Công bố báo cáo kết quả kiểm toán năm 2007
Ngày 1-7- 2008 tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức họp báo công khai báo cáo kết quả kiểm toán năm 2007. Tới dự hội thảo có đại diện các cơ quan trung ương, các bộ ngành và địa phương, cơ quan kiểm toán nhà nước các cấp, các phóng viên báo chí ở Trung ương và Hà Nội. Đồng chí Lê Minh Khái, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước và đồng chí Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chủ trì họp báo.
Kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006 được Kiểm toán Nhà nước báo cáo kết quả kiểm toán năm 2007 là:
Về thu ngân sách nhà nước, công tác lập và giao dự toán của các địa phương cơ bản theo đúng quy trình, thời gian và dự toán thu nội địa do Hội đồng nhân dân các tỉnh phê chuẩn đều cao hơn mức trung ương giao, trong đó 7/29 tỉnh được kiểm toán giao cao hơn từ 15% - 40% (chủ yếu tăng thu về đất). Hầu hết các khoản thu đều đạt và vượt các dự toán. Tất cả các địa phương đều hoàn thành dự toán thu được giao, trong đó 30 địa phương thu vượt trên 10% dự toán. Đạt được kết quả trên, chủ yếu là do cấp ủy và chính quyền các cấp đã tăng cường công tác chỉ đạo thu ngân sách thực hiện quyết liệt các giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch; các doanh nghiệp đã có ý thức hơn trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Ngành thuế, hải quan đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và chống thất thu thuế, đồng thời tích cực xử lý nợ đọng thuế.
Bên cạnh những mặt làm đựợc, trong công tác thu ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại là dự toán lập và giao thấp, chưa bao quát hết các nguồn thu phát sinh làm ảnh hưởng đến nguồn thu. Có 2 chỉ tiêu thu không đạt dự toán, trong đó có thu phí xăng dầu đạt 81,8% dự toán (giảm 881 tỉ đồng), chủ yếu do giá xăng dầu tăng cao nên lượng tiêu thu giảm và do cơ cấu nhập khẩu xăng dầu thay đổi (giảm xăng, tăng dầu). Tình trạng nợ đọng thuế còn lớn. Kết quả kiểm toán tại 29 địa phương cho thấy các đơn vị chưa điều chỉnh kịp thời số nợ đọng thuế theo số phát sinh thực tế. Số nợ đọng thuế đến 31-12-2006 tăng hơn so với số báo cáo của cơ quan thuế là 413,06 tỉ đồng. Việc xử lý các khoản tạm thu, tạm giữ để nộp ngân sách nhà nước của một số tỉnh chưa đầy đủ và kịp thời. Kiểm toán 29 tỉnh, có 12 tỉnh còn một số khoản đã được xử lý hoặc đến thời hạn theo quy định chưa được xử lý để nộp vào ngân sách là 2.141 tỉ đồng. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước là 2.764 tỉ đồng.
Về chi ngân sách nhà nước, các bộ, ngành và địa phương lập và giao dự toán chi ngân sách theo Luật Ngân sách nhà nước, đã bố trí đúng mục tiêu, cơ cấu ngành và cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo cơ cấu giữa chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và chi theo lĩnh vực. Có 29/29 địa phương được kiểm toán đều bố trí dự toán vượt tổng mức trung ương gíao, 7/29 địa phương bố trí vượt trên 10% như Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần thơ, Kiên Giang. Tại các bộ, ngành và địa phương được giao kiểm toán đã sử dụng ngân sách đúng cơ bản đúng định mức tiêu chuẩn quy định, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả. Chi quản lý hành chính tăng 9,4% so với dự toán, nhưng đã giảm hơn so với năm 2005 (vượt dự toán 42%). Đây là thành tích khá nổi bật của năm 2006 do tác động tích cực của Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ.
Cùng với những mặt làm được, công tác chi ngân sách nhà nước còn có những mặt tồn tại như: Công tác giao lập dự toán chi đầu tư còn thiếu căn cứ, bố trí nguồn vốn không đúng quy định. Ở một số bộ, ngành và địa phương còn phân bổ sai nội dung, mục tiêu, đối tượng thụ hưởng của các chương trình là 146,89 tỉ đồng. Công tác phân khai, giao kinh phí và nhiệm vụ còn chậm; lập và phân bổ kế hoạch vốn không sát thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần không thực hiện được; điều chỉnh vốn không đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý.
Qua kiểm toán cho thấy, hầu hết các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương đều còn kết dư ngân sách (Thừa Thiên - Huế 643 tỉ đồng, Hà Tây 524 tỉ đồng, Lâm Đồng 335 tỉ đồng), trong khi ngân sách trung ương phải đi vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách nhà nước Quốc hội quyết định là 48.500 tỉ đồng, thực hiện là 48.613 tỉ đồng bằng 5% GDP đạt tỷ lệ Quốc hội đề ra (vay trong nước 35.864 tỉ đồng, vay nước ngoài 12.749 tỉ đồng).
Qua kết quả kiểm toán năm 2007, nhiều đơn vị đã thực hiện nghiêm túc kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, song cũng còn không ít đơn vị thực hiện thiếu nghiêm túc. Để tăng cường kỷ luật tài chính, Chính phủ cần ban hành Chỉ thị tăng cường quản lý tài chính và tài khóa ngân sách nhằm thực hiện đầy đủ và kịp thời các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước đã trả lời nhiều câu hỏi mà các phóng viên quan tâm./.
Tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008  (02/07/2008)
Thành phố Hồ Chí Minh: GDP 6 tháng đầu năm tăng 10,5%  (02/07/2008)
40 hiệu trưởng được đào tạo kỹ năng quản lý chuẩn châu Á  (02/07/2008)
Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2008  (02/07/2008)
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6  (01/07/2008)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên