Ngoại giao văn hóa: Quảng bá đất nước, con người Việt Nam, bồi đắp lòng tự hào dân tộc
TCCSĐT - Ngoại giao văn hóa trong năm 2017 triển khai đều đặn các hoạt động và phát huy tốt các thành tích đạt được kể từ khi trở thành trụ cột của nền ngoại giao hiện đại. Trên thực tế, ngoại giao văn hóa là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược được, tuy nhiên, cần nhận thức rõ hơn, ngoại giao văn hóa là một hoạt động ngoại giao bằng các biện pháp văn hóa nhằm phục vụ phát triển đất nước.
Thông điệp văn hóa riêng của dân tộc
Chia sẻ những kết quả mà ngoại giao văn hóa đã đạt được trong năm 2017, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO cho biết, các hoạt động ngoại giao văn hóa đóng góp vào thành công chung của Năm APEC 2017 thông qua các sự kiện văn hóa gắn với các cuộc họp, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao từ Logo Năm APEC đến trang phục của các nhà lãnh đạo, món ăn, chương trình văn nghệ của đêm Gala, chương trình văn hóa của các phu nhân, phu quân, quà tặng lãnh đạo các cấp, trang trí đường phố, trang trí các phòng tiếp nguyên thủ bằng tranh của các hoạ sĩ đã thành danh, công viên tượng APEC, tem APEC... Mỗi thứ đều mang một thông điệp văn hóa riêng của dân tộc.
Các nội dung ngoại giao văn hóa tại các diễn đàn ngày càng gắn chặt với nội dung chính trị. Với tư cách là thành viên Ủy ban Di sản thế giới, khi thảo luận về vấn đề bảo tồn di sản Jerusalem hay ghi danh hồ sơ mới của các quốc gia, Việt Nam nêu rõ quan điểm của mình vừa tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong quan hệ với các nước liên quan, vừa khuyến khích nỗ lực bảo tồn các di sản văn hóa của nhân loại, vừa tránh chính trị hóa các diễn đàn văn hóa, trong đó có UNESCO. Kinh nghiệm hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn văn hóa đã được nâng một bước lớn và thể hiện rõ bản lĩnh ngoại giao Việt Nam.
Chương trình ngoại giao văn hóa và mỹ thuật Việt Nam dưới sự bảo trợ của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là điểm sáng mang tính đột phá. Chương trình đã tập hợp được hơn 100 bức tranh có chất lượng do các họa sĩ đóng góp tặng cho hàng chục cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá và tôn vinh hội họa và mỹ thuật Việt Nam. Chương trình tạo được tiếng vang lớn vừa giới thiệu ra thế giới các họa sĩ Việt Nam, vừa làm đẹp hơn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Vào đúng thời điểm cuối năm 2017, Việt Nam đã nhận được tin vui là hát Xoan và Nghệ thuật Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đánh giá về thành công này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cho rằng, hát Xoan và Nghệ thuật Bài Chòi của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thể hiện bản sắc văn hóa phong phú của các dân tộc Việt Nam, khẳng định chính sách tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Chính phủ Việt Nam. Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ được vinh danh vừa làm cho nhân dân địa phương của các tỉnh duyên hải miền Trung tự hào về quê hương, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương, nhất là tại phố cổ Hội An.
Với hồ sơ hát Xoan, Bộ Ngoại giao thông qua Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO đã vận động thành công để UNESCO chấp nhận chuyển một di sản từ Danh sách Bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Đại diện của Nhân loại. Đây là điều chưa có tiền lệ vì theo quy định của UNESCO, hai danh sách này có giá trị như nhau. Việc Việt Nam làm được điều này vừa chứng tỏ trên thực tế công tác bảo tồn di sản Hát Xoan của chính quyền và cộng đồng nhân dân Phú Thọ làm rất tốt, đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, cứu di sản khỏi tình trạng bị mai một biến mất. Mặt khác, điều này khẳng định một bước trưởng thành của ngoại giao đa phương khi Việt Nam triển khai “định hình và xây dựng luật chơi mới”, lấy kinh nghiệm thực tế để thay đổi quy định của UNESCO.
