Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Nội tiết Trung ương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới (ngày 14-11) với chủ đề cảnh giác với bệnh đái tháo đường, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường và điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Tổ chức Y tế thế giới dự báo, tỷ lệ đái tháo đường trên toàn thế giới tăng 54% trong vòng 20 năm (2010 - 2030). Năm 2014, thế giới có 138 triệu người trưởng thành bị đái tháo đường, đến nay đã tăng lên 422 triệu người. Dự đoán, số người mắc bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện nay, ước tính cứ 11 người trưởng thành sẽ có 1 người mắc bệnh đái tháo đường và năm 2040, cứ 10 người trưởng thành sẽ có 1 người bị bệnh đái tháo đường.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, bệnh đái tháo đường là “kẻ giết người” thầm lặng, gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh lý mạch vành… đã trở thành gánh nặng bệnh tật không chỉ đối với người bệnh, gia đình mà còn đối với toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Số ca tử vong toàn cầu của bệnh đái tháo đường trong năm 2015 là 5 triệu người, trong khi đó số ca tử vong do HIV/AIDS là 1,5 triệu người, do bệnh lao là 1,5 triệu người… Như vậy, số ca tử vong do đái tháo đường cao hơn rất nhiều so với các bệnh truyền nhiễm từ trước đến nay vẫn được coi là nguy hiểm.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm, từ năm 2002 đến năm 2012, tỷ lệ bệnh đái tháo đường đã tăng hai lần (từ 2,7% lên 5,4%). Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ gia tăng bệnh đái tháo đường của Việt Nam tăng nhanh hơn thế giới. Tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán tại cộng đồng còn rất cao 63,6% và tuổi mắc đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa.

Bên cạnh các yếu tố khách quan gây bệnh đái tháo đường như di truyền, lão hóa, nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia…

Tuy vậy, các nghiên cứu cho thấy có tới 70% số ca mắc mới đái tháo đường có thể phòng tránh hoặc làm chậm xuất hiện bệnh nếu áp dụng các lối sống lành mạnh, thực hiện dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý…

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kêu gọi các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường; tuyên truyền cho người thân, bạn bè, hàng xóm quan tâm đến việc phòng chống bệnh đi khám sức khỏe thường xuyên, trong đó có xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường cũng như bệnh đái tháo đường để có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh hoặc xuất hiện biến chứng của bệnh./.