TCCSĐT - Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ cách mạng tiền bối của Đảng, chiến sĩ cách mạng kiên trung, đồng thời là một nhà báo lớn của Đảng. Nhận rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và vai trò của báo chí trong vận động cách mạng, Nguyễn Đức Cảnh đã dấn thân vào hành trình tìm đường cứu nước, trải qua hoạt động thực tiễn giúp ông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước và tôi luyện bản lĩnh của người làm báo.



Những nhân tố tạo nên nhà cách mạng, nhà báo lớn

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, giữa lúc nước mất, nhà tan, nhân dân lao động sống cuộc đời nô lệ, lầm than, truyền thống yêu nước, cần cù, chịu khó lao động của quê hương Thái Bình đã hun đúc nên lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và nung nấu quyết tâm đấu tranh cách mạng, giải phóng quê hương, đất nước của người thanh niên Nguyễn Đức Cảnh. Môi trường học tập tại Trường Thành Chung - Nam Định với nhiều học sinh giàu lòng yêu nước như Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Danh Đới, Trần Đăng Huyên, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Văn Năng, Đặng Châu Tuệ,… đã cuốn hút Nguyễn Đức Cảnh say mê với sự nghiệp bút nghiên.

Trong những năm 1924 - 1925, phong trào cách mạng nước ta có nhiều chuyển biến. Nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài được đưa về như Người cùng khổ (Le Paria), với những bài viết đanh thép tố cáo tội ác bóc lột của thực dân, đế quốc của Nguyễn Ái Quốc đã tác động sâu sắc đến học sinh Trường Thành Chung, khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc của nhiều thanh niên trí thức trong đó có Nguyễn Đức Cảnh.

Năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội, làm việc tại Hiệu ảnh Hưng Ký, rồi dạy học tại Trường tư thục Công Ích và trải qua nhiều công việc, trong đó có việc làm thợ sắp chữ ở nhà in Lê Văn Tân (sau là nhà in Mạc Đình Tư). Môi trường này vừa giúp Nguyễn Đức Cảnh có điều kiện tiếp xúc gần gũi với tầng lớp công nhân, lao động, vừa có thêm hiểu biết về lĩnh vực in ấn, bài vở... Trong quá trình làm việc, Nguyễn Đức Cảnh được tiếp xúc, giao lưu với nhiều thanh niên trí thức tiến bộ như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Trúc Khê, Ngô Văn Triệu… Cùng sinh hoạt trong Câu lạc bộ Nam Đồng thư xã, hằng ngày đọc và trao đổi các tác phẩm do Nam Đồng thư xã ấn hành như Con đường khứ quốc, Gương thành bại, Dân tộc chủ nghĩa, Trưng Vương,… giúp Nguyễn Đức Cảnh và những thanh niên khác nhận thức được căn nguyên của áp bức bóc lột, sự bần cùng của những người lao động và tính tất yếu của áp bức là sự bùng nổ của phản kháng, đấu tranh.

Tháng 9-1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng với Lý Hồng Nhật sang Quảng Châu (Trung Quốc) tìm gặp Tổng bộ Thanh niên. Tại đây, mặc dù không được trực tiếp gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhưng Nguyễn Đức Cảnh được tham gia lớp huấn luyện chính trị cùng các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Văn Lĩnh, Hà Huy Tập,… và được tiếp xúc với các tài liệu cách mạng, nhất là tác phẩm “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Được học tập và nghiên cứu các tác phẩm, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc về lịch sử cách mạng thế giới, Cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế cộng sản,… tầm nhận thức của ông nâng lên một bước mới. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Đức Cảnh nhận thức rõ hơn vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản đối với cách mạng và cách mạng giải phóng dân tộc, từ đó quyết định gia nhập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, trở thành người thanh niên cộng sản tiêu biểu của Việt Nam. Với những hoạt động cách mạng hăng hái, sôi nổi, Nguyễn Đức Cảnh được cử vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách Tỉnh bộ Hải Phòng. Khi vào làm việc ở Nhà máy Ca-rông, làm công nhân khuân vác tại bến cảng Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh đi sâu tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của công nhân, có điều kiện để tuyên truyền, giác ngộ công nhân về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và cùng công nhân đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột của giới chủ.

Tháng 8-1928, tại Hội nghị Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, từ những ý kiến của Nguyễn Đức Cảnh với sự am hiểu về công nhân, phong trào công nhân, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ra nghị quyết đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và phát triển cơ sở cách mạng trong công nhân, đề ra chủ trương “vô sản hóa” trong công nhân. Ở Hải Phòng, các đồng chí Lương Khánh Thiện vào Nhà máy Chai, Bùi Bá Đằng vào Nhà máy Tơ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Bá Biên làm phu kéo xe tay, Nguyễn Đức Cảnh và Hạ Bá Cang vào Nhà máy Ca-rông,… đã “cùng mo cơm nắm, manh áo rách, chiếc nón tơi và đôi chân đất, những chiến sĩ cách mạng đã sống và lao động thực sự cuộc đời của người thợ bị áp bức và bóc lột. Từ đó, họ đã hòa nhập được với quần chúng thợ thuyền ngay trên hè đường của thành phố hay trong những căn nhà lụp xụp của gia đình người thợ. Những chiến sĩ cách mạng đã khơi dậy lòng yêu nước, ý thức giai cấp trong quần chúng lao khổ”(1). Khi hòa mình vào phong trào công nhân, Nguyễn Đức Cảnh càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của báo chí và công tác tuyên truyền. Ban ngày vào xưởng quai búa, hoặc làm phu khuân vác ở bến tàu, ban đêm ông thức khuya cặm cụi viết báo tuyên truyền cách mạng. Ông là ký giả của các tờ báo sục sôi tinh thần cách mạng hồi đó như: Cờ đỏ, Tin tức, Đồng lòng tranh đấu,... với các bút danh Trọng, Quý, Vũ... Ngày 28-7-1929, Tổng Công hội đỏ ra đời, Nguyễn Đức Cảnh vừa là người đứng đầu Công hội đỏ, vừa là người trực tiếp phụ trách báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ. Ông làm báo cùng các đồng chí Trần Học Hải, Trường Chinh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Sửu...; dồn tâm sức viết bài, biên tập, biên dịch với nhiều bút danh khác nhau.

Sử dụng báo chí để tuyên truyền, vận động cách mạng; đấu tranh chống những luận điệu phản cách mạng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, ngay khi được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động công nhân. Do đó, Tỉnh bộ Hải Phòng cho ra đời báo Sao Đỏ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp phụ trách. Ông còn chỉ đạo Đoàn Thanh niên ra tờ báo Tia lửa để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cộng sản trong thanh niên, hướng thanh niên vào con đường đấu tranh cách mạng. Khi phụ trách báo Lao Động và tạp chí Công hội đỏ, Nguyễn Đức Cảnh viết nhiều bài tố cáo tội ác của chủ nghĩa đế quốc, kêu gọi quần chúng vùng lên đấu tranh. Báo Lao động số 4 (ra ngày 1-11-1929) - mang dấu ấn của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh - đã phân tích sâu sắc tình thế hiện thời: “hiện bây giờ đế quốc chủ nghĩa đang ra sức bóc lột vô sản giai cấp, đày đọa dân cày nghèo, chúng nó đang sửa sang súng ống, tăng thêm quân đội, sắp sửa bắt hàng nghìn hàng vạn anh em đi chết cho nó ở chốn chiến trường để làm giàu cho một tụi tư bản…”(2). Từ việc trình bày cho công nhân thấy rõ tình thế khẩn cấp của thời kỳ này là thời kỳ vô sản giai cấp và đế quốc chủ nghĩa đã sống chết tranh đấu với nhau rồi, qua bài báo, ông chỉ rõ cho quần chúng nhân dân nhận thức chỉ có “Đảng Cộng sản mới hết sức hi sinh đi trước để dẫn đạo cho vô sản giai cấp và dân cày nghèo và mọi người lao khổ làm cách mệnh đánh đổ đế quốc chủ nghĩa ở Đông Dương mà thôi”(3). Tiếng nói của báo chí, sự tuyên truyền, vận động của những chiến sĩ “vô sản hóa” góp phần thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Cẩm Phả, Thái Bình, Nam Định...