Kinh nghiệm của Việt Nam từ nay đã mở ra khả năng cho các di sản được chuyển từ danh sách này sang danh sách khác. Năm 2017, Việt Nam có hai di sản: một được công nhận mới và một được chuyển từ Danh sách Bảo vệ khẩn cấp sang, trong khi thông thường nước nhiều di sản như nước ta chỉ được xét một hồ sơ trong một lần xét hằng năm.
Đóng góp có trách nhiệm vào việc chung của thế giới
Năm 2017 cũng là năm đánh dấu việc Việt Nam tham gia ứng cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO và đã đánh giá cao khi lọt vào vòng 2. Là ứng cử viên, đã trải nghiệm tham gia trực trực tiếp vào hành trình này, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu đã chia sẻ, kể từ khi lập nước đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam có cá nhân ứng cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của một tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Điều này thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và là quyết sách của Chính phủ từng bước đưa người Việt Nam ra ứng cử và làm việc tại các vị trí của các tổ chức quốc tế. Mặc dù ứng cử viên của nước ta không về đích cuối cùng, nhưng cuộc tranh cử đã hoàn thành các mục tiêu đề ra từ đầu. Đó là cơ hội khẳng định mạnh mẽ thông điệp Việt Nam mong muốn đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc chung của thế giới, đồng thời giới thiệu năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam mong muốn và có khả năng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc. Quá trình tranh cử cũng thể hiện bản lĩnh đối ngoại vững vàng, tiến thoái hợp lý, đúng thời điểm, đóng góp có trách nhiệm vào việc gìn giữ các giá trị nhân văn cao cả vì hòa bình và vì con người của UNESCO. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với một số nước vì ứng cử viên Việt Nam đã kết hợp việc tranh cử với việc trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ với một số nước ta chưa bao giờ cử đoàn sang mặc dù thiết lập quan hệ ngoại giao từ lâu. Không chỉ giúp bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, qua đợt này, đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương tham gia vận động của Việt Nam cũng trưởng thành hơn nhờ nhiều bài học kinh nghiệm giá trị từ việc làm hồ sơ đến kỹ năng thi viết, trả lời phỏng vấn và cách thức vận động.
Chỉ ra những điểm còn tồn tại và là trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa trong năm 2018, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu cho rằng, cần nhận thức rõ hơn là ngoại giao văn hóa là một hoạt động ngoại giao bằng các biện pháp văn hóa nhằm phục vụ phát triển đất nước. Vì vậy thường xuyên đổi mới, sáng tạo, tìm ra được các phương thức làm việc mới. Khác với các hình thức hoạt động đối ngoại khác, ngoại giao văn hóa có thể triển khai ở trong và ngoài nước, tại hầu hết các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Nó được thể hiện xuyên suốt, lồng ghép với các hoạt động đối ngoại khác. Thời gian qua, Việt Nam đã định hình được trụ cột ngoại giao văn hóa và trở thành hoạt động thường xuyên của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện, giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, bồi đắp lòng tự hào dân tộc. Nhiệm vụ chính sắp tới của ngoại giao văn hóa là tập trung phục vụ phát triển và làm lan tỏa sức mạnh văn hóa sang các kênh đối ngoại khác. Trong năm 2018, Bộ Ngoại giao cần xây dựng Cẩm nang ngoại giao văn hóa gồm các câu hỏi và câu trả lời về việc triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể ở trong và ngoài nước, cách thức góp phần quảng bá, thúc đẩy du lịch vào Việt Nam cũng như phát huy bản sắc văn hóa Việt khi ra nước ngoài./.
Thừa Thiên - Huế độc đáo những phiên chợ quê chỉ họp trong ngày Tết  (17/02/2018)
Người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc về thăm quê Bác ngày đầu năm mới  (17/02/2018)
Đà Nẵng đón những vị khách quốc tế 'xông đất' bằng đường hàng không  (16/02/2018)
Xông đất đầu năm - phong tục đẹp và lâu đời của người dân Việt  (16/02/2018)
Tết cổ truyền xưa và nay: Vẫn duy trì những phong tục đặc sắc  (16/02/2018)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên