TCCSĐT - Phụ nữ với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, chung tay bảo vệ môi trường đồng ruộng, phối hợp quản lý việc khai thác cát trên sông Đồng Nai là ba trong số rất nhiều hoạt động ở các địa phương trên cả nước hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05-6.

Phụ nữ với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Ngày 04-6, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tổ chức Hội thảo “Phụ nữ Việt Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ và các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ, Cà Mau, Gia Lai, Hà Nam, Quảng Bình.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho biết, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi, thậm chí hủy hoại sinh kế và chất lượng cuộc sống của con người; trong đó, do đặc điểm sinh học, phụ nữ và trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tuy nhiên, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cũng đã chỉ ra rằng: Phụ nữ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ môi trường thông qua vai trò quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động sản xuất và tái sản xuất trong gia đình và cộng đồng như: thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sắp xếp cuộc sống, sinh hoạt… Thực tế, tại Việt Nam, nhiều mô hình do Hội phụ nữ phát động như: tổ phụ nữ thu gom rác thải, nói không với túi ni long, phân loại và xử lý rác thải tại nhà, giám sát việc sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình 5 không và 3 sạch gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ…đã phát huy hiệu quả tích cực trong bảo vệ môi trường. Điển hình như mô hình phụ nữ Cà Mau tham gia nuôi tôm, cua, nghêu tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống người dân, giúp ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Mô hình “Sống xanh” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Đà Nẵng với nội dung tiết kiệm điện, gas, nước, xăng dầu, giảm rác thải, trồng rau và cây xanh tại nhà, làm người tiêu dùng thông thái...

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường; các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tham gia vào quá trình tái cơ cấu kinh tế nhằm xây dựng một nền kinh tế xanh, các bon thấp, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng trong bảo vệ môi trường; giám sát dựa vào cộng đồng nhằm hạn chế các hoạt động phá hủy thiên nhiên, xả thải ô nhiễm môi trường.

Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP) nếu không có các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường hữu hiệu.

Chung tay bảo vệ môi trường đồng ruộng

Ngày 04-6, tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) Tỉnh đoàn Bắc Ninh tổ chức ra quân thực hiện chương trình: Tuổi trẻ Bắc Ninh chung tay làm sạch ruộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường.

Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh đồng ruộng, cắt cỏ, nạo vét kênh mương và thu gom rác thải, đặc biệt là thu gom các loại chai lọ, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật do người dân sử dụng trong canh tác nông nghiệp, hiện vỏ chai còn vương vãi ở ruộng đồng và đường giao thông. Trong khuôn khổ chương trình còn có hoạt động tuyên truyền đến các đoàn viên, thanh niên và nhân dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm các loại rác thải không cần thiết ra môi trường trong quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp và tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người nếu rác thải không được thu gom, xử lý đúng quy định…

Anh Nguyễn Nhân Chinh, Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh cho biết: Hoạt động này là cách làm mới được Tỉnh đoàn Bắc Ninh thực hiện trong chiến dịch tình nguyện hè năm 2017, thông qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong việc thu gom, xử lý rác thải nội đồng, từ đó, làm thay đổi hành động mỗi cá nhân với công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu “Thay đổi nhỏ - kết quả lớn” nhằm bảo vệ sức khỏe con người, duy trì giống nòi và sự phát triển bền vững của đất nước.

Dịp này, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đẩy mạnh công tác truyền thông về giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng mô hình tổ, đội, nhóm thanh niên tham gia bảo vệ môi trường đồng ruộng. Đặc biệt, hàng tháng thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều tổ chức các hoạt động ra quân thu gom rác thải trên đồng ruộng, làm gọn các điểm tập kết rác thải, vớt bèo, khơi thông dòng chảy kênh mương. Mỗi địa phương đều xây dựng mô hình điểm, rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tuổi trẻ Bắc Ninh còn có các mô hình, tổ, đội, nhóm thanh niên tham gia bảo vệ môi trường đồng ruộng; phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, khoa học và công nghệ, công thương tiến hành chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, áp dụng các phương thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến cho thanh niên, từ đó giảm việc sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng điểm thu gom rác thải tại khu vực đồng ruộng.

Ngoài ra, với chủ đề “Tuổi trẻ Bắc Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”, trong chiến dịch tình nguyện hè năm 2017, Đoàn thanh niên tỉnh Bắc Ninh sẽ sửa chữa, xây "mái ấm thanh niên" cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công; khánh thành 10 km đường điện “Thắp sáng đường quê”; tư vấn, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho 1.000 đoàn viên, thanh niên; 100% cơ sở đoàn tổ chức ít nhất 3 ngày thứ 7 tình nguyện, 3 ngày chủ nhật xanh; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho ít nhất 1.000 đối tượng chính sách…

Cần tăng cường phối hợp quản lý việc khai thác cát trên sông Đồng Nai

Hiện, các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước được giao quản lý, cấp phép khai thác cát xây dựng ở từng đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn. Tuy nhiên, việc khai thác cát trên đoạn sông giáp ranh giữa ba tỉnh từ nhiều năm qua đã để lại nhiều hệ lụy. Hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp cùng UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước yêu cầu các doanh nghiệp giảm công suất, sản lượng khai thác cát để bảo vệ dòng sông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng yêu cầu giảm sản lượng, công suất khai thác nhưng lại không kiểm soát thường xuyên, còn nhiều doanh nghiệp khai thác cát dường như đang “tranh thủ” để khai thác với cường độ cao hơn.

Trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, hiện còn 16 giấy phép khai thác cát, sỏi do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép còn hiệu lực. Riêng tại huyện Đạ Tẻh còn 7 giấy phép; trong đó có 4 giấy phép có hiệu lực đến hết năm 2018 và tháng 01-2019, có 2 giấy phép khai thác đến tháng 01-2020 và một giấy phép có hiệu lực đến năm 2029.

Đoạn sông này có chiều dài 19,72 km. Riêng công suất của các đơn vị khai thác do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đã lên tới 78.600 m3 cát/năm. Chưa kể, cũng trên đoạn sông này, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép cho Hợp tác xã Công nghiệp Phú Xuân có thời hạn đến 20-10-2025, tổng trữ lượng cát xây dựng được cấp khai thác là hơn 218.000 m3.

Trên địa bàn huyện Cát Tiên có 5 đơn vị và một cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 9 giấy phép đang hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai dài 32,32 km đoạn qua các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Phước Cát 1, Phước Cát 2 và thị trấn Cát Tiên. Tổng sản lượng của cả 9 giấy phép này được khai thác mỗi năm là 95.100 m3 cát. Trong đó, có 7 giấy phép khai thác đến tháng 12-2018 và tháng 01-2019, 1 giấy phép cho khai thác đến tháng 01-2020 và một giấy phép đến tháng 3-2021.

Tuy nhiên, cũng trên đoạn sông này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cấp giấy phép khai thác cát cho Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai, có hiệu lực đến năm 2024; tổng trữ lượng được cấp là hơn 917.000 m3, sản lượng cát khai thác mỗi năm lên đến 80.000 m3. Cũng chính trên đoạn sông này, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã cấp phép khai thác cát cho Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất – thương mại - dịch vụ Trường Phát khai thác trữ lượng gần 312.000m3 đến hết năm 2018 trên đoạn sông chỉ dài 5 km.

Một đoạn sông giáp ranh giữa 3 tỉnh, được cấp đến 19 giấy phép khai thác với trữ lượng hàng chục triệu khối cát, không cần điều tra cũng đủ biết rằng đoạn sông này đang bị “bức tử” với cường độ khủng khiếp đến mức nào.

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Nai và Bình Phước không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác cát trên sông Đồng Nai; đồng thời, yêu cầu giảm công suất khai thác đối với một số doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác ở mức 15.000 m3/năm xuống dưới mức này. Thực tế, đã có một số đơn vị khai thác thác cát chấp thuận giảm công suất. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Đoàn Ngọc Nam: Giảm thì nói là giảm vậy, nhưng tại thực tế, hiện trường khai thác có đơn vị nào hay ai kiểm soát công suất, sản lượng đâu. Ngược lại, dường như các đơn vị khai thác vì không được gia hạn thêm giấy phép nên đang tranh thủ khai thác tận thu.

Hiện, dòng sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai vẫn đang bị khai thác cát quá mức và có nguy cơ rất lớn tiếp tục sạt lở đất, biến đổi dòng chảy, thay đổi địa chất lòng sông… Những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên của vùng tiểu khí hậu này. Tuy nhiên, vì đã “lỡ” cấp phép cho quá nhiều đơn vị khai thác cát với khối lượng quá lớn mà các địa phương này đang lâm vào tình trạng khó xử lý.

Nhu cầu khai thác cát đang tăng mạnh, lợi nhuận từ lĩnh vực này ngày càng tăng và tình trạng các đơn vị, cá nhân khai thác cát không tuân thủ theo sản lượng, công suất đã được cấp phép là có thật. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương cần tăng cường phối hợp kiểm soát việc khai thác cát để bảo vệ dòng sông Đồng Nai./.