Lễ công bố Khung chiến lược hợp tác quốc gia

Tin, ảnh: PV
18:32, ngày 14-09-2017

TCCSĐT - Ngày 14-9-2017 tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ công bố Khung chiến lược hợp tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 . Tham dự Lễ công bố có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các chuyên gia trong nước và quốc tế. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì Lễ công bố.

Bối cảnh xây dựng CPF

Khung chiến lược hợp tác quốc gia (CPF) ra đời dựa trên kết quả phân tích Báo cáo Việt Nam 2035 với mục tiêu hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ và Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam 2016. CPF được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong phát triển, như hoàn thành hầu hết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); Tăng trưởng kinh tế nhanh và tăng cường hội nhập quốc tế, khu vực; Giảm nghèo bền vững và có chỉ số phát triển con người tăng.

Thách thức còn tồn tại và mới nảy sinh là: Áp lực tài khóa ngày càng tăng; Mức nợ công tăng, tình trạng nghèo chưa được giải quyết dứt điểm; Dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu và thiên tai; Mức tăng năng suất lao động giảm; Nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn.

Với khung đối tác mới này, WBG tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển và đạt trình độ cao hơn trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình và tốt nghiệp quy chế vay vốn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế - nguồn vốn dành cho các nước thu nhập thấp của WB.

Lĩnh vực trọng tâm và mục tiêu của CPF

Thúc đẩy phát triển năng lượng phát thải các-bon thấp, bao gồm năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; Tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai; Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và an ninh nước; Củng cố tính phù hợp và chất lượng của giáo dục đại học và các thể chế thị trường lao động; Nâng cao tính tích hợp và hiệu quả của hệ thống hỗ trợ xã hội, hưu trí và bảo hiểm y tế; Củng cố quản trị nền kinh tế và thể chế thị trường; Thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và nông nghiệp; Tăng cường cạnh tranh thương mại, kết nối giao thông đa phương thức và dịch vụ hậu cần; Tăng cường quy hoạch, quản lý và cung cấp kết cấu hạ tầng và đất đai tại các thành phố; Mở rộng sự tham gia vào hoạt động kinh tế của người dân tộc thiểu số, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương; Cải thiện tiếp cận các dịch vụ y tế công và tư với chất lượng cao và giảm tình trạng suy dinh dưỡng.

Ông Ousmane Dione Giám đốc ngân hàng Thế Giới tại Việt Nam cho biết thêm: “Trong giai đoạn thực hiện khung đối tác quốc gia tới WB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp cải cách nhằm tạo động lực mang tầm chiến lược. Chúng tôi sẽ huy động tất cả các thể chế - WB, IFC, MIGA và các công cụ sẵn có nhằm tạo chuyển biến chiến lược như cho vay, đối thoại chính sách, phân tích và tư vấn hoặc bảo lãnh”. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ bằng hình thức đầu tư, tư vấn và huy động nguồn vốn dài hạn cho các khoản đầu tư mang lại lợi ích kinh tế - xã hội lớn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn và các nguồn vốn tư nhân khác. IFC sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ chốt như tài chính, hạ tầng, công nghiệp chế tạo và năng lượng nhằm kết hợp kinh nghiệm quốc tế với sự thông hiểu tình hình tại chỗ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Qua đó đạt hiệu quả đầu tư và lợi ích xã hội cao nhất.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Khung đối tác quốc gia Việt Nam - WBG đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam - WBG ngày càng thịnh vượng, bền vững và hiệu quả. Việt Nam đã nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ WB, giúp nền kinh tế Việt Nam gặt hái được nhiều thành công trong quá trình phát triển”. Ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Trong đó, đẩy mạnh tăng trưởng, đạt trình độ công nghiệp hóa cao và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam chính là minh chứng cho thấy quyết tâm đạt thành tích cao nhất, nhưng muốn đạt được kết quả như vậy đòi hỏi Việt Nam phải tính cả phương pháp và công tác triển khai. WBG vinh dự sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình củng cố vị thế của một nước thu nhập trung bình thành công và tạo tiền đề trở thành một nước thu nhập cao”./.

Khung đối tác quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 của Việt Nam và mục tiêu cân bằng giữa phát triển kinh tế và bền vững môi trường, thúc đẩy bình đẳng, nâng cao năng lực, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.