TCCSĐT - Ngày 20-9-2017, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam”. Tham dự Lễ trao giải có các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và một số Đại sứ các nước tại Việt Nam.

Lễ trao giải vinh danh các đơn vị sở hữu những ý tưởng, sản phẩm xuất sắc nhất trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ diễn ra phiên trình diễn sản phẩm của các đơn vị được vinh danh. Ban tổ chức cũng trao giải cho các đơn vị xuất sắc trong cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” (CMYT) lần thứ hai, công bố tốt nghiệp và trao chứng chỉ tốt nghiệp cho một số doanh nghiệp trong cuộc thi CMYT lần thứ nhất.

Cuộc thi CMYT lần thứ 2 được Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) khởi động vào tháng 4-2017, sau khi các đơn vị được lựa chọn hỗ trợ trong Cuộc thi CMYT lần thứ nhất đạt được nhiều thành công.

VCIC được thành lập dưới sự bảo trợ và quản lý của WB và Bộ Khoa học và Công nghệ, với nguồn tài trợ từ chính phủ Ô-xtrây-li-a, Vương quốc Anh. Hiện tại, VCIC đang hỗ trợ 18 doanh nghiệp trong việc phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh mới có tiềm năng tạo được những tác động tích cực trong các lĩnh vực công nghệ sạch tại Việt Nam, như: năng lượng hiệu quả, nông nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin trong lĩnh vực công nghệ sạch và quản lý nước và lọc nước. Bằng cách kết hợp các dịch vụ được xây dựng phù hợp với nhu cầu tại chỗ với việc tiếp cận các đối tác quốc tế cũng như tri thức toàn cầu, VCIC giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và phát triển bền vững. Thêm vào đó, do đặc điểm vị trí địa lý tự nhiên nên các khu vực đồng bằng và ven biển tập trung đông dân cư với hàng loạt hoạt động kinh tế là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Trước hiện trạng đó, Việt Nam cùng các nước tìm ra cơ hội, giải pháp mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (VGGS) nhằm thúc đẩy “sản xuất xanh” thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và công nghệ mới. Để đạt được mục tiêu của VGGS, đến năm 2020, cần nguồn vốn đầu tư khoảng 30 tỷ USD, trong đó 70% đến từ khu vực tư nhân. Để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư quy mô lớn vào “sản xuất xanh”, đạt “tăng trưởng xanh”, cần phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo giúp tạo ra các sản phẩm và dịch vụ ứng phó với biến đổi khí hậu có tính thương mại hóa và mang lại lợi nhuận cao.

Công nghệ sạch có thể giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính từ 8 - 10% từ năm 2010 đến năm 2020 và giảm thêm từ 1,5 đến 2% cho đến năm 2050. VCIC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước thông qua một loạt các dịch vụ trọng điểm như: Giảm phát thải hơn 1.000 tấn khí CO2; Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước về công nghệ sạch; Hơn 1.700 hộ được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới/cải tiến./.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng phương thức kinh doanh mang tính đột phá để ứng phó với biến đổi khí hậu. So với các công ty lớn thì doanh nghiệp vừa và nhỏ linh hoạt hơn trong áp dụng các mô hình kinh doanh mới, thâm nhập phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ và chấp nhận các rủi ro về công nghệ.