Khi xây dựng chủ trương chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, việc quản lý và quy hoạch sử dụng đất của toàn vùng được coi là vấn đề quan trọng đầu tiên trong các vấn đề tính toán, quy hoạch.

* Tiềm năng đất đai

Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên 4,08 triệu ha, trong đó, đất nông nghiệp 3,41 triệu ha, chiếm 84%; đất phi nông nghiệp 634.000 ha, chiếm 15%; đất chưa sử dụng còn 37.000 ha, chiếm 1%.

Theo kết quả phân hạng thích nghi đất đai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiềm năng khai thác sử dụng một số loại đất cụ thể: Diện tích đất thích hợp cho trồng lúa khoảng 1,9 triệu ha thuộc những vùng đất phù sa, đất mặn, đất phèn… có hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh; tập trung nhiều ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang…

Diện tích thích hợp cho trồng cây lâu năm khoảng 640.000 ha (trong đó hiện có 603.000 ha trồng cây lâu năm), tập trung chủ yếu ở vùng đất phù dọc theo sông Tiền, sông Hậu. Riêng đất rừng của vùng không còn nhiều, chiếm 6,09% diện tích tự nhiên. Diện tích để khai thác phát triển rừng từ các loại đất khác trong đất liền khoảng 36 nghìn ha. Khu vực các huyện ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau có diện tích bãi bồi khá lớn, có tiềm năng khôi phục và phát triển rừng ngập mặn.

Đồng bằng sông Cửu Long được xem có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển thủy sản lớn nhất của cả nước, với nhiều hình thức nuôi trồng như: nước ngọt, nước lợ và nước mặn với khoảng trên 1 triệu ha. Về tiềm năng đất phát triển công nghiệp, năng lượng và du lịch, khả năng thu hút đầu tư có thể hình thành những khu, cụm công nghiệp tập trung như: Khu tứ giác trung tâm, Khu Kiên Lương - Ba Hòn - Hòn Chông; Khu công nghiệp Rạch Giá; Khu công nghiệp Phú Quốc; Khu công nghiệp dọc hành lang Quốc lộ 1A từ Bình Chánh đến Tân An… Bên cạnh đó, 8/13 tỉnh, thành phố có đường bờ biển dài trên 700km và hàng trăm đảo lớn nhỏ phù hợp với phát triển điện gió. Thời gian qua, một số dự án được triển khai đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước trong và ngoài nước. Đặc biệt là ở các tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang…

Nhờ vị trí thuận lợi nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đô thị hiện có (thành phố Cần Thơ), là đô thị hạt nhân cùng mạng lưới các đô thị phân bố tại các tỉnh trong vùng. Trong tương lai, tiềm năng đất đai cho phát triển đô thị thuộc Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được mở rộng theo hướng có vùng đô thị trung tâm, mà đô thị hạt nhân là thành phố Cần Thơ và vùng phụ cận, được xác định trong phạm vi bán kính 30km - 50km từ vùng đô thị trung tâm và các vùng đối trọng.

* Định hướng và giải pháp

Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá các yếu tố về điều kiện tự nhiên, xã hội, môi trường, tiềm năng đất đai và định hướng phát triển trong tương lai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển thành 3 tiểu vùng. Theo đó, Tiểu vùng 1 với cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp có quy mô diện tích 948.000 ha, bao gồm: Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, một phần diện tích tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ. Đây là tiểu vùng trung tâm chiếm vai trò chiến lược trong mối quan hệ với quốc gia, quốc tế; đồng thời là nơi tập trung đô thị dịch vụ, công nghiệp nghiên cứu khoa học; là đầu mối giao thương với các vùng trong cả nước thông qua cảng vùng và sân bay quốc tế, định hướng cơ bản cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tiểu vùng 2 có cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp có quy mô diện tích 889.000 ha, bao gồm: Tiền Giang, Long An, và một phần tỉnh Đồng Tháp. Đây là tiểu vùng thuộc phía Đông Bắc của Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiểu vùng 3 có cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ có quy mô 2,218 triệu ha, bao gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, một phần tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, Sóc Trăng. Tiểu vùng này phát triển mạnh nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến thủy hải sản, du lịch biển đảo. Đây cũng là một cực đối trọng với các đô thị và cảng trong vịnh Thái Lan, kết nối với các quốc gia Đông Nam Á.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai của Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm đồng bộ, liên kết với mục tiêu tăng giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần cho phép xây dựng một số dự án. Đó là lập quy hoạch sử dụng đất bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long đồng bộ với khu vực Đông Nam Bộ, có kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Cùng với đó là tổ chức điều tra, đánh giá chất lượng đất, tiềm năng đất đai toàn vùng gắn với xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên đất; đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho vùng này. Đặc biệt là xem xét về định hướng an ninh lương thực quốc gia, liên quan đến bảo đảm diện tích đất trồng lúa với chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong phát triển kinh tế, gắn với sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao./.