TCCSĐT - Cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalunya ngày 01-10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Bằng tuyên bố sẽ áp đặt quyền quản lý trực tiếp đối với vùng Catalunya, Chính phủ Tây Ban Nha mong muốn giải quyết được vấn đề Catalunya. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây cũng chỉ là một bước tiến mới trong cuộc khủng hoảng chính trị, còn chưa có hồi kết, mang tên Catalunya.

Áp đặt quyền quản lý trực tiếp đối với vùng Catalunya

Ngày 21-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố sẽ kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp vùng Catalunya, giải tán chính quyền khu vực và tiến hành bầu cử sớm trong 6 tháng tại đây nhằm ngăn chặn kế hoạch tách khỏi Tây Ban Nha của khu vực tự trị này.

 
 Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

Phát biểu sau cuộc họp nội các khẩn cấp cùng ngày, Thủ tướng Rajoy cho biết Chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ này nhằm đảm bảo tính trung lập của các cơ quan khu vực, khả năng vận hành của các dịch vụ công và hoạt động kinh tế, cũng như việc bảo vệ quyền lợi của toàn bộ người dân. Ông nhấn mạnh rằng Madrid không có sự lựa chọn nào khác bởi chính quyền khu vực tự trị Catalunya đã hành động một cách "đơn phương, đi ngược lại luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu" khi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho khu vực tự trị này.

Theo kế hoạch của Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Puigdemont, thủ hiến vùng Catalunya và các quan chức cấp cao của Catalonia sẽ bị mất chức, trụ sở làm việc sẽ bị thu hồi. Madrid có thể kiểm soát trực tiếp lực lượng cảnh sát của Catalonia và thay thế các quan chức truyền thông tại đây.

Trước đó, ngày 20-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết chính phủ nước này đã đến "điểm tới hạn" trong khi tìm kiếm các biện pháp khẩn cấp chấm dứt ý đồ ly khai của vùng tự trị Catalunya.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu ở Brussels, Thủ tướng Rajoy tuyên bố chính phủ nước này đã đến "điểm tới hạn" trong khi tìm kiếm các biện pháp khẩn cấp chấm dứt ý đồ ly khai của vùng tự trị Catalunya.

Thủ tướng Rajoy nêu rõ: "Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tránh rơi vào tình thế khó khăn. Các bạn sẽ hiểu là không dễ dàng gì khi một quốc gia, cho một chính phủ thành viên EU phải chứng kiến cảnh luật pháp đang bị hủy hoại" trong cuộc trưng cầu ý dân về độc lập trái phép ở Catalunya vừa qua. Ông cho biết sẽ công bố các biện pháp nhằm áp đặt quyền điều hành trực tiếp đối với vùng Catalunya sau cuộc trưng cầu về nền độc lập. Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, những biện pháp nhằm áp đặt quyền điều hành trực tiếp đối với vùng Catalunya dựa trên điều khoản 155 chưa từng được sử dụng trong Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, chính quyền Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, những biện pháp này sẽ nhận được sự ủng hộ từ đảng Xã hội (PSOE) đối lập và đảng Công dân (Ciudadanos).

Trước đó cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo đã nhất trí với PSOE đối lập để tổ chức cuộc bầu cử ở vùng Catalunya vào tháng 01-2018 như một phần trong gói các biện pháp đặc biệt nhằm áp đặt tạm thời quyền điều hành trực tiếp đối với vùng này.

Dự kiến Thượng viện Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp này vào ngày 27-10 tới. Người phát ngôn Thượng viện Tây Ban Nha cho biết cơ quan lập pháp này có thể bỏ phiếu thông qua việc áp đặt quyền quản lý trực tiếp đối với vùng Catalunya. Theo đó, Thượng viện sẽ phải thành lập một ủy ban để tranh luận về biện pháp chưa từng có tiền lệ này. Theo kế hoạch, ủy ban này sẽ nhóm họp vào ngày 23-10 tới, trong khi Thủ hiến Catalunya Carles Puigdemont sẽ có cơ hội để phản hồi về vấn đề này. Tiếp đó, Thượng viện, nơi đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Tây Ban Nha chiếm đa số, sẽ bỏ phiếu về các biện pháp này sớm nhất là vào ngày 27-10 tới.

Lên án mưu toan ly khai của vùng Catalunya

Cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập của Catalunya ngày 01-10 đã đẩy Tây Ban Nha vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ sau khi nền dân chủ được tái lập năm 1975. Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ngày 17-10 tuyên bố luật trưng cầu ý dân về độc lập của Catalunya là vô giá trị.

Cùng ngày, trang chủ của Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã bị sập do bị tin tặc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Mặc dù trước đó, nhóm Anonymous cảnh báo sẽ tiến hành tấn công mạng do cuộc khủng hoảng tại Catalunya, song vẫn chưa thể xác nhận nguồn gốc vụ tấn công này. Toàn bộ hệ thống IT còn lại của tòa án vẫn hoạt động bình thường.

Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha thông báo ngày 21-10, chính phủ nước này sẽ kích hoạt điều 155 của Hiến pháp, cho phép Madrid đình chỉ quyền tự trị của vùng Catalunya nếu lãnh đạo vùng này ngoan cố thúc đẩy độc lập, đồng thời nhất trí kêu gọi cuộc bầu cử mới. Trước đó, ngày 17-10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố luật trưng cầu ý dân về độc lập của Catalunya là vô giá trị.

Nhà Vua Tây Ban Nha Felipe VI tuyên bố đất nước đang phải đối mặt với một "âm mưu ly khai không thể chấp nhận được" của vùng tự trị Catalunya, đồng thời nhấn mạnh vùng này luôn là một phần quan trọng của Tây Ban Nha.

Trong một phát biểu tại lễ trao giải Asturias diễn ra ngày 20-10 tại thành phố Oviedo, Nhà Vua Felipe khẳng định: "Chúng ta không muốn từ bỏ cái mà chúng ta đã cùng nhau xây dựng nên". Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể quên rằng người dân Tây Ban Nha đã sống và chia sẻ nhiều thành công cũng như thất bại, chiến thắng và sự hy sinh, những điều đã gắn kết mọi người thành một khối thống nhất trong niềm vui và nỗi đau". Nhà Vua cũng khẳng định rằng mọi thành quả của Tây Ban Nha đã đạt được là nhờ "sự mong muốn chân thành cùng chung sống và hiểu nhau, phù hợp với luật pháp và các quy định dân chủ".

Về phần mình, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani đã chỉ trích những người "gây rối" bằng cách không tuân thủ luật pháp Tây BanNha. Phát biểu tại lễ trao giải trên, ông Tajani khẳng định "để đối phó với một số người gây rối bằng cách phớt lờ luật pháp, chúng ta cần nhắc nhớ mình về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định của pháp luật". Nhắc lại quá khứ, khi các mong muốn vẽ lại đường biên giới vốn được coi như "liều thuốc bách bệnh" nhưng rốt cuộc đều dẫn tới tình trạng hỗn độn khủng khiếp, Chủ tịch EP kêu gọi "đừng để chúng ta phải dựng đường biên giới giữa người châu Âu với nhau".

Cũng tại lễ trao giải trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã dùng bài phát biểu của mình để ca ngợi Tây Ban Nha như "một sức mạnh đi đầu trong châu Âu", nhấn mạnh "vị trí của Tây Ban Nha đang và sẽ là ở trái tim của châu Âu". Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định "luật pháp phải được mọi người tôn trọng".

Phản đối, chỉ trích Chính phủ Tây Ban Nha

Sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 21-10 công bố kế hoạch giải tán chính quyền tự trị ở Catalonia và kêu gọi bầu cử tại đây trong 6 tháng nhằm ngăn Catalunya ly khai, lãnh đạo của vùng tự trị ông Carles Puigdemont kêu gọi nghị viện Catalunya họp khẩn cấp trong bối cảnh 450.000 người biểu tình đổ ra các con phố ở Barcelona ngày 21-10 để bày tỏ sự giận dữ với Madrid. Cảnh sát cho biết người biểu tình mang theo cờ của vùng Catalunya, hô vang khẩu hiệu "tự do" và "độc lập".

 
 Lãnh đạo Catalunya và người dân Barcelona biểu tình phản đối quyết định của Madrid.
Nhiều người biểu tình hô vang từ "tự do" và "độc lập". Hàng nghìn người vẫy lá cờ vàng, đỏ, xanh của Catalunya.

"Tôi cảm thấy bị xúc phạm và rất buồn", Meritxell Agut, một nhân viên ngân hàng 22 tuổi, nói. "Họ giẫm đạp lên quyền và tư tưởng của người Catalunya. Họ có thể phá hủy tất cả mọi thứ họ muốn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu".

Mặc dù phản đối việc đòi độc lập, thị trưởng Barcelona Ada Colau cũng chỉ trích quyết định của Madrid. Bà gọi hành động của Madrid là "tấn công nghiêm trọng vào quyền và tự do của tất cả mọi người".

Madrid có thể lấy lại quyền kiểm soát của các vùng nổi loạn theo Điều 155 trong Hiến pháp Tây Ban Nha. Thủ tướng Rajoy cho biết đây là giải pháp cuối cùng bởi ông Puigdemont từ chối từ bỏ đe dọa tuyên bố độc lập sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 01-10. Cho dù kế hoạch của Thủ tướng Rajoy sẽ được Thượng viện Tây Ban Nha thông qua vào ngày 27-10 tới đây nhưng cuộc khủng hoảng chính trị mang tên Catalunya không vì thế mà chấm dứt./.