Nằm ở Tây Nam châu Phi, với 17 triệu dân (năm 2007) trên diện tích 1.246.700 km2, thiên nhiên ban tặng cho Ăng-gô-la một địa hình đồng bằng hẹp ven biển, cao nguyên rộng lớn bên trong và khí hậu gió mùa xích đạo, nhiệt độ trung bình luôn ở mức 15-29o C, cùng một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đặc biệt là dầu lửa, kim cương và vàng...

Với nguồn tài nguyên quý giá, sản lượng khai thác dầu lửa là 1,4 triệu thùng/ngày năm 2006, (dự kiến nâng lên 2 triệu thùng/ngày vào năm 2008); và nguồn lợi do kim cương mang lại 829,7 triệu USD (năm 2006)... các sản phẩm từ dầu lửa, kim cương và cà phê trở thành nguồn thu nhập ngoại tệ chủ yếu của nước này. Bạn hàng xuất khẩu của Ăng-gô-la chủ yếu là: Mỹ (38%), Trung Quốc (34,2%), Tây Âu, Nhật bản, Đài loan.

Nguồn đất đai màu mỡ, khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới ôn hoà rất phù hợp với những loại cây công nghiệp như cà-phê, bông, mía, thuốc lá; hay những cây nông nghiệp như gạo, ngô, khoai sắn, lúa mì... Cá và gỗ cũng là hai nguồn lợi quan trọng của Ăng-gô-la.

Về cơ cấu kinh tế: nông nghiệp của Ăng-gô-la chiếm 9,6%; công nghiệp: 65,8%; dịch vụ: 24,6% nhưng nếu theo phân bổ lao động thì nông nghiệp Ăng-gô-la chiếm tới 85% còn công nghiệp và dịch vụ chỉ chiếm 15%. Tổng sản phẩm quốc nội của Ăng-gô-la năm 2007 là 45 tỉ USD; trong đó GDP bình quân đầu người là 2.600 USD; GDP tính theo sức mua là 80,95 tỉ USD. Xuất nhập khẩu của Ăng-gô-la trong năm qua đạt 54,64 tỉ USD, trong đó, riêng xuất khẩu là: 43,23 tỉ USD; nhập khẩu: 11,41 tỉ USD. Những mặt hàng nhập khẩu chính ở Ăng-gô-la là: máy móc, trang thiết bị điện, xe, lương thực, thuốc men, hàng tiêu dùng. Những bạn hàng nhập khẩu chủ yếu của Ăng-gô-la là: Mỹ (15,3%), Bồ Đào Nha (15%), Hàn Quốc (10,1%), Trung Quốc (8,8%), Bra-xin (8,2%), Nam Phi (6,7%), Pháp (6,2%).

Không chỉ dựa vào khai thác và xuất khẩu dầu, Ăng-gô-la còn là nước có tiềm năng phát triển lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản khi tận dụng lợi thế có bờ biển dài 1.600 km, chạy dài theo đất nước. Thêm vào đó, chính phủ Ăng-gô-la hiện nay đã nỗ lực khôi phục và phát triển hạ tầng nhất là hệ thống giao thông với mục tiêu đến năm 2011, xây dựng 14.000 km đường bộ và khôi phục lại hệ thống đường sắt. Khi giao thông thuận lợi cũng là lúc các vấn đề về đời sống và việc làm của người dân nơi đây từng bước được cải thiện.

Thiết lập quan hệ với Việt Nam từ năm 1975 (12-11-1975), Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ gắn kết với Đảng Phong trào Giải phóng Nhân dân Ăng-gô-la (MPLA), Đảng đang cầm quyền hiện nay tại Ăng-gô-la. Trải qua 33 năm, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Ăng-gô-la luôn được củng cố và phát triển thông qua những chuyến trao đổi nhiều đoàn cấp cao giữa hai nước như chuyến thăm của Chủ tịch MPLA, A-gô-xtin-nô Nê-tô sang thăm hữu nghị Việt Nam tháng 8-1971. Chủ tịch nước Cộng hòa Ăng-gô-la, Đốt Xan-tốt (Dos Santos), thăm Việt Nam tháng 4-1987. Bộ trưởng Ngoại giao Ăng-gô-la Pau-lô Giô (Paulo Jorge) thăm Việt Nam năm 1979. Bộ trưởng Ngoại giao Bernardo de Miranda thăm Việt Nam tháng 5-2004. Chủ tịch Quốc hội Rô-bét-tô Đờ An-mây-đa (Roberto de Almeida) thăm Việt Nam tháng 10-2004.

