TCCSĐT - Quan hệ Nga - Ukraine vốn không êm ả sau những sự kiện năm 2014, khi có sự thay đổi chính quyền ở Kiev, khu vực Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga và tình trạng xung đột kéo dài ở miền Đông Ukraine, lại thêm căng thẳng sau cáo buộc của Moskva về việc Ukraine liên quan đến "các vụ tấn công khủng bố" tại Crimea.

Cáo buộc về âm mưu khủng bố tại Crimea

Ngày 10-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Ukraine đang "lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình", và Kiev đang "chơi một trò chơi vô cùng nguy hiểm", sau khi Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã đập tan hàng loạt âm mưu tấn công vũ trang được cho là của Kiev nhằm vào khu vực Crimea.

Phát biểu tại Moskva, Tổng thống Nga cho hay thông tin từ FSB cho thấy nhà chức trách Ukraine đang cố gắng kích động bạo lực và xung đột tại Crimea, và điều này vô cùng “đáng lo ngại”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá đây là một âm mưu "ngớ ngẩn và tội ác" của lực lượng an ninh Ukraine để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Ukraine đối với những vấn đề trong nước. Ngoài ra, ông Putin khẳng định sẽ làm mọi việc để đảm bảo an ninh cho cơ sở hạ tầng, người dân nước Nga và sẽ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an ninh bổ sung.

Trước đó, FSB cho biết đã đập tan "các vụ tấn công khủng bố" tại Crimea do lực lượng tình báo quân đội Ukraine tiến hành. Theo thông báo của FSB, một sĩ quan của họ đã thiệt mạng khi truy bắt "những kẻ khủng bố" trong hai đêm 06 và 07-8. Ngoài ra, một quân nhân Nga cũng thiệt mạng khi đấu súng với nhóm "khủng bố" do Bộ Quốc phòng Ukraine cử đến trong ngày 08-8.

Tuy nhiên, chính quyền Kiev cùng ngày đã ngay lập tức lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Ngày 10-8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Pi-ốt Pô-rô-sen-cô) và Bộ Ngoại giao nước này đã đồng loạt phủ nhận những cáo buộc của Nga cho rằng Kiev đứng sau âm mưu khủng bố tại Crimea (Crưm).

Trong một tuyên bố, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng cáo buộc của Nga là "vô lý và thiếu cân nhắc". Nhà lãnh đạo Ukraine cũng một lần nữa cáo buộc có sự hiện diện quân sự của Nga tại Donbass (Đôn-bát), miền Đông Ukraine, bất chấp Nga luôn bác bỏ điều này.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng ra tuyên bố cho rằng những cáo buộc của Nga là vô căn cứ và gọi đây là "sự khiêu khích" của Moskva. Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên hợp quốc Volodymyr Yelchenko (Vla-đi-mia I-en-tren-cô) cho biết Kiev có thể đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập một cuộc họp khẩn liên quan tới cáo buộc của Nga. Ông Volodymyr Yelchenko cũng để ngỏ khả năng Ukraine sẽ một lần nữa đề nghị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Donbass.

Gia tăng xung đột ở miền Đông Ukraine

Trong một diễn biến liên quan, theo báo cáo hàng tháng của Phòng điều phối về các vấn đề nhân đạo trực thuộc Liên hợp quốc (OCHA), được công bố ngày 10-8, số dân thường thiệt mạng và bị thương tại khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine trong tháng 7 vừa qua lên mức cao kỷ lục kể từ tháng 8-2015 đến nay. Cụ thể trong tháng 7, con số thương vong dân sự tại vùng chiến sự Donbass là 73 người (trong đó có 8 người thiệt mạng), cao hơn con số thương vong 69 người trong tháng 6 (trong đó có 12 người thiệt mạng).

Thống kê của OCHA cho biết kể khi bùng phát xung đột giữa lực lượng an ninh Ukraine và phe đòi độc lập ở miền Đông hồi tháng 4-2014 đến nay, có 9.553 người thiệt mạng, hơn 22.000 người bị thương. Các vụ pháo kích nhằm vào các điểm dân cư là nguyên nhân chính khiên con số thương vong dân sự ở Ukraine tăng cao, trong đó Liên hợp quốc đặc biệt lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng ở Donetsk (Đô-nét-xcơ).

