TCCSĐT - Ngày 22-2-2010, các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhóm họp tại thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) để thảo luận các biện pháp thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Đây là sự kiện mở màn cho Năm APEC 2010, với hàng loạt hoạt động sẽ được tổ chức trên khắp Nhật Bản và kết thúc bằng Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma vào tháng 11 tới.
 
1. Nhật Bản chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch APEC năm 2010

Ngày 22-2-2010, các quan chức cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhóm họp tại thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) để thảo luận các biện pháp thúc đẩy quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Đây là sự kiện mở màn cho Năm APEC 2010, với hàng loạt hoạt động sẽ được tổ chức trên khắp Nhật Bản và kết thúc bằng Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma vào tháng 11 tới. Trong hai ngày diễn ra cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc xây dựng Khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương và vạch ra chiến lược tăng trưởng kinh tế cho tất cả các nền kinh tế thành viên APEC. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá lại quá trình thực hiện "Mục tiêu Bogor" về tự do hóa thương mại và đầu tư của các nền kinh tế phát triển trong APEC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng các nền kinh tế thành viên APEC nhất trí xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương vì cho rằng, APEC là một khối kinh tế quá lớn để có thể đồng thuận về một vấn đề.

2. Thế giới có thêm một liên minh mới “Cộng đồng các nhà nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê”

Từ ngày 22 đến 23-2-2010, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Rio, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia và đại diện 32 nước trong khu vực, nhằm mục đích đoàn kết các quốc gia trong khu vực để hướng tới sự thịnh vượng chung diễn ra ở Mê-hi-cô. Tại phiên bế mạc Hội nghị, lãnh đạo 32 nước trong khu vực đã thống nhất thành lập một liên minh mới lấy tên là “Cộng đồng các nhà nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê” của 33 nước, kể cả Ôn-đu-rát nhưng không bao gồm Mỹ và Ca-na-đa. Đây là sự thay thế cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS). Hai tổ chức hiện tại là Nhóm Rio và CALC sẽ tiếp tục hoạt động, thành lập các tổ công tác nhằm tăng cường quá trình hội nhập, bổ sung lẫn nhau và cùng nhau phát triển, đồng thời xúc tiến công tác soạn thảo quy chế, tên gọi, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của Cộng đồng mới. Các nhà phân tích chính trị nhận xét, sự ra đời của “Cộng đồng các nhà nước Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê”, sẽ tạo ra một không gian riêng cho các nước trong khu vực bởi việc thành lập Liên minh mới này “sẽ giúp các nước trong khu vực hội nhập khu vực một cách toàn diện, công bằng và thuận lợi hơn trong xây dựng các chương trình nghị sự, từ đó tạo nên một danh tính Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê trên toàn cầu.

3. Hơn 700 ngân hàng Mỹ bị xếp vào danh sách "đen"

Ngày 23-2-2010, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ chính thức thông báo số ngân hàng bị đưa vào "danh sách có vấn đề" vào cuối năm ngoái là 702, tăng 150 ngân hàng so với cuối quý III/2009, nâng tổng tài sản trị giá lên gần 403 tỉ USD. Đây là con số cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng về vốn vay và tiền gửi tiết kiệm hồi tháng 6-1993 và chiếm khoảng 9% tổng số ngân hàng được cơ quan trực thuộc Chính phủ liên bang này bảo hiểm. Các ngân hàng bị đưa vào danh sách "đen" là những thể chế có nguy cơ bị đổ vỡ do gặp khó khăn về tài chính, vận hành hoặc quản lý. Chủ tịch FDIC, bà Sây-la Bai (Sheila Bair) cho rằng, cùng với nền kinh tế bắt đầu hồi phục, ngành ngân hàng đã ghi nhận một số dấu hiệu cải thiện trong quý IV/2009 nhưng đó chưa phải là quý có sự cải thiện mạnh. Hơn một nửa trong số khoảng 8.000 ngân hàng được liên bang bảo hiểm thông báo thu lãi cao hơn năm 2008 và gần 1/3 số ngân hàng thông báo lỗ, chủ yếu do phải vật lộn với các số lượng khách hàng không trả được vốn vay ngày càng nhiều. Theo các nhà phân tích, các ngân hàng lớn của Mỹ đã và đang hồi phục nhờ có sự trợ giúp của chương trình hỗ trợ vốn của liên bang, trong khi đó các thể chế nhỏ vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong vài năm nữa.

4. Ông V.Y-a-nu-cô-vích nhậm chức Tổng thống U-crai-na

Ngày 25-2, Tổng thống đắc cử Vích-to Y-a-nu-cô-vích đã chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ tư của Ucrai-na kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô trước đây năm 1991. Phát biểu tại lễ nhậm chức ở trụ sở Quốc hội U-crai-na trước sự chứng kiến của nhiều quan chức nước ngoài, ông V.Y-a-nu-cô-vích cam kết bảo vệ chủ quyền và độc lập của U-crai-na và xây dựng các mối quan hệ bình đẳng và đôi bên cùng có lợi với Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước khác. Thủ tướng đương nhiệm U-crai-na, bà Y.Ti-mô-sen-cô, đối thủ của ông V.Y-a-nu-cô-vích trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 7-2 vừa qua, đã không dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Trước đó, ngày 24-2, phái đại biểu thuộc đảng “Các khu vực” (PR) đã đệ trình lên Quốc hội U-cra-na dự thảo nghị quyết đề nghị bãi miễn chính phủ của Thủ tướng Y.Ti-mô-sen-cô.

