Bên cạnh những tác động xấu không nhỏ từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới mang lại đối với một nước đang phát triển với tốc độ nhanh, kinh tế Trung Quốc năm 2009 còn tiếp tục bị chi phối bởi di chứng thiệt hại nặng nề trong nước từ năm 2008: thiên tai mưa tuyết đóng băng hiếm thấy ở khu vực miền nam, động đất kinh hoàng ở Văn Xuyên, Tứ Xuyên, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh nhãn hiệu “Tam Lộc” nhiễm me-la-min…

Bước vào năm 2009, những khó khăn cũ chưa có dấu hiệu dừng, những vấn đề mới như hạn hán nặng nề “chưa từng có trong lịch sử” đang diễn ra ở 8 tỉnh bắc và trung phần, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới về kinh tế - xã hội. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng “năm nay là năm khó khăn nhất của phát triển kinh tế khi bước vào thế kỷ XXI”, “duy trì mức tăng trưởng 8% trong năm nay là khó khăn bởi kinh tế theo mô hình xuất khẩu đang đối mặt với sự thu hẹp của nhu cầu bên ngoài”.
 
Nếu không duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao thì tác động tới xã hội sẽ rất nghiêm trọng, bởi vì trong trường hợp Trung Quốc, một nước đang phát triển, đông dân, trình độ khoa học công nghệ chưa cao, cứ giảm 1% tốc độ tăng trưởng GDP sẽ mất đi 12 triệu việc làm.
 
Năm 2008 và tháng đầu năm 2009 đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp Trung Quốc phải đóng cửa do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng, sự đình trệ kinh tế đã lan từ những tỉnh Duyên hải vào trong các địa phương miền Trung, và từ công nghiệp xuất khẩu sang các lĩnh vực khác. Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện Trung Quốc có hơn 120 triệu nông dân làm việc trong các ngành chế tạo, xây dựng, dịch vụ… ở thành thị và khu công nghiệp, do suy giảm tăng trưởng kinh tế, năm 2009 sẽ có hơn 20 triệu lao động trong số đó mất việc làm.

Trước tình hình phức tạp và diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, lần đầu tiên Quốc vụ viện đã phải đưa “Báo cáo công tác Chính phủ” chuẩn bị trình bày tại kỳ họp Quốc hội (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc) kỳ 2 khóa XI vào tháng 3-2009 ra trưng cầu ý kiến trong các tỉnh, thành, khu và các bộ, ngành liên quan. Đây là bước đi thận trọng để tìm phương cách tháo gỡ những khó khăn đặt ra đối với nền kinh tế lớn đang phát triển.

Để giảm thiểu tình trạng mất việc làm đối với lực lượng lao động từ nông thôn ra, mấy tháng gần đây Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, cụ thể tạo thành chương trình hỗ trợ lao động nông dân thất nghiệp. Có thể gom lại thành 6 nhóm giải pháp sau:

Một là, kích thích nhu cầu trong nước, duy trì xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm. Về kích thích nhu cầu trong nước, Trung Quốc có nhiều mặt thuận lợi, đó là thị trường nông thôn rộng lớn với hơn 700 triệu nông dân. Về chính sách, Quốc vụ viện đã đưa ra 10 biện pháp mở rộng nhu cầu trong nước hơn nữa vừa góp phần đẩy tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh một cách ổn định, vừa góp phần giải quyết việc làm cho nông dân. 
 
Nhà nước đầu tư 4 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 586 tỉ USD) từ 2009 đến 2010 vào xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, mở rộng mức độ đưa đồ điện về nông thôn… Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư các dự án lớn tạo việc làm, khuyến khích ủng hộ nhóm ngành nghề có mật độ lao động cao, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các ngành dịch vụ.

Hai là, Nhà nước giúp đỡ để giảm bớt áp lực đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn để có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu việc cắt giảm lao động thông qua các biện pháp “5 chậm" (cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn chậm nộp 5 khoản bảo hiểm xã hội); “4 giảm" (giảm 4 hạng mục bảo hiểm); “3 trợ cấp" (trợ cấp bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, trợ cấp chức vụ, trợ cấp đào tạo nghiệp vụ); “2 thương lượng" (hai bên doanh nghiệp và công đoàn hoặc công nhân viên thương lượng bình đẳng) nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho các doanh nghiệp.

Ba là, khuyến khích tự do lập nghiệp, nhất là đối với số lao động mất việc từ đô thị, khu công nghiệp trở về. Nhà nước sẽ miễn giảm thuế, bố trí mặt bằng cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, cho vay lãi xuất thấp, cung cấp dịch vụ, tư vấn lập nghiệp, tạo dựng môi trường tốt cho người lao động tự tìm kiếm việc làm và tự lập nghiệp.

Bốn là, Nhà nước sẽ kết hợp giữa các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Sự kết hợp này một cách khoa học sẽ đẩy mạnh tạo việc làm cho người nông dân ngay tại địa phương; kết hợp ngành nghề truyền thống của địa phương với những ngành nghề mới trên cơ sở áp dụng công nghệ hiện đại, khuyến khích nông dân về quê lập nghiệp.

Năm là, Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực ở nông thôn. Đào tạo kỹ năng và chuyên ngành chuyên môn cho nhân viên doanh nghiệp gặp khó khăn; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho nông dân, tái tạo việc làm cho nhân viên thất nghiệp; đào tạo trước kỹ năng lao động cho lực lượng lao động mới; cung cấp đào tạo ngành nghề miễn phí cho bộ đội phục viên. Đây là một chương trình có quy mô rộng lớn, lâu dài trên phạm vi cả nước.

Sáu là, miễn phí các dịch vụ tìm việc làm. Các cơ quan chức năng, trung tâm giới thiệu việc làm sẽ miễn phí giới thiệu, hướng dẫn, cung cấp thông tin việc làm, kiểm tra kỹ năng, cung cấp dịch vụ tư vấn chính sách, đăng tin tìm việc làm cho người lao động ở thành thị và nông thôn có nhu cầu việc làm.

Những giải pháp tháo gỡ tình trạng nông dân mất việc làm ở đô thị, khu công nghiệp trên đây kết hợp với “Quyết định về một số vấn đề quan trọng thúc đẩy cải cách phát triển nông thôn” với chính sách mới cho phép chuyển đổi quyền nhận khoán ruộng đất tại nông thôn, nhằm làm sống động kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho nông dân, kích thích thị trường nông thôn rộng lớn với 700 triệu nông dân mà Hội nghị Trung ương 3 khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc (9-11-2008) nêu ra đang từng bước đi vào cuộc sống có hiệu quả ở một đất nước đông dân nhất thế giới./.