Bên cạnh nguyên nhân chiến sự, việc khan hiếm nước và thực phẩm cũng đẩy cuộc sống dân thường đến cùng cực. Theo ước tính của Liên hợp quốc, tại Ukraine hiện có ít nhất 3,1 triệu người cần trợ giúp nhân đạo, trong đó 1,1 triệu người thường xuyên phải chịu cảnh thiếu ăn.

Căng thẳng leo thang đến mức có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao

Sau những cáo buộc ngoại giao là các hoạt động chuyển quân, tăng cường vũ khí, trang thiết bị của cả hai bên, làm cho tình hình càng thêm căng thẳng. Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, các đơn vị quân đội Ukraine đóng tại khu vực giáp ranh với bán đảo Crimea ngày 11-8 đã thi hành hàng loạt biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ chuyển quân và phương tiện theo chỉ thị của Tổng thống. Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Vladyslav Seleznev (Vla-đi-xláp Xê-lê-dơ-ni-ép) trả lời phỏng vấn hãng Interfax-Ukraine, nói rằng đây là biện pháp đáp trả trước việc quân đội Nga tăng cường căn cứ gần Crimea.

Ngày 12-8, báo "Izvestia" (Tin tức) dẫn nguồn tin ngoại giao Nga cho biết nước này đang xem xét phương án đáp trả âm mưu khủng bố tại Crimea (Crưm) mà phía Moskva cho rằng có sự liên quan của tình báo quân đội Ukraine, trong đó thảo luận khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Kiev. Nguồn tin trên tiết lộ Nga đang xem xét một trong những phương án đáp trả quyết liệt có thể là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Tuy nhiên Tổng thống Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi phân tích đầy đủ các thông tin đã thu thập được.

Cũng theo nguồn tin trên, Moskva đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán của mình tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước sau khi phía Ukraine từ chối đề xuất của Nga đề cử ông Mikhail Babich (Mi-kha-in Ba-bích), người từng giữ một chức vụ cấp cao trong Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), thay thế Đại sứ Nga Mikhail Zurabov (Mi-kha-in Du-ra-bốp) tại Ukraine. Cho đến nay, đại diện chính thức của Moskva tại Kiev là Đại biện lâm thời Sergey Toropov (Xéc-gây Tô-rô-pốp). Phía Ukraine cũng không cử Đại sứ tại Nga kể từ năm 2014 và hiện chỉ có đại diện ngoại giao tại Moskva.

Quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế

Ngày 11-8, theo đề nghị của Kiev, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã có cuộc họp kín kéo dài khoảng 1 giờ liên quan những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề an ninh ở bán đảo Crimea. Tại đây, Đại sứ Ukraina tại Liên hợp quốc Volodymyr Yelchenko (Vla-đi-mia Y-en-tren-cô) đã yêu cầu phía Nga đưa ra các chứng cớ liên quan tới cáo buộc tình báo Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố vừa bị Nga phát giác ở Crimea. Đại sứ Ukraine cũng đề nghị các quan sát viên Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu, cùng các quan chức Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế tới Crimea để thẩm vấn 2 đối tượng bị Nga bắt giữ trong vụ phát giác âm mưu khủng bố trên.

Về phần mình, phát biểu sau cuộc họp, Đại diện thường trực Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin (Vi-ta-li Tru-rơ-kin) đánh giá cuộc họp là hữu ích đối với Nga, giúp Moskva cung cấp thông tin cho đại diện các nước khác về âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng trên bán đảo này. Ông Churkin cho biết, trong cuộc thảo luận, nhiều ủy viên Hội đồng bảo an đã kêu gọi thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và "điều này là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Nga".

Phát biểu với hãng tin Nga TASS về vụ việc trên, đại diện Bộ Ngoại giao Đức khẳng định Berlin đặc biệt lo ngại về những căng thẳng mới giữa Nga và Ukraine liên quan âm mưu khủng bố trên bán đảo Crimea và hiện đang giám sát chặt chẽ tình hình xung quanh cuộc xung đột Ukraine. Đức đồng thời kêu gọi các bên từ bỏ đối đầu, tránh leo thang căng thẳng. Cùng ngày, Mỹ cũng kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau (Ê-li-da-bét Tru-đô) cho biết Washington "cực kỳ quan ngại về căng thẳng leo thang gần ranh giới giữa bán đảo Crimea và Ukraine. Ngày 13-8, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, Phó Tổng thống Mỹ khuyên người đồng cấp Ukraine nên tránh leo thang căng thẳng trong quan hệ với Nga liên quan đến các cáo buộc về âm mưu khủng bố phá hoại tại Crimea./.