Chuẩn nghèo giai đoạn năm 2016-2020 đã không còn chỉ xét trên thu nhập mà còn tính đến các yếu tố y tế, giáo dục, nhà ở… Các chính sách giảm nghèo cũng được xây dựng theo hướng giảm "cho không" và tăng cường hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để tạo động lực cho người dân thoát nghèo.


 
 Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm

Tại hội nghị tổng kết ban chỉ đạo dự án hỗ trợ giảm nghèo (PRPP) do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 22-11 tại Hà Nội, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm về kết quả của dự án và những chính sách giảm nghèo giai đoạn tới.

Trao quyền cho người nghèo

- Xin ông cho biết kết quả của dự án hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 đã tạo nên những thay đổi gì trong công tác giảm nghèo?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Dự án hỗ trợ giảm nghèo ngoài việc hỗ trợ cho Chính phủ, các Bộ ngành rà soát lại chính sách thì điều quan trọng nhất là đã phát huy nội lực của người nghèo, trao quyền cho người nghèo.

Dự án có các mô hình giảm nghèo theo hướng mọi việc của người nghèo phải để cho người nghèo lo, người nghèo tự quyết định. Chúng ta chỉ hỗ trợ về môi trường pháp lý, về nguồn lực bằng cách cho vay, cho mượn... các chính sách hỗ trợ phù hợp còn người nghèo phải tự quyết định phương thức thực hiện. Người nghèo nuôi bò thì phải tự đi mua bò, họ nuôi lợn tự đi mua lợn, chúng ta không mua bò, mua lợn, không làm triệt tiêu động lực, tính năng động, chủ động của người nghèo.

Thứ hai là thông qua dự án, ngoài việc trao quyền thì sự kết nối giữa cán bộ làm giảm nghèo với người dân được diễn ra thường xuyên hơn thông qua các đối thoại chính sách, qua cuộc họp chung, diễn đàn. Dự án vừa nâng cao năng lực cho người nghèo vừa lắng nghe ý kiến của họ để phản ánh để thay đổi chính sách.

Tôi đánh giá dự án này rất cao, chính kết quả của các mô hình này đã được khái quát lên và thể hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia là chúng ta có hẳn hợp phần nâng cao năng lực cho người nghèo, cho cộng đồng nghèo.

- Sau quá trình thực hiện dự án, ông đánh giá thế nào về năng lực của người nghèo trong việc chủ động tham gia vào quá trình giảm nghèo?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Nhìn chung người nghèo đã có sự tiến bộ ngay cả trong nhận thức, cách suy nghĩ, cách làm, kể cả cách chi tiêu trong gia đình. Tôi thấy những người nào được tham gia vào dự án đều có sự thay đổi rất đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chúng ta phải làm thế nào để nhân rộng ra những mô hình của dự án, chứ nếu chỉ trong phạm vi của dự án thì tác động cũng hạn chế. Nhiệm vụ tới đây là khái quát, đánh giá mô hình hiệu quả để hướng dẫn cho các địa phương thực hiện bằng nguồn lực của chính chúng ta và nhân rộng ra.

 
 Một nông dân người dân tộc Tày, ở Trùng Khánh, Cao Bằng vay vốn ưu đãi
 đã đầu tư nuôi dê cho thu nhập tốt

Vẫn còn người nghèo không muốn thoát nghèo

- Trong thực tế, ở nhiều địa phương các chính sách giảm nghèo chưa có hiệu quả do người dân chưa chủ động, thậm chí còn có tình trạng đấu tranh để được vào danh sách hộ nghèo, vậy ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Chúng tôi qua các cuộc kiểm tra, đánh giá giám sát cùng với Quốc hội vẫn phát hiện ra tư tưởng không muốn thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo, thậm chí mình không phải là hộ nghèo nhưng cứ muốn được thôn, xã đưa vào diện nghèo. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ "cho không" cho người nghèo quá nên ai cũng muốn được hưởng.

Thực sự ở nông thôn giữa nghèo và không nghèo cũng không có chênh lệch lớn, người dân còn khó khăn nên cũng muốn vào diện nghèo. Do đó, chỉ khi nào chúng ta thay đổi chính sách một cách căn bản, triệt tiêu tư tưởng trông chờ, muốn thụ hưởng phần "cho không" của Nhà nước thì người dân mới có thể không có tư tưởng vào diện nghèo, chỉ muốn được Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo.

Chúng ta cũng phải làm công tác truyền thông cho tốt để thấy rằng nghèo cần phải có tự ti, tự ái trong điều kiện mình mãi ở hộ nghèo, có thế họ mới có động lực thoát nghèo.

- Hiện nay tỷ lệ nghèo của khu vực miền núi phía Bắc cao nhất cả nước, một số chuyên gia cho rằng cần rút bớt lao động ra khỏi khu vực này để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có những chính sách gì về vấn đề này không thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Hiện nay, trong chính sách về đổi mới cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng có gắn với đổi mới cơ cấu về lao động. Chúng ta thấy tài nguyên đất đai có hạn, muốn năng suất trong nông nghiệp tăng lên thì cần rút bớt lao động trong khu vực nông nghiệp. Nhưng hiện nay, việc thực hiện chính sách này không dễ dàng đối với vùng đồng bào dân tộc vì ở đó, thanh niên, lao động trẻ cũng không có hào hứng đi làm ăn xa. Quan trọng là phải kéo đầu tư ở miền xuôi lên các tỉnh miền núi để khai thác tiềm năng, rồi khai thác cả nguồn nhân lực.

Tiếp theo là, chúng ta phải tăng cường đào tạo nghề để rút bớt lao động nông thôn miền núi xuống các vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận dưới xuôi. Việc này phải làm kiên trì, tuy khó khăn nhưng chúng ta phải làm truyền thông để nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm, thói quen sống đối với thanh niên để họ có thể đi xuống trung du làm việc với thu nhập tốt hơn, thậm chí đi nước ngoài nhiều hơn để vừa giảm nghèo nhanh vừa điều chỉnh cơ cấu lao động ở các vùng này.

- Xin cảm ơn ông!