn mức thiên nhiên có thể cung cấp. Số liệu cho thấy, từ năm 1980 đến nay, tổng lượng nước khai thác trên thế giới tăng trên 1% mỗi năm, tạo thêm sức ép ngày càng lớn về nước ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Liên hợp quốc dự báo, đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,8 tỷ người sống tại khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và 2/3 dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện khó khăn về nguồn cung cấp nước. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo tới năm 2040 sẽ có tới 600 triệu trẻ em, nghĩa là trên thế giới cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ sẽ phải sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới sẽ cần thêm 30% nước sạch so với nhu cầu hiện tại vào năm 2030 và có thể lên đến 44% vào năm 2050. Đó là những con số rất đáng báo động.

Đối với Việt Nam. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú cả về lượng mưa, nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ và nguồn nước dưới đất. Tuy vậy, Việt Nam lại là quốc gia nằm ở cuối các lưu vực sông lớn, hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng, như: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế, sức ép dân số và chất lượng cuộc sống liên tục gia tăng trong những thập niên qua cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam dự báo, tổng lượng nước mặt của Việt Nam vào năm 2025 sẽ chỉ bằng khoảng 96%; đến năm 2070 xuống còn khoảng 90% và năm 2100 chỉ còn khoảng 86% so với hiện nay.

Cũng chính vì thế, hằng năm, Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Có thể kể đến một số chủ đề cụ thể của Ngày Nước thế giới trong những năm gần đây như: 2010 - Nước sạch cho một thế giới khỏe mạnh; Nước cho tương lai; 2011 - Nước cho phát triển đô thị; 2012 - Nước và an ninh lương thực; 2013 - Hợp tác vì nước; 2014 - Nước và Năng lượng; 2015 - Nước và phát triển bền vững; 2016 - Nước và Việc làm; 2017 - Nước thải.

Năm 2018, chủ đề của Ngày Nước thế giới là Nước với thiên nhiên (“Nature for Water”). Hưởng ứng sự kiện quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 976/BTNMT-TĐKT&TT-TNN, đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát động tổ chức các hoạt động hưởng ứng lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2018, hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên để giải quyết, ứng phó kịp thời với những thách thức về nguồn nước và biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng tăng.

Bảo đảm nguồn nước bền vững toàn cầu

Trước những thách thức to lớn trên, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong nhiều năm qua không chỉ là ưu tiên của mỗi quốc gia mà còn là chủ đề hợp tác ưu tiên của các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước đối với sự phát triển của con người, đối với môi trường và với sự phát triển kinh tế. UN-Water (một tổ chức về nước và vệ sinh của Liên hợp quốc) và các đối tác đã phát triển các đề xuất cho một mục tiêu toàn cầu về nước: “Bảo đảm nguồn nước bền vững toàn cầu”. Mục tiêu toàn cầu về nước được đề xuất nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ tài nguyên nước, tránh tình trạng khai thác quá mức và gây ô nhiễm, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu nước uống và vệ sinh môi trường, năng lượng, nông nghiệp và các mục đích sử dụng khác; bảo vệ cộng đồng khỏi các thảm họa liên quan đến nước; hỗ trợ việc thực hiện các quyền con người với nước sạch an toàn và vệ sinh môi trường cũng như các quyền khác về chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người. Theo đó, mục tiêu toàn cầu về nước bao gồm 5 mục tiêu cụ thể: Một là, đạt được tiếp cận phổ cập tới nước sạch, vệ sinh môi trường; hai là, cải thiện việc sử dụng bền vững và phát triển bền vững tài nguyên nước ở tất cả các quốc gia; ba là, tăng cường công bằng, tăng cường sự tham gia và trách nhiệm quản lý tài nguyên nước; bốn là, giảm lượng nước thải chưa qua xử lý, giảm ô nhiễm chất dinh dưỡng và tăng tái sử dụng nước thải; năm là, giảm tỷ lệ tử vong và thiệt hại kinh tế do các thảm họa liên quan đến nước gây ra.

Đối với Việt Nam, là một quốc gia cũng đang đứng trước nhiều thách thức về nguồn nước, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo vệ và sử dụng nước, trong đó có việc ban hành Luật Tài nguyên nước. Cùng với đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những bài học thành công về hệ thống quản lý nước thông minh tại nhiều quốc gia trên thế giới, như hệ thống quản lý nước thông minh được triển khai tại Isreal, Singapore, Đức, Quatar, Hàn Quốc… đã giúp giảm 40% - 50% tỷ lệ rò rỉ nước của các quốc gia này… Hằng năm, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI) phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam-VACI. Sự kiện nhằm mục đích chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm thúc đẩy kết nối mạng lưới các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp phát triển giải pháp và đổi mới công nghệ quản lý tài nguyên nước. VACI cũng khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực hoạt động sản xuất, nghiên cứu ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ, dịch vụ… theo hướng giảm các tác động có hại tới tài nguyên nước và môi trường…/.