Tháng 01-1930, Nguyễn Đức Cảnh cùng Ban Tuyên truyền của Đảng xuất bản cuốn “Sự nghiệp cách mạng của V.I. Lê-nin”. Cuốn sách in bằng thạch, khổ 12cmx16cm; bìa trong cuốn sách in hình V.I. Lê-nin do Nguyễn Đức Cảnh vẽ. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên viết về V.I. Lê-nin được ấn hành tại Việt Nam. Mục đích khi xuất bản cuốn sách là nhằm tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ về vai trò của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với cách mạng vô sản: “Chủ nghĩa cách mạng trên thế giới bây giờ rất nhiều, duy chỉ có Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chủ nghĩa chân chính hơn cả, là chủ nghĩa thật có thể mưu sự sung sướng cho thợ thuyền, dân cày và tất cả các người bị bóc lột đè nén; chỉ có Chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới làm cho xã hội khỏi phải chia ra từng giai cấp, giai cấp nọ áp bức giai cấp kia; chỉ có Chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới làm cho loài người khỏi sự khổ sở do sự áp bức người với người mà ra; chỉ có Chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới làm cho cách mạng vô sản thành công được”(4).

Đầu năm 1930, một sự kiện quan trọng khẳng định bút lực dồi dào của Nguyễn Đức Cảnh. Với giọng văn chính luận, hóm hỉnh và sắc bén, lập luận lô-gic và đanh thép, ông đã “bút chiến” quyết liệt với Kơ-rô-tê-me - viên Đốc ký Hải Phòng tuyên truyền xuyên tạc, vu khống chủ nghĩa cộng sản. Kơ-rô-tê-me cho rằng, chủ nghĩa này không thích hợp với văn hóa phương Đông và nêu rất nhiều luận điểm mập mờ, lòe bịp. Lúc này khi làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng, Nguyễn Đức Cảnh cho in ngay tác phẩm với tiêu đề là “Trả lời Kơ-rô-tê-me” nhằm lột trần bộ mặt nham hiểm và thủ đoạn lừa bịp của Kơ-rô-tê-me, đồng thời, qua đó giúp công nhân, nhân dân lao động Hải Phòng, Khu mỏ Hồng Quảng hiểu rõ hơn bản chất của thực dân đế quốc, củng cố niềm tin vào sự nghiệp cách mạng. Bài trả lời của ông được đón đọc và dư luận bàn tán sôi nổi, trở thành một sinh hoạt chính trị tự nhiên. Ngòi bút Nguyễn Đức Cảnh luôn luôn thường trực tinh thần chiến đấu không khoan nhượng chống kẻ thù.

Từ tháng 10-1930, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương điều động vào tăng cường cho Xứ ủy Trung Kỳ, tham gia lãnh đạo phong trào Xô-viết. Với cương vị Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn, Nguyễn Đức Cảnh vượt qua mọi sự kiểm soát báo chí gắt gao của kẻ thù, viết nhiều tài liệu phục vụ trực tiếp phong trào cách mạng. Ngoài việc tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cho cơ sở, Nguyễn Đức Cảnh còn chỉ đạo thành lập nhiều tờ báo ở Nghệ Tĩnh và trực tiếp phụ trách báo Người lao khổ, báo Tiến lên của Xứ ủy. Để tránh sự lùng sục của kẻ thù, Nguyễn Đức Cảnh phải sống trong buồng kín, phải chọc mái rạ lấy ánh sáng viết bài, ban đêm không được thắp đèn, chỉ đốt sáp ngồi làm việc. Những bài báo sắc sảo, giàu tính chiến đấu và nhiệt huyết cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh có tác dụng mạnh mẽ trong quần chúng công nông. Là người phụ trách công tác tuyên truyền, báo chí của Đảng ở miền Trung, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, hệ thống báo Đảng ở miền Trung được hình thành từ tỉnh đến huyện. Theo thống kê của Bảo tàng Xô-viết, từ tháng 10-1930 đến tháng 4-1931, khi Nguyễn Đức Cảnh hoạt động ở đây, số đầu báo lên đến 28 tờ. Nổi bật là những tờ: Người lao khổ, Lao khổ, Chuông vô sản, Công nông binh, Chỉ đạo, Vô sản, Đấu tranh, Bôn-sơ-vích,... Huyện ủy Hưng Nguyên có báo Sản nghiệp, Nam Đàn có báo Giác ngộ, Thanh Chương có báo Tia sáng, Lao động, Nghi Lộc có báo Tiếng gọi, Đức Thọ có báo Cổ động, Cẩm Xuyên có báo Bước tới... Nguyễn Đức Cảnh vừa lãnh đạo phong trào, vừa viết báo tuyên truyền, vừa hướng dẫn viết bài, kỹ thuật ấn loát.

