Saigon Co.op ưu tiên phân phối hàng Việt

Anh Đức
21:48, ngày 25-10-2017

TCCSĐT - Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phát động, trong hệ thống bán hàng của Saigon Co.op có hơn 90% số lượng hàng Việt được bày bán khắp cả nước, được người tiêu dùng tin yêu. Thành công đó bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức nội bộ cán bộ công nhân viên đến người tiêu dùng, từ việc ủng hộ tiến đến sử dụng hàng Việt Nam.

Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng

Saigon Co.op đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức cụ thể. Trong sinh hoạt hằng tháng, luôn động viên, khuyến khích cán bộ nhân viên làm tốt công tác tuyên truyền tại gia đình, trong đơn vị và gắn việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với công tác tuyên truyền đến khách hàng; vận động 100% số cán bộ nhân viên sử dụng hàng Việt và vận động gia đình, người thân sử dụng hàng Việt. Thu thập tư liệu, hình ảnh, các bài viết cổ động và vận động cán bộ, nhân viên viết tuyên truyền về cuộc vận động, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, các sản phẩm hàng nhãn riêng của Co.opmart đưa lên bản tin nội bộ tại đơn vị. Hằng tháng, vào các đợt có chương trình khuyến mãi, Saigon Co.op phát hành trên 500.000 cuốn cẩm nang mua sắm và tờ rơi để giới thiệu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng tham gia bình ổn giá, hàng nhãn riêng Co.opmart đến các hộ gia đình, nhằm quảng bá, cổ động người dân sử dụng hàng Việt, nâng cao hiệu quả cuộc vận động.

Saigon Co.op tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên toàn hệ thống, với mạng lưới phân phối trải dài, rộng khắp cả nước. Qua thời gian dài đồng hành và phát triển cùng hàng Việt, đến nay tỷ lệ hàng Việt Nam tại Saigon Co.op chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa. Trong đó, ngành hàng thực phẩm đang kinh doanh gần 10.000 mặt hàng với tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 95%.

Hệ thống siêu thị Co.opmart đặc biệt ưu tiên cung ứng tối đa các mặt hàng phục vụ tết là hàng Việt để giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường rộng hơn, đặc biệt tạo cơ hội tăng doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó giúp người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa các mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Việc chuẩn bị chu đáo đã giúp Co.opmart ổn định lượng cung, hỗ trợ thiết thực nhất cho người tiêu dùng trong trường hợp có biến động giá. Saigon Co.op đã thực hiện nhiều giải pháp trong việc tổ chức khai thác nguồn hàng tận gốc; đầu tư ứng vốn cho nông dân và các hợp tác xã; liên kết liên doanh với các nhà sản xuất, đặc biệt với những doanh nghiệp trong nước, các đơn vị cung cấp; đầu tư mở rộng hệ thống tổng kho; đổi mới công tác cung ứng vận chuyển điều phối hàng hóa,… bảo đảm nguồn hàng đầy đủ với giá bán tốt hơn thị trường tối thiểu từ 5% - 10% so với các mặt hàng cùng loại.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã kết hợp với 600 đơn vị sản xuất trong nước cùng tổ chức triển khai Tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt 2017” tại hệ thống Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc trong tháng 9-2017. Đây là chương trình khuyến mãi lớn giảm giá hàng Việt, hàng hóa sản xuất trong nước trong năm của Saigon Co.op với mục đích vừa quảng bá kích cầu hàng Việt sâu rộng đến cộng đồng, vừa giúp người tiêu dùng mua sắm các sản phẩm trong nước có xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm và giá cả tiết kiệm.

Đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp và khu chế xuất là hoạt động thường xuyên, chủ lực là hệ thống Co.opmart đảm nhiệm, tích cực đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn và các gia đình chính sách xã hội. Trong cả năm 2016, hệ thống Co.opmart đã thực hiện khoảng 900 chuyến bán hàng lưu động, trong đó riêng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh gần 280 chuyến.

Một số đề xuất

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, cả nước đang đứng trước cơ hội để nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới, mặt khác, áp lực cạnh tranh cũng sẽ ngày càng lớn đối với hàng hóa và hệ thống bán lẻ nội địa sau khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Nhận thức rõ những cơ hội và thách thức đó, Saigon Co.op đã vạch ra chiến lược phát triển trong thời gian tới nhằm củng cố vị thế nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam và tiếp tục là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.

Theo đó, cần tiếp tục ưu tiên tập trung công tác tuyên truyền và phân phối hàng Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới đối với các mô hình có sẵn theo hướng lựa chọn những địa điểm vừa thuận tiện cho người tiêu dùng vừa bảo đảm hiệu quả, đồng thời nghiên cứu và phát triển các mô hình thương mại mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Tập trung phát triển nguồn hàng, dịch vụ hậu cần logistics để nguồn hàng đến được điểm bán một cách thuận lợi với chi phí thấp nhất.

Tăng cường hợp tác, liên kết với các nhà sản xuất đầu tư phát triển vùng nguyên liệu để có được nguồn hàng bảo đảm chất lượng, an toàn với giá thành tốt nhất. Thông qua quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài tăng cường xuất khẩu hàng Việt sang thị trường nước ngoài.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường. Cải tiến, áp dụng công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, ổn định, giá cả cạnh tranh. Linh động trong quản lý điều hành kinh doanh, phối hợp thông tin chặt chẽ với các nhà phân phối. Cam kết về số lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Có chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn về thuế, nguồn vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường mối liên hệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp để hỗ trợ hướng dẫn định hướng sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực... Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, có biện pháp phòng chống hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính. Cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn trong việc quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Hiện nay các thủ tục kiểm soát chất lượng còn phức tạp, chồng chéo (một số mặt hàng trị giá hàng hóa nhỏ nhưng chi phí kiểm định cao dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thực hiện kiểm định, kiểm định đại diện hoặc đưa vào giá làm giảm khả năng cạnh tranh).../.