TCCSĐT - Chiều 18-11-2016, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc Tọa đàm cấp cao nhằm tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cho công tác bảo vệ, phát triển rừng và thực hiện sáng kiến REDD+ tại Việt Nam.
Tham dự tọa đàm có Đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và đại diện một số quốc gia tham gia thực hiện REDD+, các đại sứ quán, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế…

REDD+ là một sáng kiến quốc tế mới về “giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng” thực hiện tại các nước đang phát triển, thông qua sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế. Cơ chế REDD+ được đưa ra nhằm làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu thông qua việc chi trả cho các nước đang phát triển để chấm dứt tình trạng chặt phá rừng, vì thế đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việt Nam là nước đi tiên phong triển khai thực hiện REDD+ từ năm 2010, là nước đầu tiên xây dựng Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP) và tiên phong trong nỗ lực lượng hóa các giá trị môi trường rừng, thực hiện thành công cơ chế chi trả cho môi trường rừng.

Tuy nhiên, cơ hội và thách thức phát triển trong giai đoạn mới đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Lĩnh vực lâm nghiệp hiện được coi là một trụ cột trong chiến lược tăng trưởng xanh và đạt các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. REDD+ được coi là một sáng kiến, cơ hội để Việt Nam thay đổi cách tiếp cận quốc gia về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Hà, cho biết: Năm 1990 là thời điểm rừng bị khai thác nhiều, diện tích che phủ rừng ở Việt Nam chỉ đạt 27%. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành các chính sách, biện pháp để bảo tồn, phát triển rừng, như Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng 2010 - 2015… Nhờ vậy, diện tích đất rừng năm 2015 đã đạt 14,602 triệu héc-ta, nâng độ che phủ lên mức 40,8%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, song song với Kế hoạch hành động REDD+ quốc gia. Theo đó, Việt Nam cam kết tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% vào năm 2020, tăng diện tích rừng đặc dụng, mở đường cho các mục tiêu về chất lượng rừng, chuyển mục tiêu từ có nhiều rừng sang chất lượng rừng tốt hơn.

Dự kiến trong năm 2017, kế hoạch đầu tư và khung huy động nguồn lực cho NRAP bao gồm cả các chỉ tiêu định lượng sẽ được xây dựng. Kế hoạch này sẽ huy động các đối tác để triển khai các hoạt động cụ thể, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn xã hội và môi trường theo các cam kết quốc tế trong REDD+. Chính phủ Việt Nam cam kết thiết lập các cơ chế tài chính, thể chế hiệu quả, minh bạch nhằm tiếp nhận các khoản chi trả cho các kết quả đạt được, tái đầu tư cho các mục tiêu lâm nghiệp giai đoạn 2020.

Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh: Lợi ích mà các dịch vụ và sản phẩm từ rừng mang lại lớn hơn nhiều so với các lợi ích tài chính trực tiếp, đồng thời cam kết thực hiện một số chương trình song phương và đa phương đã được thiết lập nhằm cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính sẵn sàng thực hiện REDD+.

Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Louise Chamberlain nhận định: Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận trong thực thi REDD+ và là quốc gia đi đầu thực hiện các sáng kiến giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. UNDP cam kết tiếp tục là đối tác tin cậy gắn bó với Việt Nam thực hiện REDD+, hỗ trợ Việt Nam triển khai NRAP.

 Để thực hiện tầm nhìn REDD+ 2016-2020, Việt Nam dự kiến 3 gói giải pháp: Thứ nhất, giảm mất rừng. Với gói giải pháp này, Việt Nam sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tổng thể để đạt được mục tiêu 16,24 triệu ha đất cho lâm nghiệp vào năm 2020; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững không gây mất rừng; cải thiện quản trị rừng và sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng; tăng cường thực thi pháp luật về rừng. Thứ hai, bảo tồn, nâng cao trữ lượng cac-bon rừng và quản lý rừng bền vững. Theo đó, Việt Nam sẽ nhân rộng các mô hình kinh doanh rừng có hiệu quả; thí điểm mô hình làm giàu rừng tự nhiên bền vững, bảo vệ và bảo tồn rừng; cải thiện môi trường kinh doanh và tài chính cho lâm nghiệp. Thứ ba, thực hiện REDD+ và từng bước cải thiện. Việt Nam sẽ hoàn thiện và nâng cấp các công cụ REDD+ theo lộ trình; thực hiện các cơ chế quản lý cho REDD+; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực để thúc đẩy REDD+, làm giảm nguy cơ dịch chuyển phát thải; điều phối, hỗ trợ, tuyên truyền, nâng cao năng lực thực hiện và giám sát tiến trình thực hiện NRAP./.