Những ngày cuối cùng trong nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội), mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, sức lực giảm sút nhưng tinh thần yêu nước, lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với dân của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh không hề suy giảm. Ngòi bút ông vẫn tràn đầy tinh thần trách nhiệm. Song sắt ngục tù đã tiếp thêm sức mạnh, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết báo chí để ông dồn toàn bộ tâm lực viết lên tác phẩm vô giá Công nhân vận động, để lại cho Đảng, cho phong trào công nhân: “Trong những ngày ở xà lim án chém ở Hỏa Lò, Nguyễn Đức Cảnh đã tập trung viết cuốn Công nhân vận động nhằm báo cáo với Đảng tình hình công nhân và những kinh nghiệm vận động, chỉ đạo đấu tranh”(5). Trước khi biết bị đưa đi hành quyết, Nguyễn Đức Cảnh trao tác phẩm này cho đồng chí Lương Khánh Thiện chuyển ra ngoài cho tổ chức. Những phẩm chất cao quý của nhà cách mạng, nhà báo lớn đã đưa ông đi suốt hành trình vì dân, vì nước, tôn thờ lý tưởng cao cả của Đảng Cộng sản quang vinh.

Cần tuyên truyền những tấm gương báo chí mẫu mực

Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, giúp nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin một chiều, xuyên tạc, thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, thu hút sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Tuy nhiên, trong xu thế thương mại hóa báo chí, vì lợi nhuận, vì áp lực cạnh tranh, “chạy đua”, giành giật thông tin và bạn đọc nên hoạt động báo chí vẫn còn những yếu kém, khuyết điểm. Một số tờ báo chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của đối tượng công chúng hướng đến. Tình trạng trùng lặp tin tức, hình ảnh khá phổ biến trong khi mỗi tờ báo đều có những đặc thù riêng. Đặc biệt, nguyên tắc khách quan, trung thực chưa thực sự được bảo đảm triệt để. Cá biệt, một số nhà báo không giữ vững bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, sa ngã trước đồng tiền, dùng ngòi bút, bài báo để trục lợi cá nhân, làm ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào báo chí.

Do đó, cần tuyên truyền những tấm gương báo chí mẫu mực, những thế hệ cầm bút đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc, Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh,… để giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và phong cách báo chí cách mạng cho đội ngũ những người làm báo. Người làm báo như chiến sĩ cách mạng tiên phong, trong bất kỳ tình huống nào, không ngại khó khăn, thử thách, sẵn sàng xung kích đi đầu trong việc thông tin, cung cấp sự kiện cho công chúng, định hướng dư luận xã hội, vạch ra những hiện tượng, những vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện hiệu quả chức năng thông tin, phản biện xã hội của báo chí. Học tập nhà cách mạng, nhà báo Nguyễn Đức Cảnh, mỗi nhà báo cần phải xây dựng lập trường chính trị vững vàng, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng làm báo, giữ vững sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, góp sức vào sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng hiện nay./.

----------------------------------------------------------

(1). Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Hải Phòng: Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I (1925-1955), Nxb. Hải Phòng, 1991, tr. 77

(2). Báo Lao động - cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Bắc Kỳ, số 4 ra ngày 01-11-1929, tr. 1, lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam

(3). Báo Lao động - cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Bắc Kỳ, số 4 ra ngày 01-11-1929, tr. 2

(4). Ban tuyên truyền của Đảng Cộng sản Đông Dương: Sự nghiệp cách mạng của Lê-nin, xuất bản năm 1930. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

(5). Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội - Viện Lịch sử Đảng: Đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng tại nhà tù Hỏa Lò (1899-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 123