TCCSĐT - “Thực hiện nghiêm Công điện số 165, ngày 01-11, của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện số 84, 85 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn; Kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt là các phương tiện hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa; thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 12 và mưa to lũ lớn có lệnh cấm biển hợp lý căn cứ với tình hình thực tế” - Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã chỉ đạo tại cuộc họp ứng phó với bão và mưa lũ sáng 02-11, tại Hà Nội.

Thực hiện nghiêm Công điện số 165

Theo đó, cần triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ lớn có thể xảy ra tại các tỉnh miền Trung, trong đó tập trung vào các việc theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh theo phương châm 4 tại chỗ. Kiểm tra, rà soát phương án ứng phó, bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã đầy nước, chủ động nắm bắt và xử lý thông tin kịp thời để bảo đảm an toàn công trình và hạ du khi hồ xả lũ hoặc có sự cố công trình. Rà soát phương án ứng phó với mưa lũ lớn, nhất là đối với an toàn đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, vùng ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập sâu, địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, sẵn sàng phương án sơ tán người và tài sản để bảo đảm an toàn. Khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa và hoa màu, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu thoát nước đệm để bảo đảm an toàn chống úng.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão, mưa lũ và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, tính đến 6 giờ sáng 02-11, trong 158 hồ cập nhật thông tin, có 6 hồ chứa thuộc liên hồ chứa khu vực Trung Bộ đang xả qua tràn: A Lưới: 193m3/s, Chi Khê: 443m3/s, An Khê: 20m3/s, Sông Ba Hạ: 700m3/s, Đak Mi 4a: 20m3/s, Vĩnh Sơn 5: 110 m3/s.

Vụ An toàn đập,Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khu vực Nam Trung Bộ có 501 hồ (132 hồ chứa lớn, 369 hồ chứa nhỏ), hầu hết các hồ đạt 60% - 85% dung tích thiết kế. Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định các hồ đạt 30% - 50% dung tích thiết kế. Hầu hết các hồ mực nước còn thấp dưới mức nước dâng nình thường. Có 61 hồ có cửa van, hiện các hồ đang vận hành xả lũ: Định Bình xả 96m3/s, Sông Quao xả 6,7m3/s, Đá Bàn xả 50m3/s.

Có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Quảng Ngãi 11 hồ, Bình Định 17 hồ,... Các hồ đặc biệt cần quan tâm khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Khu vực Đông Nam Bộ có 113 hồ (28 hồ chứa lớn, 85 hồ chứa nhỏ), hầu hết các hồ đạt 70% - 85% dung tích thiết kế, mực nước còn thấp dưới mực nước dâng bình thường. Có 4 hồ chứa xung yếu (Bình Phước 2 hồ, Đồng Nai 2 hồ).

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, mưa lũ đã làm khoảng 107 nhà huyện Vạn Ninh bị ngập cục bộ (hiện nước đang rút dần); ngập cục bộ tại 11 xã thuộc huyện Ninh Hòa trong đó các xã Ninh Thân, Ninh Phụng, Ninh Phú mực nước ngập sâu có nơi lên đến 10m - 1,5m, 1 nhà bị sập, 1 nhà bị hư hại; 1.224 ha lúa và 15 ha hoa màu bị ngập; 201 con gia súc và 4.360 con gia cầm bị chết, 553m kênh mương bê tông bị sập; 150m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 25 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Rà soát, xây dựng phương án ứng phó với cơn bão thứ 12

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sáng 02-11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 03-11, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Ninh Thuận khoảng 420km về phía Đông.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 12, sáng 02-11, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức cuộc họp khẩn triển khai công tác phòng chống bão. Tại cuộc họp Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị huy động cả hệ thống chính trị, triển khai khẩn cấp các biện pháp ứng phó với bão, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Các huyện, thị xã, thành phố ven biển: Phú Quý, Hàm Tân, La Gi, Tuy Phong và Phan Thiết cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, Thanh tra thủy sản triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tàu thuyền, tiếp tục phát lệnh kêu gọi tàu thuyền trên biển, bảo đảm đến 17 giờ ngày 02-11, toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Các địa phương, đơn vị nhanh chóng rà soát, sắp xếp lại nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền để hạn chế thiệt hại do mưa to gây lũ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương rà soát và xây dựng phương án sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, sạt lở, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận kiểm tra và có phương án vận hành các hồ chứa an toàn, chủ động điều tiết sớm qua tràn hạ thấp cao trình đón lũ, không gây lũ chồng lũ vùng hạ du khi xả lũ…Các lực lượng chức năng và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật tư và lực lượng để kịp thời sơ tán, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận: Hiện nay có 10 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, bảo đảm an toàn cho công trình. Đến 6 giờ ngày 02-11, toàn tỉnh còn 830 phương tiện với 4.304 lao động đang hoạt động trên biển gần bờ; 1.562 phương tiện với 9.372 lao động vào các bến tránh trú an toàn.

Khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với bão số 12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cùng Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền đang đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của bão, kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; duy trì thông tin, liên lạc với các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ cho đến khi tàu vào bờ neo đậu an toàn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh giao Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tùy vào diễn biến bão quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng dừng hoạt động. Các quận, huyện, phường, xã, thị trấn triển khai ngay phương án để huy động vật tư, phương tiện, các lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, đặc biệt là ở khu vực ven biển, ven sông, các vùng trũng thấp, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm; chuẩn bị phương án sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn, bảo đảm cung cấp các dịch vụ hậu cần trước hết là lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, ánh sáng, thuốc men, phòng ngừa dịch bệnh tại nơi tạm cư. Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông biển đến các địa điểm kiên cố ngay khi có lệnh của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Theo ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ, huyện đã huy động 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực, sẵn sàng ứng phó với bão; thông báo, lưu ý người dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết. Các tàu, thuyền cũng được thông báo tìm nơi trú ẩn an toàn theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố. Địa phương cũng đã bố trí các công trình, trường học, trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện để kịp thời di dời người dân đến ở khi cần thiết.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đến sáng 02-11, toàn tỉnh có 3.727 tàu cùng với 17.369 ngư dân đã vào đất liền neo đậu tránh bão. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau vẫn chưa bắt liên lạc được với 4 tàu cá đang hoạt động khai thác xa bờ, các tàu còn lại đã di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm nơi tránh trú bão.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn chủ động ứng phó với cơn bão số 12. Cùng với đó, chính quyền các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý và kiểm đếm tàu cá, sắp xếp bến bãi cho tàu cá vào neo đậu; đồng thời vận động người dân củng cố đội tàu để kết hợp với lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng... tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển khi cần thiết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh rà soát, xác định các điểm trường có khả năng chịu ảnh hưởng của bão và cho phép học sinh tại một số điểm trường mầm non, tiểu học ở các khu vực xung yếu ở các xã ven biển như Khánh Hội và Khánh Tiến (huyện U Minh), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân) được nghỉ học để bảo đảm an toàn...

Đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã chuẩn bị tốt phương án ứng phó với bão, có kế hoạch sơ tán, di dời hàng ngàn hộ dân ven biển vào nơi trú tránh an toàn khi bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương hướng dẫn nhân dân thực hiện chằng chống nhà cửa, gia cố, đắp cao bờ bao để phòng nước dâng gây ngập tràn, gây thất thoát thủy sản đang được nuôi trồng, kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường hàng hóa thiết yếu.

Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao Việt Nam có ý kiến với các nước, vùng lãnh thổ có liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho tàu cá của ngư dân vào vùng biển nước ngoài để tránh bão. Hải quân Vùng 5 và Vùng 4 Cảnh sát biển chỉ đạo việc triển khai lực lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng phó với cơn bão, trước mắt triển khai tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn và thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.

Chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhằm chủ động phòng tránh bão số 12, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân, đơn vị đã chỉ đạo các Đồn biên phòng cấm các phương tiện ra khơi đánh bắt hải sản, thời gian bắt đầu từ 10 giờ ngày 02-11 và sẽ cho xuất bến trở lại khi điều kiện thời tiết trên biển bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị tổ chức kiểm đếm lại tàu thuyền; phối hợp với Ban Quản lý các cảng cá sắp xếp cho tàu neo đậu an toàn và duy trì quân số trực kiểm tra, bảo đảm an ninh trật tự tại bến neo đậu.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng duy trì 6 đài canh liên tục thông báo cho các phương tiện trên biển biết áp thấp nhiệt đới hiện đã mạnh lên thành bão số 12; hướng dẫn cho tàu, thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú. Hiện tất cả các phương tiện trên biển đều đã nắm được thông tin để có phương án tránh trú.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 3 liên lạc được với hai tàu cá BV 95681 TS và BV 95124 TS (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) với 14 ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, bị mất liên lạc trước đó; đồng thời hướng dẫn hai tàu cá này thoát khỏi vùng nguy hiểm.

* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, tỉnh hiện có 9.790 tàu cá, trong đó có 317 tàu với 1.730 ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đã nắm được thông tin về cơn bão số 12 và có kế hoạch phòng tránh; số phương tiện còn lại đã vào bến neo đậu.

Hiện nay, mực nước sông Dinh tại thị xã Ninh Hòa đạt 5,34m dưới báo động 3 là 0,16m; trong khi đó, mực nước sông Cái tại thành phố Nha Trang đang ở dưới báo động 1. Nhiều hồ chứa ở Khánh Hòa đang điều tiết nước với lưu lượng xả lũ thấp như các hồ: Đá Bàn xả 47,8 m3/s; Hoa Sơn xả 23,8 m3/s…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương theo dõi kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu, thuyền trên biển; thường xuyên thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ; căn cứ tình hình vùng hạ du, chủ động điều tiết, xả lũ trước nhằm hạ mực nước hồ, để đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.

* Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến của bão số 12. Ngành chức năng điều hành tàu, thuyền hợp lý, tránh thiệt hại về tài sản. Các địa phương rà soát lại hệ thống bờ bao để phòng tránh triều cường, nước biển dâng, sản xuất lúa tránh ngập úng lúa Đông Xuân và hoa màu… Huyện Phú Quốc, Kiên Hải, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương là những địa phương bị tác động nhiều nhất nên cần có biện pháp phòng tránh phù hợp. Các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị các biện pháp sơ tán, di dời dân và ứng phó các tình huống do thiên tai gây ra; chuẩn bị phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động khi có thiên tai xảy ra...

Đến ngày 02-11, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.000 phương tiện với trên 18.000 lao động đang hoạt động trên vùng biển ảnh hưởng của bão vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh vẫn còn trên 6.000 phương tiện đang hoạt động đánh bắt trên biển.

Tại huyện đảo Kiên Hải, đến nay có 1.080/1.530 tàu, thuyền nhỏ đã di chuyển về nơi trú ẩn an toàn; 293 bè cá nuôi được chằng chống... Còn tại huyện đảo Phú Quốc, đến ngày 02-11, có hơn 2.600 tàu đánh bắt của ngư dân trên đảo đã được kêu gọi vào bờ. Hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh khác cũng đã vào trú ẩn ở những vùng an toàn trên huyện đảo như Cảng biển quốc tế An Thới, Dương Đông, Hòn Thơm…

Do ảnh hưởng của bão số 12, ngày 02-11, tất cả các tuyến tàu cao tốc chở khách từ cảng Rạch Giá, Hà Tiên đi huyện đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải và ngược lại đều ngưng xuất bến.

* Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thời tiết nguy hiểm, bất thường, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương đã triển khai các nhiệm vụ ứng phó với bão số 12.

Theo đó, các sở, ban ngành, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một khẩn trương triển khai tổ chức trực ban 24/24h và thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết để ứng phó kịp thời.

Bình Dương cũng đang rà soát các khu vực xung yếu, khu nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tại những vùng trũng, thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở ven sông, suối. Tỉnh còn chuẩn bị phương án di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn theo phương án phòng chống chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẳn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, thông tin rộng rãi tình hình thời tiết và chỉ đạo ứng phó của các cấp chính quyền đến từng ấp, khu phố, người dân, đặc biệt người dân ở vùng trũng thấp, ven sông và hạ lưu các hồ chứa để biết và sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường; rà soát các phương án phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão thứ 12. Các địa phương, đơn vị triển khai các phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du các hồ chứa, chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; có phương án phối hợp đơn vị quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn đảm bảo an toàn công trình khi có mưa, lũ…

Ngoài ra, Bình Dương chỉ đạo chủ đầu tư các công trình xây dựng giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước đang thi công phải có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra./.