Nga - NATO chưa thể giải quyết bất đồng
TCCSĐT - Không thể đi đến được bất cứ thỏa thuận thu hẹp bất đồng nào là kết quả của cuộc họp Hội đồng Nga - NATO diễn ra ngày 13-7 tại Brussels (Bỉ). Các nội dung chính trong chương trình nghị sự, từ cuộc khủng hoảng Ukraine đến minh bạch các hoạt động quân sự, hay tình hình an ninh tại Afghanistan… đều không tìm được tiếng nói chung giữa hai bên cho dù các quan chức Nga và NATO đều xác nhận cuộc họp diễn ra trong bầu không khí “cởi mở” và “thẳng thắn”.
Nga và NATO tìm kiếm những giải pháp nhằm giảm nhiệt căng thăng gần đây. Ảnh: putniknews.com
Thất bại trong tìm kiếm đối thoại
Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội hạ nhiệt căng thẳng khi quan hệ bị đánh giá đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO lần này kết thúc vẫn chỉ dừng lại là diễn đàn để hai bên bày tỏ quan điểm của mình chứ không đi đến kết quả cụ thể nào. Điều này không bất ngờ, bởi quan hệ Nga - NATO đang rơi vào cuộc khủng hoảng niềm tin trầm trọng, khó có thể tháo gỡ trong “một sớm, một chiều”. Kể từ tháng 4-2014, NATO đã đóng băng các quan hệ hợp tác với Nga sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Hoạt động của Hội đồng Nga - NATO - một cơ chế để hai bên thảo luận cùng đưa ra quyết định chung về an ninh tại khu vực, được hình thành từ năm 2002 cũng theo đó bị gián đoạn vào tháng 6-2014. Chưa kể, việc NATO tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu lại thêm một yếu tố “đổ dầu vào lửa” trong quan hệ giữa hai bên.
Cho dù trước đó, theo đánh giá của giới phân tích, quan hệ xấu đi giữa Nga với NATO đang làm tổn hại tới nhiều lợi ích của hai bên. Nếu như Nga là phía chịu thiệt hại nhiều hơn về kinh tế khi đình trệ hợp tác với phương Tây thì NATO lại là bên bị ảnh hưởng nặng nề về mặt an ninh, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng như cả khu vực Trung Đông và hiện nay là cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở chính trong lòng châu Âu. Thực tế này càng kéo dài càng không có lợi. Do vậy, việc hai bên cùng ngồi lại đối thoại được đánh giá là động thái tích cực đầu tiên nhằm mở đường cho việc nối lại những hợp tác cùng quan tâm và cùng có lợi. Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của NATO, Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng với Nga và không muốn tái diễn Chiến tranh Lạnh. Người đứng đầu NATO nêu rõ quan điểm của NATO là rõ ràng, theo đó “không tìm kiếm đối đầu, không muốn Chiến tranh Lạnh” và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối thoại mang tính xây dựng và có ý nghĩa với Nga.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Astana (Kazakhstan), Ngoại trưởng Nga S. Lavrov tuyên bố, Moscow sẵn sàng hợp tác với NATO trong khuôn khổ Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997. Theo đó, Ngoại trưởng S. Lavrov hy vọng rằng, NATO sẽ dựa vào những thỏa thuận đã được ghi rõ trong Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997, đồng thời nhấn mạnh, Moscow sẵn sàng hành động theo hướng đó. NATO cần phải chủ động áp dụng các biện pháp nhằm hồi sinh quan hệ hợp tác với Nga, bởi vì Moscow không chủ động cắt đứt hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, không đóng băng các kênh phối hợp hành động hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan để lực lượng này đối phó hiệu quả hơn với IS và các nhóm cực đoan khác, cũng như các lĩnh vực hợp tác khác với NATO. Song, mọi nỗ lực giữa hai bên trong thời điểm này đã chưa có được kết quả.
Khó tạo dựng niềm tin
Diễn ra trên tinh thần đối thoại, nhưng giữa Nga và NATO vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc, những khác biệt quan điểm căn bản khó giải quyết. Điều có thể thấy rõ là, kể từ khi được thành lập đến nay, NATO vẫn không từ bỏ mục tiêu lớn nhất là kiềm chế sức mạnh của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Việc Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg thừa nhận quan hệ NATO và Nga cần được xây dựng trên cơ sở “phòng thủ và đối thoại” cho thấy giữa hai bên khó có thể tạo dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau.
Nga và NATO đã không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine, thông báo được Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg đưa ra sau cuộc họp. Phía NATO khẳng định, Ukraine sẽ là một đối tác năng động của NATO và NATO thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ” của các quốc gia thành viên dành cho Kiev. Trong thông cáo chung được NATO đưa ra, liên minh quân sự này tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ukraine, đồng thời tái khẳng định việc sẽ không bao giờ công nhận Crimea thuộc về Nga, cũng như hối thúc Moscow thực thi các nội dung trong Thỏa thuận hòa bình Minsk. Moscow thì đưa ra quan điểm, việc thực thi những vấn đề chính trị trong khuôn khổ Thỏa thuận Minsk về Ukraine cần có những cơ chế khác nhau như “nhóm Bộ tứ Normandy”, “nhóm Tiếp xúc”, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Và Nga không có bất kỳ hoạt động quân sự nào tại Ukraine, việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia láng giềng này phụ thuộc vào khả năng chính quyền Kiev thực hiện những bước đi đã được thỏa thuận.
Trong vấn đề Afganistan, mặc dù Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg cho biết, các nước đồng minh NATO đã cam kết với Mỹ rằng họ sẽ chi khoảng 1 tỷ USD mỗi năm trong vòng 3 năm tới để hỗ trợ cho quân đội Afghanistan. Về sứ mệnh của NATO huấn luyện các lực lượng vũ trang Afghanistan, ông J. Stoltenberg nêu rõ, NATO “sẵn sàng ở lại sau năm 2016”. Dự kiến sứ mệnh này sẽ tiếp tục trong năm 2017 với 12.000 binh sĩ NATO và Mỹ. Tuy nhiên, Nga cho rằng, trong hơn một thập niên hiện diện tại Afghanistan, hoạt động của NATO đã không mang lại sự ổn định cho tình hình an ninh tại quốc gia này. Các mối đe dọa an ninh, trong đó có chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, khủng bố, tội phạm ma túy mà liên quân chiến đấu chống lại từ năm 2001, không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn có xu hướng gia tăng. Afghanistan vẫn đang phải đối mặt với tình trạng bạo lực và bất ổn nghiêm trọng. Do vậy, NATO cần tiếp tục chịu trách nhiệm cao hơn cho việc đào tạo lực lượng an ninh Afghanistan và tình hình an ninh tại đây.
Một trong những bất đồng lớn không thể giải quyết giữa hai bên trong lần nhóm họp này là việc NATO đưa ra quyết định tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra trước đó ít ngày về việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực sườn phía Đông của khối bắt đầu từ năm 2017 với 4 tiểu đoàn đóng luân phiên ở 4 nước Ba Lan, Estonia, Latvia và Litva. Bốn tiểu đoàn được NATO triển khai sẽ do Mỹ, Đức, Anh và Canada đứng đầu. Sự hiện diện của các tiểu đoàn ở sườn phía Đông này sẽ được duy trì chừng nào còn cần thiết và không bị giới hạn về thời gian. Biện pháp này là một thành tố trong quá trình áp dụng khả năng răn đe và phòng thủ toàn diện hơn của NATO do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO cũng nhất trí tăng cường sự hiện diện ở khu vực Đông Nam, đẩy mạnh phòng thủ mạng, công nhận không gian mạng là mặt trận tác chiến mới; thông qua kế hoạch ổn định với việc hỗ trợ cho các đối tác; triển khai các máy bay do thám AWACS giúp thu thập thông tin cho lực lượng liên quân chống IS; mở rộng sự hiện diện của hải quân ở Địa Trung Hải.
Những động thái trên đã khiến Nga và NATO không thể hòa dịu, nhất là những ngày gần đây, Nga và NATO đã liên tiếp đưa ra các tuyên bố về lập trường của mình. Thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan) có đoạn: “Nga đã đi ngược lại với các giá trị, nguyên tắc và cam kết cơ bản trong quan hệ Nga - NATO”. Đáp trả, Moscow cho rằng, bất chấp nhu cầu khách quan duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu, nhu cầu phối hợp tiềm năng của tất cả các quốc gia nhằm chống lại những thách thức thực tế của thế giới hiện nay, NATO đang tập trung vào việc kiềm chế một nguy cơ mà họ tự vẽ ra từ phía Đông. Moskva nhận định, NATO mưu toan vẽ nên hình ảnh nước Nga thành một mối đe dọa nhằm biện minh cho các biện pháp tăng cường quân sự cũng như đánh lạc hướng dư luận khỏi vai trò của NATO và một số quốc gia thành viên trong việc gây ra các cuộc khủng hoảng và duy trì tình hình căng thẳng tại các khu vực trên thế giới. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga V. Putin, ông D. Peskov, tuyên bố việc NATO cho rằng, Nga đã làm dấy lên mối đe dọa là điều “ngớ ngẩn”, nhất là khi “ngay giữa lòng châu Âu, hàng chục người bị thiệt mạng, trong khi tại Trung Đông, con số này lên tới hàng trăm người mỗi ngày, vì thế nói mối đe dọa xuất phát từ Nga là thiển cận và nực cười”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga M. Zakharova cho rằng: “NATO đang tập trung nỗ lực để kìm hãm mối đe dọa không có thực từ phía Đông (ám chỉ đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine), mà bỏ qua các mối đe dọa khủng bố ngày càng tăng từ phía Nam”. Cho dù NATO khẳng định những biện pháp quân sự mới chỉ nhằm tăng cường khả năng phòng thủ ở sườn phía Đông chứ không đe dọa an ninh nước Nga, song sức nặng lời nói của NATO đối với Moscow giờ đây không còn giá trị. Bà M. Zakharova cảnh báo, NATO đang xem nhẹ những hậu quả tiêu cực đối với an ninh của NATO xuất phát từ các kế hoạch của Mỹ và NATO nhằm thay đổi cán cân lực lượng hiện nay, trong đó có việc tăng cường thực hiện các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Sự hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga được cho là bước đi tất yếu trong chiến lược hướng Đông của khối này với chính sách hai mặt trong quan hệ với Nga, đó là kiềm chế nhưng vẫn tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại với Nga. Đánh giá về việc NATO tuyên bố hệ thống phòng thủ tên lửa của khối ở các nước Đông Âu mang tính phòng thủ, ông Morozov, thành viên Ủy ban Quốc tế Thượng viện Nga cho rằng, Nga không được phép tin vào những tuyên bố của NATO khi khối này xây dựng các cơ sở hạ tầng ngay sát biên giới Nga, không chỉ triển khai các thiết bị chống tên lửa mà còn có thể triển khai vũ khí hạt nhân. Ông Lebedev, Phó Chủ tịch Hạ viện Nga nhấn định, NATO dùng các nước cận Baltic để tạo sức ép về chính trị quân sự đối với Nga, giảm thiểu ảnh hưởng của Nga đến các quốc gia khác. Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban quốc tế Thượng viện Nga, ông Kosachev, toàn bộ các quyết định của NATO xuất phát từ logic của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ai mạnh hơn người đó được an toàn hơn. Ông Kosachev nhấn mạnh, NATO đang đổ bê tông cho bức tường thứ hai tại châu Âu sau bức tường Berlin năm nào.
Những bước đi liên tiếp này của Mỹ và NATO khiến Nga thấy rằng, NATO đang muốn hủy hoại sự cân bằng chiến lược ở châu Âu. Do vậy, Nga tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng, trong đó có phương án lắp đặt hệ thống phòng không hiện đại S-400 tại tỉnh Kaliningrad và bán đảo Crimea, với phạm vi hoạt động bao quát phần rộng lớn mặt nước biển Banltic và Biển Đen, đồng thời thành lập những khu cấm bay đối với máy bay của NATO. Ngoài ra, Moscow còn lên kế hoạch cung cấp hệ thống phòng không tầm cao S-300 cho Iran để thành lập những khu vực tương tự tại Trung Đông. Những hành động “ăn miếng, trả miếng” giữa Nga và NATO đang gợi lại kịch bản của những năm 70, đầu 80 của thế kỷ XX, khi Mỹ và Liên Xô triển khai tên lửa tại châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị - quân sự kéo dài nhiều năm.
Cuộc họp Hội đồng Nga - NATO được tổ chức mới chỉ lần thứ ba và cũng phản ánh một thực tế là quan hệ giữa Nga và NATO khó bề nhanh chóng cải thiện. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định và đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, di cư bất hợp pháp, không quốc gia nào có thể đơn phương đối phó thành công mà cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước với nhau. Quan hệ Nga - NATO cũng không nằm ngoài xu thế chung của thời đại, và nỗ lực đối thoại nhằm tìm kiếm điểm chung để hợp tác là con đường phù hợp duy nhất hiện nay. Trước thất bại trong việc tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai bên ở lần nhóm họp này, nhằm khôi phục lòng tin, giảm thiểu căng thẳng và tăng cường hợp tác, hai bên cần tỏ rõ thiện chí, đẩy mạnh đối thoại để thiết lập các cơ chế hữu hiệu./.
Huyện Tây Hòa: Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh  (17/07/2016)
Huyện Tây Hòa: Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh  (17/07/2016)
Huyện Tây Hòa: Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh  (17/07/2016)
Huyện Tây Hòa: Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng và phát triển quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh  (17/07/2016)
Đại sứ quán Việt Nam lập đường dây nóng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ  (16/07/2016)
Doanh nghiệp Đức đánh giá cao triển vọng hợp tác với Việt Nam  (16/07/2016)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm