TCCSĐT - Bão số 10 đã để lại những hậu quả nặng nề đối với các tỉnh miền Trung. Ngay sau khi bão đi qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương với sự hỗ trợ của bộ đội, thanh niên, đã kịp thời huy động các lực lượng tại chỗ tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 10.

Hà Tĩnh: Gần 5.000 thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục hậu quả bão số 10

Ngày 17-9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động gần 5.000 đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 10.

Trong đó, gần 2.000 đoàn viên thanh niên khối đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã trực tiếp đến vùng bị thiệt hại nặng của các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh giúp đỡ nhân dân sửa chữa các trường học, trạm y tế, thông đường giao thông bị ách tắc, vệ sinh môi trường biển.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tại chỗ của các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Thành phố Hà Tĩnh với hàng ngàn đoàn viên thanh niên đã ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm; giúp các hộ neo đơn, chính sách, hộ nghèo sửa hệ thống điện sinh hoạt, lợp lại mái nhà, sửa nhà ở bị hư hỏng, trồng lại cây xanh, giúp đỡ các mô hình kinh tế thanh niên ổn định sản xuất, kinh doanh,…

Bên cạnh các hoạt động tình nguyện, các đơn vị thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng đã kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để trao quà hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nặng, hoàn cảnh khó khăn nhằm sớm ổn định cuộc sống sau sự cố do bão số 10 gây ra. Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh trao tặng 110 suất quà bao gồm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt và tiền mặt có tổng trị giá 20 triệu đồng cho người dân hai xã Kỳ Phú (Huyện Kỳ Anh) và Kỳ Hà (Thị xã Kỳ Anh).

Trước đó, sáng 16-9, ngay khi bão vừa tan, các cấp bộ đoàn thuộc Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động 1.850 đoàn viên thanh niên thuộc 86 đội thanh niên tình nguyện của các địa phương, đơn vị cùng nhân dân ra quân làm vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả, tiếp tục chuẩn bị các phương án phòng, chống, đối phó các tình huống có thể xảy ra do hiện tượng mưa to sau bão.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thế Hoàn chia sẻ, các hoạt động tình nguyện sẽ tiếp tục được Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tăng cường trong những ngày tới nhằm đóng góp sức trẻ vào việc ổn định tình hình, không để tình trạng tiêu điều sau bão số 10 kéo dài làm ảnh hưởng đến tư tưởng, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Quảng Bình: Gồng mình gượng dậy sau “siêu bão” số 10

Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề của cơn bão số 10, đặc biệt trong lĩnh sản xuất và trồng trọt. Tại huyện Bố Trạch, bão số 10 đã gây thiệt hại nặng nề với trên 19.850 nhà dân bị tốc mái, 17 nhà dân bị sập, trong đó 06 nhà sập hoàn toàn; 300 nhà dân bị ngập trên 1 mét; gần 200 phòng học bị tốc mái. 500 ha cây ăn quả và hàng ngàn ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng. Hàng ngàn vật nuôi gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hệ thống cơ sở vật chất tại các trường học, y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan, công trình thủy lợi, giao thông, điện lưới, đê kè… bị vỡ, hư hỏng nặng. Đặc biệt, thiệt hại nặng nhất phải kể đến đó là trên 6.200 ha cao su - tài sản quý giá - của nông dân trên địa bàn đã bị đổ, gãy và mất trắng.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, địa phương chủ yếu là vùng đất gò đồi, cây hồ tiêu và cao su được coi là cây trồng chủ lực và cao su được ví như “vàng trắng” của người dân. Nhưng cơn bão số 10 đã tàn phá, gây thiệt hại rất nặng nề, gần 400 ha cao su bị đổ gãy, không có khả năng phục hồi, bà con rất lo lắng và gặp vô vàn khó khăn sau bão.

Ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết: Nhiệm vụ trước mắt cần làm là huy động lực lượng cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên thanh niên các đơn vị, hội, đoàn thể chung tay chung sức cùng bà con nhân dân khắc phục thiệt hại về nhà cửa; khẩn trương sửa chữa, dọn dẹp, vệ sinh trường học, trạm xá, trụ sở làm việc bị hư hỏng nặng… để sớm ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện tiếp tục thống kê báo cáo thiệt hại do bão gây ra đối với nhân dân và địa phương, để kịp thời có phương án xử lý, hỗ trợ giúp đỡ bà con sớm ổn định đời sống, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương đã trực tiếp về các địa bàn được giao phụ trách để chỉ đạo, kiểm tra nắm tình hình; đồng thời chia sẻ, động viên bà con vùng bị thiệt hại ổn định tinh thần, khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại nhiều nơi trong tỉnh, để hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau bão, lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã triển khai tổ chức hai tổ công tác gần 200 cán bộ chiến sỹ tăng cường cho các địa phương như huyện Minh Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch... Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị dốc toàn lực cùng với các ban ngành và nhân dân địa phương với phương châm “phát huy tinh thần 4 tại chỗ”, nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình mưa lũ sẵn sàng ứng phó, giúp đỡ nhân dân. Ngay sáng sớm 16-9, tại xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức vệ sinh, sửa chữa nhà bị tốc mái cho các hộ dân bị thiệt hại và Trường Tiểu học số 2 Thanh Trạch, sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn, thiệt hại, chung sức cùng nhân dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa

Chiều 16-9, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại Thanh Hóa.

Sau khi nắm bắt tình hình chung do ảnh hưởng của bão số 10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại tại Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa - địa phương được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 10 gây ra. Tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, bão số 10 đã khiến nhiều công trình, cơ sở hạ tầng du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nước biển dâng và sóng lớn trong hai ngày bão đã cuốn trôi hoàn toàn tuyến đường và bờ kè chắn sóng ven biển tại Khu du lịch Hải Tiến với chiều dài 4,5 km cùng các công trình phụ trợ khác như: hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh...

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh ngay sau khi cơn bão đi qua, tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo huyện Hoằng Hóa, các nhà đầu tư trong Khu du lịch biển Hải Tiến khẩn trương bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh, thống kê thiệt hại thực tế và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Về phương án do tỉnh Thanh Hóa đề xuất Trung ương đầu tư kinh phí xây dựng tuyến đê kè biển dài 4 km bảo vệ Khu du lịch biển Hải Tiến và lâu dài là khép kín tuyến bờ biển huyện Hoằng Hóa với chiều dài 12 km, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng đây là phương án cần thiết, mang tính cấp bách để đảm bảo an toàn cho Khu du lịch Hải Tiến và các xã ven biển huyện Hoằng Hóa trong tình hình thiên tai ngày càng cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Bộ sẽ cử cán bộ phối hợp cùng tỉnh Thanh Hóa trong việc khảo sát, nghiên cứu phương án đảm bảo an toàn cho các xã ven biển huyện Hoằng Hóa, đồng thời sẽ tiếp thu và đề xuất với Chính phủ, các bộ ngành có liên quan hỗ trợ Thanh Hóa sớm khắc phục thiệt hại do bão số 10 gây ra.

Sầm Sơn ra quân chỉnh trang đô thị

Sáng 17-9, chính quyền và nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do ảnh hưởng do bão số 10 gây ra.

Suốt 3,5km dọc tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương, hơn 200 công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn ra quân dọn dẹp vệ sinh. Các phương tiện như máy xúc, ủi và các phương tiện khác được chính quyền thành phố huy động tối đa để thu gom, xúc, vận chuyển hàng ngàn tấn cát, cành cây gãy đổ ra khỏi tuyến đường ven biển và một số đường nhánh. Trước đó, ngày 15-9, do ảnh hưởng của bão số 10, triều cường và gió mạnh đã khiến nhiều đợt sóng to 3-5m đổ vào đô thị ven biển Sầm Sơn. Bão qua đi, để lại hàng ngàn tấn cát trong hệ thống Hubway sát biển và lòng đường Hồ Xuân Hương. Công nhân cặm cụi quét dọn, hốt bùn, cát đọng trên các tuyến đường sau khi nước rút. Do lượng cát biển tràn vào các tuyến đường quá lớn nên công tác dọn dẹp được tiến hành từ ngày 16-9 đến nay mới đạt khoảng 70% công việc.

Sóng to cũng kéo theo lượng lớn bèo tây từ hệ thống sông Đơ và các âu thuyền dạt về bãi A, bãi B biển Sầm Sơn, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn đã huy động lực lượng dọn dẹp, thu gom bèo trên các bãi cát ven biển. Đến trưa 17-9, cơ bản các bãi cát dọc bờ biển Sầm Sơn đã trở lại sạch sẽ. Đường phố dần sạch sạch đẹp trở lại. Nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ cũng được các lực lượng chức năng tích cực giải phóng, tránh ách tắc.

Chị Nguyễn Thị Tình, công nhân Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn cho biết: Dọn dẹp vệ sinh đô thị là công việc hàng ngày của các công nhân vệ sinh đô thị, do ảnh hưởng của bão số 10 nên khối lượng công việc nhiều hơn. Hai ngày qua, anh em công nhân công ty đã làm việc hết sức không quản ngày đêm, nhanh chóng trả lại vẻ sạch đẹp cho thành phố Sầm Sơn, không để lại hình ảnh Sầm Sơn không sạch đẹp trong lòng du khách...

Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn cho biết: Khi cơn bão số 10 đang diễn ra, toàn bộ lực lượng chức năng của thành phố trong tình trạng sẵn sàng ứng phó. Sau khi bão suy yếu, Sầm Sơn huy động 100% cán bộ, công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Dịch vụ du lịch Sầm Sơn tổng dọn vệ sinh môi trường tại tất cả các tuyến đường, khu dân cư, trong đó, ưu tiên tập trung tại tuyến đường ven biển. Dự kiến trong chiều 17-9, công tác dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang đô thị sẽ hoàn tất. Sau bão số 10, Sầm Sơn vẫn sẵn sàng đón chào du khách gần xa...

Bộ đội Biên phòng Ninh Bình cứu sống 3 thuyền viên bị trôi dạt trên biển

Ngày 17-9, Trung tá Nguyễn Xuân Bính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cho biết, tối 16-9, lực lượng cứu hộ Đồn Biên phòng Kim Sơn và ngư dân Kim Sơn, Ninh Bình đã cứu sống 3 thuyền viên bị rơi khỏi tàu KG 94896 TS do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua.

Chiều tối 16-9, trong quá trình tuần tra kiểm soát, tổ công tác của Đồn phát hiện người lênh đênh trên biển cách Trạm Kiểm soát Biên phòng Cồn Nổi 2 km. Lập tức, Đồn Biên phòng Kim Sơn đã cử cán bộ di chuyển bằng xuồng máy tiếp cận những người bị nạn và cứu vớt. Đến 19h30, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã cứu vớt được nạn nhân là thuyền viên của tàu KG 94896 TS gồm Thuyền trưởng Bùi Thanh Bình (sinh năm 1984, quê quán Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang), thuyền viên Danh Nhật Xuân (sinh năm 1994) và thuyền viên Danh Thành (sinh năm 1996), cùng ở Minh Hòa, Châu Thành, Kiên Giang.

Theo lực lượng tìm kiếm cứu hộ, tình trạng sức khỏe các nạn nhân khi được cứu vớt rất yếu, do phải chống chọi với sóng to, gió lớn, nhịn đói nhiều giờ liền; khi lực lượng cứu hộ tiếp cận, các nạn nhân đang ôm các can nhựa làm phao cứu sinh. Sau khi được cứu vớt, các nạn nhân đã được các bác sỹ chăm sóc tận tình, giữ ấm cơ thể và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ. Hiện tại sức khỏe của các nạn nhân đã ổn định và đang dưỡng sức tại Đồn Biên phòng Kim Sơn. Đồn Biên phòng Kim Sơn đã liên hệ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình để phối hợp với các cơ quan chức năng đưa nạn nhân trở về quê.

Trước đó, tàu KG 94896 TS cùng 5 thuyền viên bị hỏng máy, thả trôi khi đang trú bão số 10 tại khu vực có sóng to, gió lớn, nước tràn vào hầm hàng tàu cách cửa Lạch Trường, Thanh Hóa khoảng 13 hải lý về phía Đông Bắc từ lúc 13h00 ngày 15-9./.