5. Hạ thủy tàu thuỷ năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới

Ngày 25-2-2010, Đức đã cho hạ thuỷ chiếc tàu thuỷ chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại thành phố Kiel. Chiếc tàu này mang tên “Tinh cầu Thái Dương” có chiều dài tới hơn 31 m và chiều rộng gần 16 m, nặng 60 tấn, được phủ bằng gần 500m2 tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp động lực cho tàu chạy. Tốc độ của tàu có thể lên đến 26 km/h.Theo giới thiệu, chi phí để đóng chiếc tàu này là gần 10 triệu ơ-rô. Tàu năng lượng mặt trời có nhiều tính năng ưu việt như tiếng ồn thấp, bảo vệ môi trường, tàu có thể chứa 50 người. Một lần sạc điện, trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời cũng có thể hoạt động 3 ngày. Tàu “Tinh cầu Thái Dương” sẽ có chuyến du hành vòng quanh thế giới vào năm 2011. Hành trình này ước tính khoảng 40.000 km, trong 140 ngày. Chuyến đi này nhằm tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường và kêu gọi thế giới đẩy mạnh sử dụng nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời.

6. Dự luật mới của Nga về lao động nhập cư

Ngày 26-2-2010 trong lần xem xét đầu tiên, cũng đồng thời siết chặt việc kiểm soát người nước ngoài đến Nga làm việc từ các nước có chế độ miễn thị thực, Dự luật về một số ưu đãi cho người lao động nhập cư này đã được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua. Theo ông A-lếch-xan-đơ Brốt, thành viên của Viện Xã hội Nga, dự luật về một số ưu đãi cho người lao động nhập cư từ các nước có chế độ miễn thị thực với Nga, sẽ bảo đảm cho họ những tiêu chuẩn sống và điều kiện làm việc bình thường. Để làm việc cho các tổ chức pháp nhân, người lao động sẽ mua giấy phép lao động trị giá 1.000 rúp một tháng. Ông Brốt cho biết, đây là một tiến bộ trong việc tự do hoá pháp luật về di trú. Theo ông, chi phí cố định sẽ giảm thiểu việc các quan chức nhận hối lộ. Người lao động nhập cư từ các nước có chế độ miễn thị thực với Nga làm việc bình thường cho các tổ chức pháp nhân, khi mua giấy phép lao động trị giá 1.000 rúp/tháng.

7. Nga và Gru-di-a mở lại cửa khẩu biên giới trên bộ

Ngày 26-2-2010, Bộ Ngoại giao G-ru-di-a tuyên bố, cửa khẩu biên giới trên bộ Kazbegi, Gru-di-a – Thượng Verkhny Lars - Nga sẽ được mở cửa trở lại từ ngày 1-3-2010. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Nga và Gru-di-a sau cuộc xung đột hồi năm 2008 đang được cải thiện. Thỏa thuận này đã được các nhà đàm phán hai nước đạt được sau quá trình thương lượng không dễ dàng với sự trung gian của Ác-mê-ni-a và Thụy Sĩ. Đây là cửa khẩu biên giới trên bộ duy nhất giữa Nga và Gru-di-a, không đi qua các vùng lãnh thổ ly khai của Gru-di-a là Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a - tâm điểm trong cuộc xung đột giữa Nga và Gru-di-a năm 2008. Cửa khẩu này đã bị đóng cửa từ năm 2006 với lý do sửa chữa và tu bổ cho hợp với tiêu chuẩn hiện đại. Phía Nga đã hoàn tất việc nâng cấp cửa khẩu Thượng Lars từ đầu tháng 5-2009, còn Gru-di-a, với sự tài trợ của Mỹ, cũng đã hoàn tất việc nâng cấp cửa khẩu Kazbegi vào tháng 9-2009.
 
8. Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không chính thức lần thứ 16

Hội nghị diễn ra tại Putrajay, thủ đô hành chính của Ma-lai-xi-a trong 2 ngày 27 và 28/2. Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng đã điều hành hội nghị với vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Trên cương vị chủ tọa hội nghị, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của ASEAN là thực thi đầy đủ cam kết và chương trình hợp tác kinh tế nội khối, hướng tới mục tiêu thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ không chỉ giúp ASEAN phát huy tốt nhất lợi thế của khu vực dựa trên ưu thế của từng thành viên mà còn là một bước cần thiết nhằm củng cố vững chắc uy tín và uy thế của ASEAN với các đối tác trên thế giới. Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận hướng hợp tác kinh tế chủ đạo của ASEAN trong năm 2010, theo đó tập trung nguồn lực nhằm sớm triển khai các thoả thuận liên kết quan trọng của hiệp hội, bao gồm Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ ASEAN, trong năm 2010. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ nỗ lực đẩy nhanh các chương trình hợp tác kinh tế hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư. /.