Về phía Việt Nam cũng đã có các chuyến thăm ngoại giao của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ thăm Ăng-gô-la tháng 10-1978; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Ăng-gô-la tháng 12-1980. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Ăng-gô-la tháng 3-1995. Đặc biệt là chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Ăng-gô-la tháng 10-2002. Đây là chuyến thăm hữu nghị chính thức có ý nghĩa quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Nhân dịp này, hai bên đã ký Nghị định thư hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ăng-gô-la; Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Ăng-gô-la...

Nhiều Đoàn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Ăng-gô-la thuộc các ngành nông nghiệp, giáo dục, y tế, thủy sản, cựu chiến binh, quốc phòng, an ninh, ngoại giao.. đã vào vào thăm Việt Nam. Các Đoàn đại biểu của Đảng ta và Đảng MPLA do cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương làm trưởng đoàn cũng đã có những cuộc trao đổi và sang dự Đại hội của nhau.

Hai bên cũng đã ký kết được những Hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại (5-1978), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật (1979); Hiệp định hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và MPLA - Đảng lao động (5-1983); Hiệp định đặc biệt về cử chuyên gia Việt Nam sang Ăng-gô-la (8-1984), ký lại Hiệp định về cử chuyên gia Việt Nam sang Ăng-gô-la hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (1995) và y tế (1996); Thoả thuận hợp tác Nông nghiệp, Nghị định thư hợp tác hai Bộ Ngoại giao (2002), Thuỷ sản (2004). Hai Bên đã họp Ủy ban hỗn hợp ba lần. Hiện tại hai nước đang chuẩn bị các văn bản hợp tác để đi đến ký kết: Nghị Định thư hợp tác dầu khí, Hiệp định thương mại, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và chuẩn bị họp Ủy ban hỗn hợp hai nước lần thứ tư.

Về quan hệ kinh tế, Ăng-gô-la được coi là cửa ngõ mở ra thị trường chung rộng lớn với 200 triệu dân của các nước là thành viên Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC). Với kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2006 đạt khoảng 62,4 triệu USD, trong đó, Việt Nam xuất sang hơn 60,3 triệu USD (chủ yếu là gạo, hàng dệt may, đồ gỗ, sản phẩm chất dẻo), và nhập lại 2.111.634 USD (chủ yếu là kính an toàn, thức ăn gia súc). Bộ Thương mại hai nước cũng đã ký Biên bản ghi nhớ việc hằng năm, Việt Nam cung cấp cho Ăng-gô-la từ 50 nghìn đến 100 nghìn tấn gạo. Trong tương lai, hai nước mong muốn nâng quan hệ thương mại lên một mới.

Về lĩnh vực đầu tư, hiện Ăng-gô-la chưa có dự án đầu tư nào ở Việt Nam. Năm 2006, phía Việt Nam đã có 3 dự án được cấp phép đầu tư vào Ăng-gô-la trong các lĩnh vực sản xuất xe hai bánh gắn máy, may mặc và điện tử, điện lạnh với tổng số vốn đầu tư khoảng 2,5 triệu USD. Năm 2007 vừa qua, dự án kinh doanh, sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, sản xuất vật liệu thiết bị xây dựng tại Ăng-gô-la của công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đô cũng đã được nhà nước cấp phép và đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị để chuẩn bị đi vào hoạt động.

Về lĩnh vực giáo dục, hợp tác giữa Việt Nam và Ăng-gô-la trong những năm qua, chủ yếu tập trung vào việc gửi chuyên gia Việt Nam sang giảng dạy tại nước bạn. Từ năm 1981 đến nay, Việt Nam đã cử khoảng 780 chuyên gia, sang giảng dạy và hướng dẫn. Vào trong vài năm gần đây số lượng các chuyên gia sang Ăng-gô-la mỗi năm từ 5-15 chuyên gia. Hiện có 71 chuyên gia Việt Nam đang làm việc tại Ăng-gô-la.

Về lĩnh vực y tế, kể từ khi hai nước ký Hiệp định đặc biệt về việc cử chuyên gia Việt Nam sang làm việc tại Ăng-gô-la (năm 1984) đến nay, đã có gần 4.000 lượt chuyên gia y tế của Việt Nam sang làm việc tại nước bạn. Hiện có khoảng 250 chuyên gia y tế của Việt Nam làm việc ở 14/18 tỉnh của Ăng-gô-la.

Với những tiềm năng vốn có của Ăng-gô-la cũng như hợp tác của Việt Nam, chúng ta hy vọng một tương lai mới, cùng thắng lợi mới sẽ mở ra trong mối quan hệ hai nước Việt Nam - Ăng-gô-la.