Binh sĩ I-xra-en tập hợp gần biên giới
phía nam I-xra-en hôm 1-1, sẵn sàng
chờ lệnh tấn công vào Dải Ga-da
bằng đường bộ - Ảnh: Tân Hoa xã.

Mối hiềm khích giữa người Ả-rập với người Do Thái là một vấn đề lịch sử phức tạp, chủ yếu xoay quanh việc tranh chấp đất đai: mảnh đất hiện nay người I-xra-en ở có phải là của họ hay là của người Ả-rập Pa-lét-xtin? Suốt 60 năm qua, cộng đồng quốc tế đã hết sức quan tâm giải quyết vấn đề này song tình hình ngày một phức tạp, vùng đất này chưa bao giờ có hòa bình lâu dài.

Tình hình gần đây

Sau khi lãnh tụ A-ra-phát của PLO qua đời (11-11-2004), trong cuộc bầu cử ngày 9-1-2005, ông Áp-bát theo đường lối ôn hoà thuộc phái Fa-ta lên lãnh đạo Cơ quan Quyền lực tối cao Pa-lét-xtin. Dư luận thế giới hoan nghênh kết quả này. Ông Áp-bát chủ trương đàm phán hòa bình với I-xra-en nhằm tiến tới thành lập quốc gia Pa-lét-xtin. “Bộ tứ” quốc tế gồm Liên hợp quốc, Mỹ, EU và Nga tích cực ủng hộ ông Áp-bát. I-xra-en cũng chủ động rút ra khỏi dải Ga-da sau 38 năm chiếm đóng.

Với sự tài trợ của quốc tế, người Pa-lét-xtin bắt đầu xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở trên Bờ Tây sông Gioóc-đan (4.800 km2) và Dải Ga-da (258 km2) nay họ được hưởng quyền tự trị.

Khu Bờ Tây và Dải Ga-da chỉ là một phần thuộc lãnh thổ rộng 11,5 nghìn km2 được Liên hợp quốc chia cho hồi tháng 11-1947 để lập nước Pa-lét-xtin, nhưng hồi ấy người Pa-lét-xtin đã để mất toàn bộ sau cuộc chiến tấn công I-xra-en nhằm chiếm toàn bộ xứ Pa-lét-xtin 27 nghìn km2.

Trong khi đó, người Do Thái thành lập ngay nước I-xra-en trên phần đất Liên hợp quốc chia cho và xây dựng quốc gia này ngày một mạnh về kinh tế và quân sự. Năm 1967, I-xra-en chiếm nốt hai mảnh đất nói trên từ tay Gioóc-đan và Ai Cập; người Pa-lét-xtin không có tổ quốc và phải lưu vong, hầu hết sống trong các trại tị nạn dựa vào viện trợ quốc tế. Mấy cuộc chiến tranh sau đó đều kết thúc bằng thắng lợi của I-xra-en; họ mở rộng lãnh thổ và còn xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất của người Pa-lét-xtin. Hai dân tộc sống xen kẽ nhau, thường xuyên xảy ra xung đột mà người Pa-lét-xtin đều thua.

Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đều ủng hộ người Pa-lét-xtin đòi lại lãnh thổ bị I-xra-en chiếm đóng, nhưng I-xra-en đều làm ngơ, viện cớ bảo đảm an ninh cho nước mình.

Giữa lúc đó thì tổ chức Ha-mát – tức Phong trào Kháng chiến I-xlam của người Pa-lét-xtin, một tổ chức I-xlam cực đoan không thừa nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái, và chủ trương đấu tranh vũ trang tiêu diệt I-xra-en – thắng trong cuộc bầu cử Ủy ban Lập pháp Pa-lét-xtin (1-2006), sau đó thành lập chính phủ liên hợp do Ha-mát lãnh đạo, ông Han-nia-a (Haniya) của Ha-mát làm Thủ tướng, ông Áp-bát của Fa-ta làm Tổng thống. Chính phủ này thi hành đường lối cứng rắn với I-xra-en.

Tuy vậy lực lượng vũ trang của hai phái này thường xuyên xung đột với nhau, tới mức ngày 12-6-2007, Fa-ta buộc phải tuyên bố rút ra khỏi chính phủ liên hợp. Hai hôm sau, Ha-mát dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát dải Ga-da, đẩy Fa-ta ra khỏi vùng này. Ông Áp-bát tuyên bố giải tán chính phủ liên hợp và thành lập chính phủ quá độ tại Bờ Tây sông Gioóc-đan. Sự chia rẽ sâu sắc như vậy trong nội bộ người Pa-lét-xtin đã gây khó khăn cho “Lộ trình Hoà bình” nhằm thành lập nhà nước Pa-lét-xtin.

Từ dải Ga-da, lực lượng Ha-mát thường xuyên bắn rocket sang lãnh thổ I-xra-en. Thị trấn Xđê-rốt (Sderot) của I-xra-en cách dải Ga-da có một dặm hầu như ngày nào cũng bị pháo kích, dân hoảng sợ phải bỏ đi. Róc-két của Ha-mát có thể bắn sâu 42 km bên trong đất I-xra-en. Nhưng thiệt hại về phía I-xra-en không lớn, từ năm 2001 tới nay Xđê-rốt chết có 13 người.

Ngày 18-6-2008, I-xra-en và Ha-mát ký hiệp định ngừng bắn sáu tháng. Tuy vậy vẫn xảy ra xung đột, I-xra-en nhiều lần phải phong tỏa dải Ga-da, gây khó khăn cho đời sống dân Pa-lét-xtin ở đây.

Trước ngày hiệp định hết hạn, Ai Cập đứng ra dàn xếp kéo dài ngừng bắn nhưng với lý do I-xra-en phong tỏa dải Ga-da, Ha-mát và ba phái Pa-lét-xtin cực đoan khác tuyên bố phản đối. Đồng thời Ha-mát còn yêu cầu trong vòng 60 ngày sau khi ông Áp-bát hết nhiệm kỳ chủ tịch Cơ quan Quyền lực Tối cao Pa-lét-xtin (9-1-2009), phải tổ chức bầu cử chức vụ này mà Ha-mát tin chắc sẽ thắng. Ngày 16-12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Nghị quyết số 1850 yêu cầu I-xra-en và Ha-mát tiếp tục đình chiến. Ông Áp-bát hoan nghênh nghị quyết này, nhưng Ha-mát phản đối. Trong thời gian từ 19 đến 26-12, Ha-mát bắn hơn 200 róc-két và pháo sang đất I-xra-en. Dân chúng I-xra-en bất mãn với chính phủ, cho là mềm yếu.

Từ 27-12, với lý do trả đũa các cuộc bắn phá ngày một tăng của Ha-mát, I-xra-en liên tục mấy ngày liền ném bom các cơ quan Ha-mát tại Ga-da, làm chết 385 người Pa-lét-xtin (có 62 dân thường), bị thương trên nghìn người, phá hủy nhiều nhà cửa. Liên hợp quốc và dư luận thế giới đều lên án hành động của I-xra-en và kêu gọi hai bên ngừng bắn và kiềm chế. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en nói “yêu cầu ngừng chiến với Ha-mát thì chẳng khác gì yêu cầu Mỹ ngừng bắn với An Kê-đa” . Lực lượng chủ lực của Ha-mát gồm 35 nghìn lính chưa bị thiệt hại đáng kể, họ kiên quyết chống trả.

Tuy đã tập trung xe tăng ở giáp giới dải Ga-da sẵn sàng tiến vào tiêu diệt Ha-mát trên mặt đất nhưng hiện nay I-xra-en vẫn chưa dám quyết việc này, vì khi tấn công trên bộ sẽ gây nhiều thương vong cho dân thường bị lực lượng Ha-mát dùng làm bia đỡ đạn. Trong 1,5 triệu dân Ga-da có một nửa là trẻ em, nếu thương vong lớn sẽ làm I-xra-en bị quốc tế cô lập. Chính phủ I-xra-en cũng tuyên bố họ chỉ nhằm tiêu diệt Ha-mát chứ sẽ không để xảy ra lần nữa một cuộc chiến tranh Trung Đông.

Tóm lại, quá trình tìm kiếm hòa bình giữa I-xra-en với Pa-lét-xtin vẫn còn vô cùng gian nan, vì hai bên không ai chịu nhân nhượng một bước; nhất là ông Áp-bát chưa kiểm soát được các lực lượng vũ trang Pa-lét-xtin quá khích. Các cố gắng hòa giải của quốc tế như Liên hợp quốc, Ai Cập,... tuy rất quý nhưng chưa có hiệu quả lâu dài. Người ta trông chờ nhiều vào thái độ của Mỹ và các cường quốc khác. Mới đây Iran đã kêu gọi Trung Quốc tham gia dàn xếp hòa bình ở Trung Đông./.